Sốt xuất huyết ở Hà Nội bùng mạnh, người dân vẫn lơ là phòng bệnh

19/09/2022 - 06:21

PNO - Ở một số địa phương của thủ đô, chỉ số lăng quăng (bọ gậy), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức vượt ngưỡng cho phép.

Bên cạnh việc gia tăng số ca mắc, dịch sốt xuất huyết ở TP.Hà Nội còn khiến 3 bệnh nhân tử vong. Trong khi đó, ở một số địa phương của thủ đô, chỉ số lăng quăng (bọ gậy), muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết vẫn ở mức vượt ngưỡng cho phép.

Số ca mắc tăng hơn 46% trong một tuần

Tại TP.Hà Nội, dịch sốt xuất huyết (SXH) lại có dấu hiệu tăng mạnh, có khả năng bùng phát trên diện rộng. 

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP.Hà Nội, tính từ đầu năm 2022 đến ngày 9/9, toàn TP.Hà Nội ghi nhận 2.263 ca mắc SXH, tăng gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Toàn thành phố có 240 ổ dịch ở 27 quận, huyện và hiện còn 80 ổ đang hoạt động. Trong tuần gần đây nhất, CDC TP.Hà Nội ghi nhận 547 ca mắc bệnh SXH, tăng 46,3% so với tuần trước đó. Các quận, huyện có số ca mắc SXH cao gồm Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Trì, Đan Phượng, Thường Tín, Thanh Oai. 

Đoàn giám sát dịch sốt xuất huyết kiểm tra dụng cụ chứa nước của một hộ dân ở H.Đan Phượng - địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất TP.Hà Nội - ẢNH: T.Đ.
Đoàn giám sát dịch sốt xuất huyết kiểm tra dụng cụ chứa nước của một hộ dân ở H.Đan Phượng - địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất TP.Hà Nội - Ảnh: T.Đ.

Đáng lưu ý, đã có ba ca tử vong do SXH, xảy ra ở quận Long Biên, huyện Đan Phượng và huyện Thanh Trì. Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.Hà Nội, 3 trường hợp này đều được phát hiện bệnh muộn và có các bệnh lý nền tương đối nặng như bệnh về tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường. 

Ở các cơ sở điều trị, số ca mắc SXH nặng cũng gia tăng. Bác sĩ Thân Mạnh Hùng - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - cho hay trong ba tuần gần đây, bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân hơn so với cùng kỳ tháng trước: “Mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 5-7 bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển đến, trong đó chủ yếu là người ở TP.Hà Nội”. 

Từ đầu mùa dịch tới nay, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP.Hà Nội) tiếp nhận và điều trị hơn 300 ca SXH, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng, bị các biến chứng như cô đặc máu, thoát dịch, tràn dịch màng bụng, màng phổi, giảm tiểu cầu, tăng men gan. Nhiều bệnh nhân sốt cao liên tục nhưng không đáp ứng thuốc hạ sốt.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - đánh giá năm nay, bệnh nhân SXH nặng xuất hiện sớm hơn, tăng nhanh hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn hẳn so với các năm trước. Nguyên nhân khiến các ca bệnh SXH tăng cao có thể là do đặc tính của chủng virus Dengue gây bệnh năm nay, cũng có thể do quần thể bệnh nhân mắc SXH có các thay đổi về miễn dịch sau khi mắc COVID-19. 

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng chỉ ra thực tế, SXH là căn bệnh nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn có thói quen tự điều trị, tự truyền dịch tại nhà. Đây là điều vô cùng nguy hiểm bởi có thể xảy ra nhiễm trùng, sốc phản vệ đối với dịch truyền. 

Muỗi truyền bệnh vẫn sinh sôi mạnh

TP.Hà Nội đang bước vào thời điểm giao mùa, tiết trời nắng nóng nhưng mưa nhiều, độ ẩm cao, tạo điều kiện thuận lợi để muỗi gây bệnh SXH phát triển và khiến bệnh lây lan. Cao điểm của mùa SXH ở miền Bắc cũng thường từ tháng 9-11 hằng năm. 

Theo các chuyên gia, BI (breteau index, tức số dụng cụ chứa nước có ấu trùng muỗi aedes) là chỉ số quan trọng để xác định tình trạng lăng quăng, muỗi vằn cũng như các nguy cơ gây SXH. Chỉ số BI từ 30 trở lên được xác định là có nguy cơ cao về bùng phát dịch SXH. Ở miền Bắc, chỉ số BI từ 20 trở lên được xem là có nguy cơ, nhưng theo báo cáo của CDC TP.Hà Nội, nhiều nơi đang có chỉ số BI cao gấp 2-5 lần chỉ số nguy cơ bùng phát dịch.

Từ đầu năm 2022 đến nay, ngành y tế huyện Đan Phượng ghi nhận 137 ca mắc SXH, tăng khoảng ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Huyện này cũng vừa ghi nhận một ca tử vong do mắc SXH. Ngành y tế huyện này đã lập nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác vệ sinh môi trường, phòng ngừa bệnh SXH, các tổ xung kích diệt lăng quăng, nhưng theo kết quả giám sát, điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch SXH từ ngày 2 đến giữa tháng 9/2022, ổ dịch cũ ở thị trấn Phùng - nơi vừa có một ca tử vong do SXH - chỉ số BI vẫn bằng 45, cao gấp hơn hai lần ngưỡng nguy cơ bùng phát dịch.

Kết quả giám sát cũng cho thấy, chỉ số BI ở P.Phúc Tân, Q.Hoàn Kiếm là 25, ở xã Khánh Hà, huyện Thường Tín là 46, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai là 54, ở xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh là 100. 

Chỉ số BI cao đã phần nào phản ánh ý thức, sự tham gia của người dân vào công tác diệt muỗi và lăng quăng còn chưa cao. Lãnh đạo một đơn vị thi công xây dựng ở đường Láng, quận Đống Đa cho hay, đã có gần chục cán bộ, nhân viên (chiếm khoảng 25% tổng số lao động) mắc SXH. Gần đây, hầu hết nhân viên công ty đi làm đều phải mặc áo dài tay để tránh muỗi đốt nhưng vẫn mắc bệnh. Đơn vị này đã phun thuốc hai lần từ đầu năm tới nay, nhưng chưa thể dọn dẹp vệ sinh, xử lý các nơi đọng nước hằng ngày, hằng tuần. 

Theo ông Vũ Cao Cương - Phó giám đốc Sở Y tế TP.Hà Nội - sở đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát để kiểm soát dịch bệnh. Khi kiểm tra, các đoàn đều yêu cầu địa phương tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, phun hóa chất trên diện rộng. Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội kêu gọi người dân phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để thực hiện khẩu hiệu “Không có muỗi, không có lăng quăng thì không có SXH”. 

Sở Y tế TP.Hà Nội đề nghị người dân thay nước bình hoa hằng ngày, thu dọn các vật chứa nước như chai, lọ, bình, vỏ xe. Ông cũng yêu cầu CDC TP.Hà Nội bám sát diễn biến dịch SXH ở các địa phương, tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế, nâng cao năng lực và kỹ năng giám sát của các đội xung kích, phối hợp với các trung tâm y tế kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời ổ dịch. 

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI