Sốt xuất huyết: Nhiều trẻ bệnh nặng do cha mẹ chủ quan

28/10/2022 - 07:07

PNO - Nhiều trẻ bệnh nặng, sốt cao, co giật, suy hô hấp vì cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng bệnh sốt xuất huyết đã “cuối mùa”, cho trẻ nhập viện quá trễ.

Mặc dù hiện số lượng trẻ mắc sốt xuất huyết chỉ tăng nhẹ, nhưng vẫn còn nhiều trẻ bệnh nặng, sốt cao, co giật, suy hô hấp vì cha mẹ chủ quan, nghĩ rằng bệnh đã “cuối mùa”, cho trẻ nhập viện quá trễ.

Bệnh nặng vì nhập viện trễ

Nằm trên giường bệnh, chốc chốc toàn thân bé P.V.H. (30 tháng tuổi, ở Q.12) lại run lên. Bé nhắm hờ mắt, cố hít mạnh dưới sự trợ thở của ô-xy râu rồi bật khóc. Nghe tiếng khóc của con, chị Nguyễn Thị Thu Hương vội chạy đến vỗ về. Cứ như thế chị thấp thỏm gần mười ngày nay bởi bệnh của bé H. trở nặng, cần được theo dõi sát.

Trẻ mắc sốt xuất huyết đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: P.A.
Trẻ mắc sốt xuất huyết đang được điều trị ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM - Ảnh: P.A.

Theo chị Hương, trước khi nhập viện, bé H. bị sốt cao khoảng 39-400C, chị ra tiệm mua thuốc nhét hạ sốt cho con. Tự điều trị ba ngày nhưng bé không đỡ hơn, không ăn uống được, ói liên tục và co giật, gia đình phải đưa con đến Bệnh viện Đa khoa Q.12 cấp cứu. “Bác sĩ nói con tôi bị sốc sốt xuất huyết (SXH) nặng, suy đa cơ quan, có dấu hiệu cô đặc máu nên truyền dịch, kháng sinh cho bé. Ban đầu, con tôi đỡ sốt, nhưng sau đó co giật nhiều nên tôi xin chuyển bé đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM”, chị Hương kể. Đây là lần đầu tiên bé H. bị SXH nên gia đình không nhận ra, chỉ nghĩ bé bị sốt siêu vi. 

Cạnh giường bé H., bé V.B.N. (11 tuổi, ở H.Bình Chánh) cũng được điều trị tích cực vì sốc SXH, suy gan, thận, ói nhiều, rối loạn đông máu… Vừa lau người cho con, chị Trần Thị Bảo Uyên vừa chia sẻ: “Con tôi nằm viện đã sáu ngày. Bé đỡ nôn ói hơn nhưng vẫn phải truyền dịch. Do con tôi hay viêm họng nên trước khi nhập viện một tuần cháu bị ho thôi. Tần suất ho ngày càng nhiều, sau đó mới sốt, tôi chỉ nghĩ con sốt do viêm họng chứ không biết cháu bị SXH”.

Mấy tháng trước, xung quanh nơi ở của chị cũng có người bị SXH. Nhưng gần đây, ở dãy nhà trọ nhiều bé bị ho, cảm sốt nên chị Uyên chỉ tập trung phòng ngừa bệnh về hô hấp, cảm cúm cho con. “Mọi năm hết SXH mới tới viêm amidan, viêm phế quản, ho, sổ mũi… nên khi con bệnh, tôi loại trừ bệnh SXH, không ngờ…”, chị Uyên nói.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng đã cấp cứu cho hai anh em ruột bị sốc SXH. Hiện tại, cả hai anh em đã qua nguy hiểm, nhưng vẫn đang được truyền dịch chống sốc SXH và theo dõi sát diễn tiến sức khỏe.

Theo thống kê của bệnh viện, từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận, điều trị hơn 500 trẻ mắc SXH nặng, hai trẻ không qua khỏi. Trong đó, một bé nhập viện quá trễ, một bé được chuyển viện trong tình trạng nguy kịch. Theo các bác sĩ, hiện số trẻ mắc SXH có giảm so với tuần trước, nhưng số trẻ bị nặng được đưa đến vẫn tăng.

Đừng nghĩ sốt xuất huyết đã “hết mùa”

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM - cho biết: Trung bình mỗi ngày có khoảng 100-120 trẻ bị SXH được điều trị nội trú. Trong đó, trẻ mắc SXH nặng chiếm 10-15%. Sở dĩ số lượng trẻ mắc SXH tăng trong thời gian qua là do tính chất chu kỳ của bệnh. Cứ mỗi 3-4 năm SXH tăng lên. Cụ thể, năm 2019 đã có đợt SXH cao nên năm nay cần đề phòng bệnh chặt chẽ hơn. Hiện chủng Dengue 2 đang chiếm ưu thế nên SXH có biểu hiện lâm sàng nặng hơn. 

Thêm phần, hầu hết trẻ rơi vào tình trạng nặng thường do phụ huynh chủ quan không nghĩ con mình đang bị SXH nên tự điều trị cho trẻ tại nhà. “Nguy hiểm hơn, vẫn có cha mẹ nghĩ SXH là bệnh thường gặp, trẻ sốt vài ngày là tự khỏi. Trong khi đó, nếu không theo dõi chặt chẽ, một khi trẻ bị các dấu hiệu cảnh báo như nôn ói nhiều, chảy máu mũi, chảy máu răng, bỏ ăn… thì đã ở giai đoạn rất nặng, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Tuấn nói.

Trước tình hình nhiều cha mẹ nghĩ rằng SXH đã vào “cuối mùa” nên không đáng lo ngại, các bác sĩ khuyến cáo, trẻ mắc SXH nặng vẫn còn cao, có thể kéo dài đến hết tháng 1/2023. Hiện nay, SXH được xem là bệnh quanh năm, rộ lên vào mùa mưa chứ không phải ở từng giai đoạn trong năm. Thậm chí, SXH sẽ tăng nhanh vào cuối mùa mưa nếu cha mẹ mất cảnh giác. Một khi số trẻ mắc bệnh tăng thì số ca nặng cũng sẽ tăng lên, kéo theo nguy cơ trẻ tử vong cao. Điển hình năm nay, số ca mắc SXH có biểu hiện lâm sàng nặng hơn những năm trước. Bệnh nhân bị sốc sớm hơn, tái sốt nhiều hơn. Sốt cao, suy gan nặng, xuất huyết nặng cũng tăng. Sai lầm lớn nhất của người lớn là cho rằng hết sốt sẽ khỏi bệnh hoàn toàn, trẻ chỉ mắc bệnh một lần trong mỗi giai đoạn.

Bác sĩ Tuấn cho biết: “Bất kỳ trẻ nào sốt hai ngày trở lên, sốt cao khó hạ cha mẹ phải nghĩ ngay đến SXH, đưa trẻ đi bệnh viện để được thăm khám, làm các xét nghiệm để phát hiện sớm, kịp thời. Nếu không, SXH có thể biến chứng nặng, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tuần qua, thành phố ghi nhận ba trường hợp tử vong do SXH tại Q.Bình Tân và TP.Thủ Đức, nâng tổng số ca tử vong do SXH từ đầu năm đến nay là 29 trường hợp. Tính đến nay, toàn thành phố ghi nhận 113 ổ dịch SXH mới phát sinh ở 76 phường, xã thuộc 18/22 quận, huyện, TP.Thủ Đức; tăng 5 ổ dịch mới so với tuần qua. Hiện các ổ dịch đã được xử lý. 

Ba sai lầm trong chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết

Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, nhiều phụ huynh khi thấy con mình sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức. Một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật.

Vì vậy, người lớn có thể cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày, cung cấp nhiều nước để tránh tình trạng trẻ bị thiếu nước và chất điện giải. Lưu ý, không nên cho trẻ ăn thức ăn, thức uống có màu đỏ vì sẽ khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Ngoài ra, các bà mẹ khi thấy con hết sốt thì nghĩ rằng trẻ đang hết bệnh nên không tiếp tục theo dõi. Điều này rất nguy hiểm bởi trẻ có thể bị sốt đi sốt lại nhiều lần và diễn tiến bất thường, khó lường. Nếu trẻ hết sốt nhưng chân lạnh, đau bụng, nôn ói cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện để được thăm khám lại phòng bệnh tái nặng.

Đặc biệt, trong giai đoạn đầu khởi bệnh, trẻ thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt siêu vi, tay chân miệng… nên phụ huynh cần theo dõi chặt các triệu chứng bệnh của con để có hướng chăm sóc thích hợp, cũng như đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời. Nếu không, nguy cơ trẻ bị sốc SXH nặng rất cao.  

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI