Sống lang thang vì bị con bạo hành

15/11/2013 - 15:36

PNO - PN - Suốt hai năm con trai đi nghĩa vụ, dù rất nghèo khó, nhưng cứ hai tuần là bà Lý Huỳnh Nguyên, SN 1950 (ảnh), lại cùng con gái lên Bình Dương thăm con trai là Lý Huỳnh Sáng. Vậy mà, chỉ mới xuất ngũ vài tháng, Sáng đã nỡ vung tay đánh...

edf40wrjww2tblPage:Content

Song lang thang vi bi con bao hanh

Vốn là cư dân Q.1, TP.HCM nhưng sau hai lần giải tỏa nhà, lại bị chồng bỏ, năm 2007, bà Nguyên mua một khoảnh đất nhỏ ở ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, đưa hai con về chung sống. Gia đình ba người nhưng chỉ mình Sáng còn khả năng lao động. Tuy nhiên, theo lời bà Nguyên, Sáng chẳng lo được gì cho mẹ và người chị bị động kinh, khờ khạo từ nhỏ. Bà Nguyên kể: “Về nhà mới, Sáng hay than buồn chán, cứ đòi trở vào thành phố cho có bạn bè. Tôi khuyên con, mình nghèo, phải gắng chịu thì nó chửi tôi. Đi làm thì thôi, về đến nhà Sáng lại chửi mắng tôi và con Kim, chị nó. Khi Sáng đi bộ đội, gia đình tôi mới tạm yên. Nhưng, xuất ngũ về vài tháng, Sáng lại mắng chửi rồi đánh tôi và Kim, toàn gọi “mày”, xưng “tao”…”.

Hàng xóm khẳng định, thỉnh thoảng vẫn nghe tiếng khóc la, mắng chửi vọng ra từ nhà bà Nguyên; lại có khi thấy người bà bị xây xát, hỏi thì bà khóc kể nhưng không dám đi tố giác. Mãi đến tháng 8/2013, khi Sáng đánh mẹ bằng cái nồi cơm điện thì công an đến. Sau đó, Sáng bị xử phạt hành chính. Tại trụ sở công an xã, Sáng trình bày lý do đánh mẹ vì bà làm mất giấy tờ của anh ta và vì “bà ấy hay lôi thôi, la mắng”. Ngày 30/10, Sáng đòi mẹ đưa hộ khẩu để mua xe, bà Nguyên không đồng ý thì Sáng dọa đốt nhà, rồi rút dây nịt đánh mẹ tới tấp.

Song lang thang vi bi con bao hanh

Bà Lý Huỳnh Nguyên với mớ hung khí con trai từng dùng đánh mình ở trụ sở ban ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn sáng 12/11/2013

Chị Tiên hàng xóm, kể: “Mấy năm nay bà Nguyên và cô Kim chỉ sống bằng cách… ăn xin! Ai cho gì dùng đó. Sau khi bị con trai đánh, bà chạy lên ban ấp xin tạm lánh thì bị đuổi về. Sợ quá, bà trốn luôn về khu nhà cũ ở Q.1 lang thang từ đó”.

Bà Nguyên mếu máo kể với người viết bài: “Hồi tháng Tám, chú công an hứa nếu Sáng đánh tôi lần nữa thì báo tin, chú ấy sẽ xử lý. Nhưng, hôm 30/10, tôi bị đánh bầm tím hết mình mẩy, chạy lên trình báo thì mấy chú nói tôi chưa bị đổ máu mà kêu cái gì?”.

Nêu chuyện bà Nguyên với ban điều hành ấp 3, xã Xuân Thới Thượng, ngay lúc bà Nguyên đang ngồi trước sân ban ấp, các cán bộ ở đây thờ ơ như chuyện “biết rồi, khổ lắm…”. Một cán bộ nói, ông từng giới thiệu việc làm cho bà Nguyên và cô Kim nhưng hai người không muốn lao động.

Theo lời các vị này, trong căn nhà không số đó, kể cả Sáng hình như cũng có vấn đề tâm thần. Tuy nhiên, những cán bộ này không trả lời được là ai đã kết luận ba mẹ con bà Nguyên mắc bệnh tâm thần và nếu họ là những người tâm thần, lại khó khăn như thế, sao chính quyền không giúp đưa họ vào cơ sở chữa bệnh theo đúng chức năng, thẩm quyền của mình? Nhìn người phụ nữ 63 tuổi vẻ mặt khờ khạo và cô con gái sinh năm 1978 ngây ngô vì bị động kinh, tay run run ôm tô cơm xin được của hàng xóm, ai cũng tự hỏi không biết họ còn có thể làm được những việc gì?

Ông Trần Văn Hòa - Trưởng Công an xã Xuân Thới Thượng cho biết: “Việc không lập biên bản vi phạm hành chính vụ Sáng đánh mẹ ngày 30/10 là thiếu sót của công an khu vực. Ngày 13/11, công an xã đã xác minh lại từ những nhân chứng về việc Sáng đánh, đuổi mẹ và đã triệu tập Sáng về trụ sở, buộc viết tường trình, cam kết không tái phạm; đồng thời, yêu cầu Sáng phải đi tìm mẹ về. Chúng tôi đã ra quyết định xử phạt Sáng thêm lần nữa và sẽ kiên quyết với trường hợp này”.

 HẠNH CHI

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI