Sớm “thông đường” để kiều bào đóng góp hiệu quả hơn

10/05/2024 - 06:36

PNO - Ngày 8/5, đông đảo đại biểu đã tham dự, đóng góp ý kiến cho buổi tọa đàm quốc tế “Vai trò của cộng đồng doanh nhân, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài với sự phát triển TPHCM theo Nghị quyết số 98/2023/QH15, Chỉ thị số 27-CT-TU và Nghị quyết số 18/NQ-HĐND” do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức.

Kiều bào "tâm huyết nhưng chưa thể làm gì được"

Ông Peter Hồng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài - nói, từ khi có Nghị quyết 98, ông luôn tự hỏi những người Việt Nam ở nước ngoài có thể làm gì để đóng góp cho TPHCM theo cơ chế đặc thù. Ông cũng mong muốn được góp phần mình cho sự phát triển của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Nhưng theo ông, Nghị quyết 98 có hiệu lực gần 1 năm nay mà vẫn chưa thực sự đi vào thực tiễn. Vướng mắc lớn nhất là nội dung nghị quyết cho phép nhưng chưa có cơ chế thực thi.

Hội nghị thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới
Hội nghị thu hút sự tham gia, đóng góp ý kiến của trí thức, doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài trên toàn thế giới

Ông trăn trở: “Muốn làm cái gì cũng phải chờ văn bản của nhiều bộ, ngành. Có những giấy phép kéo dài 6 tháng, khi có giấy rồi vẫn chưa thể triển khai do vướng các quy định khác nhau. Bên cạnh đó, tầm nhìn của cán bộ địa phương cũng là vướng mắc khiến nhiều dự án không thể thực hiện được”. Ông đề nghị cấp trung ương cần tháo gỡ những vướng mắc nhanh nhất có thể để thực thi hiệu quả Nghị quyết 98.

Bà Nguyễn Thị Thục - Chủ tịch sáng lập Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sĩ - cho hay, trong hội nghị về Nghị quyết 98 do Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM tổ chức ngày 10/10/2023, bà có đề xuất hỗ trợ TPHCM kết nối sâu sắc hơn trong dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ với đối tác là tập đoàn vận tải tàu biển lớn nhất thế giới MSC (có trụ sở ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ) đồng thời bày tỏ tâm huyết về việc hỗ trợ kết nối để tìm quỹ đầu tư cho UBND TPHCM trong dự án này. Đề xuất của bà sau đó đã được ban tổ chức hội nghị chuyển cho lãnh đạo UBND TPHCM và được chuyển cho Sở Giao thông Vận tải TPHCM xem xét việc phối hợp. Nhưng đến nay, bà vẫn chưa nhận được phản hồi gì từ sở.

“Sau việc này, chúng tôi rút ra một kinh nghiệm là, để việc kết nối giữa các bên có hiệu quả, đơn vị trực tiếp thực hiện dự án, cụ thể là cảng Sài Gòn trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Sở Giao thông Vận tải TPHCM cần liên lạc và làm việc trực tiếp với chúng tôi. Những dự án mà UBND thành phố đang mong muốn xây dựng để biến TPHCM thành trung tâm logistics cũng nên theo cách như thế, tức là đơn vị nào trực tiếp thực hiện dự án thì chủ động liên hệ các chuyên gia ở nước ngoài, các thị trường có thể thu hút đầu tư, vốn. Đồng thời, trong những dự án như thế này, cần có hồ sơ hoàn chỉnh, người phụ trách có năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý các yêu cầu của nhà đầu tư tiềm năng” - bà nói.

Có cơ chế cụ thể cho việc hợp tác

Bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó đại sứ Việt Nam tại Mỹ - khẳng định, đội ngũ trí thức và doanh nhân người Việt ở Mỹ đang phát triển rất mạnh cả về lượng và chất. 55% người Việt trưởng thành ở Mỹ có bằng đại học hoặc tương đương, 23% có bằng thạc sĩ, 10% có trình độ tiến sĩ, cao hơn tỉ lệ trung bình chung của Mỹ. Đây cũng là cộng đồng có nhiều trí thức tên tuổi nhất trong cộng đồng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài trên các lĩnh vực khoa học, nghiên cứu cơ bản, y tế, hàng không, vũ trụ, vật lý hạt nhân, công nghệ thông tin, năng lượng, kinh tế tài chính.

Nhận thức “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, là nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế cho đất nước nên Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ luôn coi việc thu hút và phát huy nguồn lực kiều bào là ưu tiên hàng đầu. Nhưng theo bà Nguyễn Thúy Hồng, trong quá trình triển khai công tác, bà vẫn thấy còn nhiều điểm nghẽn. Đó là việc thu hút trí thức, doanh nhân kiều bào vẫn chưa hoàn toàn nhất quán, thiếu linh hoạt; điều kiện làm việc và chế độ đãi ngộ trong nước chưa thực sự hấp dẫn. Bên cạnh đó, việc kết nối nguồn lực trí thức người Việt với các địa phương hiện nay chủ yếu là ở lĩnh vực giáo dục đại học, còn ở lĩnh vực tư vấn xây dựng chính sách cho các địa phương lại có phần hạn chế.

Chúng ta có chào mời nhưng chưa có những biện pháp cụ thể để tạo ra một môi trường đủ hấp dẫn để họ đầu tư lâu dài, đặc biệt là trong những lĩnh vực công nghệ mới, đổi mới sáng tạo” - bà Nguyễn Thúy Hồng - Phó đại sứ Việt Nam tại Mỹ.

Bà Đỗ Thị Bích Ngọc - Trưởng văn phòng Khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc - thông tin, có khoảng 80.000 trí thức, doanh nhân Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở Hàn Quốc. Các hiệp hội, hội đoàn cũng hỗ trợ tích cực cho các địa phương - đặc biệt là TPHCM - trong việc hợp tác với Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà khoa học, doanh nhân cho rằng, TPHCM thiếu môi trường để họ cống hiến. Vì vậy, bà đề xuất, UBND TPHCM cần có những chương trình cụ thể để thu hút đội ngũ trí thức, doanh nhân cũng như xây dựng những chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp nhận sự chuyển giao công nghệ để việc hợp tác đạt hiệu quả cao.

Còn bà Nguyễn Thúy Hồng thì cho rằng, các cơ quan liên quan của trung ương và TPHCM cần đẩy mạnh triển khai, vận dụng một cách quyết liệt, sáng tạo hơn các chủ trương, chính sách thu hút nguồn lực kiều bào đã được Nghị quyết 98 đề cập để thực sự tạo ra sự chuyển biến về chất trong công tác vận động và thu hút nguồn lực kiều bào. Đặc biệt, cần chủ động tiếp cận, kết nối nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ các rào cản, hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, áp dụng các sáng kiến của chuyên gia, trí thức, doanh nhân ở nước ngoài. Bên cạnh đó, cần xây dựng cơ chế cụ thể để kiều bào hợp tác trong từng ngành, từng dự án.

Sẽ xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào

TPHCM có 2,8 triệu kiều bào ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chưa có dữ liệu về nghề nghiệp, lĩnh vực hoạt động. Hiện nay, chúng ta chỉ liên lạc được với các nhóm doanh nhân, trí thức, chuyên gia để kêu gọi sự hỗ trợ khi cần. Do đó, việc xây dựng phần mềm dữ liệu kiều bào sẽ giúp tập hợp kiều bào ở mọi quốc gia, vùng lãnh thổ nhằm phát huy vai trò của họ trong việc đóng góp, hỗ trợ cho TPHCM. Mong các cơ quan lãnh sự hỗ trợ, thu thập dữ liệu người Việt Nam ở nước, vùng mà mình phụ trách để chúng tôi tập hợp, cập nhật vào phần mềm.

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM

Thu Lê

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgocnhinvi /strCate=gocnhin

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEdungquenhovi /strCate=dungquenho
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthoisuvi /strCate=thoisu