Sớm có giải pháp chăm lo an sinh cho người già

20/03/2023 - 06:35

PNO - Dân số Việt Nam đang già hóa, xu hướng di dân từ nông thôn vào thành thị đặt ra nhiều thách thức trong việc đảm bảo an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho người già ở đô thị.

Việt Nam sắp bước vào giai đoạn dân số già

Theo số liệu được công bố tại hội nghị toàn quốc do Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam tổ chức ngày 18/3, đến ngày 15/11/2022, thế giới có khoảng 800 triệu người từ 65 tuổi trở lên, chiếm 9,7% tổng dân số. Dự báo đến năm 2030, tỉ lệ này sẽ tăng lên 11,7% và năm 2050 là 16,4%. 

Hiện nay, Nhật Bản là quốc gia duy nhất có dân số siêu già với trên 30% dân số từ 60 tuổi trở lên. Tuy nhiên, đến năm 2050, thế giới sẽ có 64 quốc gia siêu già. Từ năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già (số người từ 65 trở lên chiếm 14,17% dân số).

Người cao tuổi ở mái ấm Thiên Ân (TP Thủ Đức, TPHCM) được các nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà tết - ẢNH: T.T.
Người cao tuổi ở mái ấm Thiên Ân (TP Thủ Đức, TPHCM) được các nhà hảo tâm thăm hỏi, tặng quà tết - Ảnh: T.T.

Từ những số liệu trên, bà Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương - nhận định, già hóa dân số là vấn đề mà cả thế giới đang đối mặt chứ không riêng Việt Nam. Điều này chứng tỏ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng phát triển, giúp tuổi thọ con người ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, thực trạng này cũng đặt ra nhiều thách thức không chỉ về kinh tế, xã hội như thiếu hụt nguồn lao động, gánh nặng an sinh xã hội, lương hưu, y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà ở… mà còn về văn hóa, lối sống khi cấu trúc gia đình bị thay đổi. Những thách thức đó đòi hỏi nguồn lực quốc gia dành cho NCT cần phải tăng lên.

Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi 

Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số nêu yêu cầu “tận dụng hiệu quả dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số”.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu: “Đến năm 2030, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt tối thiểu 68 năm; 100% NCT có thẻ bảo hiểm y tế, được quản lý sức khỏe, được khám chữa bệnh, được chăm sóc sức khỏe ở gia đình, cộng đồng, cơ sở chăm sóc tập trung và chỉ số phát triển con người (HDI) nằm trong nhóm 4 nước hàng đầu khu vực Đông Nam Á”. 

Cùng với những mục tiêu trên, Đảng và Nhà nước cũng đặt ra Chương trình hành động quốc gia vì NCT giai đoạn 2021-2030, Chương trình chăm sóc sức khỏe NCT đến năm 2030, trong đó đề ra các mục tiêu cụ thể như lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát hiện, quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm cho NCT (ung thư, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp); phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe ban ngày, mô hình trung tâm dưỡng lão xã hội hóa; tăng số giường dành để điều trị NCT…

Dù đã có những chủ trương, chính sách tốt đẹp về NCT nhưng theo bà Trương Thị Mai, công tác chăm lo NCT ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, như đến năm 2022, số năm sống khỏe mạnh của NCT chỉ đạt 64, số lượng bệnh viện chuyên ngành hoặc cơ sở khám chữa bệnh dành cho NCT, cán bộ y tế chuyên khoa, giường bệnh dành cho NCT đều rất thiếu, hệ thống cơ sở chăm sóc NCT chưa đáp ứng nhu cầu, có rất ít chương trình, công trình công cộng phục vụ NCT, xu hướng di cư lao động từ nông thôn đến các khu đô thị khiến một bộ phận NCT ít nhận được sự quan tâm, chăm sóc của con cái.

Theo bà, cần có các giải pháp cho vấn đề già hóa dân số, trong đó cần đảm bảo NCT được tôn trọng và tiếp cận an sinh, tiếp cận các dịch vụ thiết yếu, có thu nhập tối thiểu thông qua sàn an sinh xã hội. Để làm được điều này, cần chú trọng chính sách bảo hiểm xã hội, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội để khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí, bảo hiểm xã hội hằng tháng. 

“Bên cạnh đó, cần có chính sách phát triển mạnh chuyên ngành lão khoa trong các cơ sở y tế, khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc NCT, cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hóa, giải trí của NCT, đồng thời nâng chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội NCT trong việc xây dựng văn hóa tuổi già để mỗi NCT là một thành viên tích cực của cộng đồng” - bà Trương Thị Mai nói. 

Cần có quan niệm đúng về viện dưỡng lão

Theo tôi, việc thu hút đầu tư xây viện dưỡng lão gặp khó khăn là do yếu tố cung - cầu. Hiện nay, người Việt Nam vẫn xem trọng nếp gia đình tứ đại đồng đường, vẫn duy trì quan niệm “con cái phải nuôi cha mẹ già”. Do vậy, nhiều gia đình ngại cho NCT vào viện dưỡng lão, bản thân người già cũng ngại vào viện và các đơn vị tư nhân cũng không mạnh dạn đầu tư xây viện dưỡng lão. 

Trong tương lai gần, số người già ở Việt Nam sẽ tăng lên. Những năm tới, chúng ta cần có nhiều viện hay trung tâm dưỡng lão để bảo đảm an sinh xã hội và đảm bảo chăm sóc toàn diện cho NCT. Do đó, cần phải thay đổi quan niệm về viện dưỡng lão. Thực tế, khi vào viện dưỡng lão, NCT được chăm sóc tốt hơn, có điều kiện giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn. Điều này tốt hơn nhiều so với việc để họ cô đơn trong nhà mình. Đặc biệt, đối với người già neo đơn, việc vào viện dưỡng lão giúp họ có cuộc sống tốt hơn rất nhiều.

Nhà nước cần xây dựng chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân thành lập trung tâm hay viện dưỡng lão. Đặc biệt, cần đề ra tiêu chí cho các khu dưỡng lão. Nhà nước có thể hỗ trợ về thuế hoặc trợ giá để đảm bảo mức sàn phí dịch vụ ở các trung tâm, viện dưỡng lão không quá cao, giúp NCT dễ dàng tiếp cận được dịch vụ.

Cách đây không lâu, có một nghệ sĩ khá nổi tiếng mất trong viện dưỡng lão. Tôi thấy không ít cơ quan truyền thông viết “cuối đời cô đơn ở viện dưỡng lão”. Những cách viết như thế này dễ làm người đọc hiểu vào viện dưỡng lão là thất bại, đau khổ và có cảm giác sợ vào viện dưỡng lão, trong khi viện dưỡng lão là nơi chăm sóc người già rất tốt. Ở nhiều nước phát triển, mô hình này đang rất phát triển. Do đó, cần xem lại vấn đề truyền thông.

 Thạc sĩ Lê Quang Bình - Giám đốc Doanh nghiệp xã hội ECUE

Khuyến khích người cao tuổi tham gia các hoạt động cộng đồng

Cần có sự quan tâm và chăm sóc đặc biệt để giúp NCT bớt đi cảm giác cô đơn. Cần tìm cách hỗ trợ họ trong việc giữ gìn sức khỏe, tạo điều kiện để họ tham gia các hoạt động xã hội và kết nối với người khác.

Đồng thời, cũng cần đưa ra các giải pháp kỹ thuật mới, giúp họ dễ dàng thích nghi với cuộc sống hiện đại và khuyến khích họ tương tác thường xuyên với gia đình, bạn bè bằng nhiều hình thức.

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học tâm lý JobWay

Người cao tuổi vẫn khó vào viện dưỡng lão

Chị Trương Thúy An (quận Bình Tân, TPHCM) cho biết, mẹ chị năm nay 70 tuổi, chị là con gái duy nhất của bà, hiện đang sống cùng nhà chồng. Nhiều lần, mẹ chị có ý định vào viện dưỡng lão sống để có bạn già và không làm phiền con cháu. Thế nhưng, bà không đủ điều kiện để được vào viện dưỡng lão công lập (do vẫn còn người thân). Trong khi đó, các viện dưỡng lão tư nhân lại có mức giá vượt quá khả năng tài chính của gia đình.

Ở TPHCM, đang có 20 đơn vị chăm sóc NCT, đang chăm sóc khoảng 2.600 cụ già, trong đó có 8 cơ sở công lập và 12 cơ sở ngoài công lập. NCT ở các cơ sở công lập được nuôi dưỡng bằng tiền ngân sách; NCT ở các cơ sở tư nhân đóng phí theo quy định của cơ sở căn cứ vào mức sàn của Nhà nước, mức phí từ 7-20 triệu đồng/người/tháng.

Sơn Vinh - Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI