Sốc với những nội dung phản giáo dục trên TikTok

08/05/2023 - 06:24

PNO - TikTok đang ngày càng thu hút đông đảo người dùng ở độ tuổi học sinh tham gia. Thế nhưng, vô số nội dung phản cảm, phản giáo dục nhan nhản trên nền tảng này đang ngấm ngầm “đầu độc” cách ứng xử, suy nghĩ của thế hệ trẻ.

 

Bài giảng phản cảm từ tài khoản được cho là của cô giáo dạy văn
Bài giảng phản cảm từ tài khoản được cho là của cô giáo dạy văn

Cô giáo khuyên nữ sinh phải... lẳng lơ?

Chị N.T. (ngụ quận 12, TPHCM) chia sẻ một lần tình cờ thấy con gái học lớp Sáu đang xem clip TikTok phản cảm, chị vội kiểm tra điện thoại thì thấy nhiều nội dung xuất phát từ những tài khoản được cho là của giáo viên. Trong đó, một "cô giáo dạy văn cấp III" thường xuyên đăng tải clip giảng bài cho học sinh gồm nhiều nội dung rất sốc.

Chẳng hạn, khi dạy về việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng, cô giáo này xưng mày tao với học trò và lấy ví dụ về lúc hôn nhau: “Hôn nhá, mở mắt nhìn thế này thì tao nói thật với chúng mày thấy răng với mồm thì tao nói thật là không hôn được nữa. Có xinh mấy cũng không hôn được đâu. Lúc đấy phải đôi mắt mơ màng, nếu có mở thì cũng phải hé một cái rồi nhắm lại ngay... phải mập mờ...”.

Không ít clip của người này thường lấy ví dụ về mối quan hệ yêu đương. Chẳng hạn, trong một clip, cô khẳng định: “Bản năng của đàn ông là tham. Anh hùng không qua ải mỹ nhân. Cho nên đàn bà phải nói nhưng không được nói quá nhiều. Tôi đã nói rồi, đàn bà phải biết lẳng lơ, lẳng lơ, lẳng lơ! Hiểu lẳng lơ là gì không?... Tôi thấy thế giới này toàn những thằng đàn ông chết vì con đàn bà... Chỉ vì mấy từ lẳng lơ thôi...”.

Một clip khác hướng dẫn học sinh “câu một thằng con giai các bạn phải có nghệ thuật”. Cô này khẳng định, phụ nữ “không có nghệ thuật vứt luôn, thật thà vứt luôn, xinh đẹp vứt luôn”. Để sinh động, cô còn lấy luôn ví dụ “Kể cả việc chăn gối vợ chồng cũng phải là úp mở, làm gì có chuyện bật điện sáng trưng...”.

Chị N.T. tỏ ra lo ngại vì đây là một trong những tài khoản dạy văn thu hút lượt theo dõi cao ngất ngưởng, đồng thời mỗi clip đều có đông đảo học sinh yêu thích và bình luận, bày tỏ sự hứng thú, đồng tình. Trong đó cũng có nhiều clip giảng bài khá chất lượng, nhưng việc lồng ghép nhiều câu nói, suy nghĩ không phù hợp độ tuổi học sinh có thể vô tình cổ xúy các em cách sống, cách thể hiện lệch lạc.

Trường học là nơi độc hại?

 

Tài khoản được cho là giáo viên thường xuyên đăng tải clip về gu thời trang trong lớp học
Tài khoản được cho là giáo viên thường xuyên đăng tải clip về gu thời trang trong lớp học

Một tài khoản khác được cho là cô giáo dạy toán ở tỉnh Vĩnh Phúc thì liên tục cập nhật hàng trăm clip quay trong lớp học, trong đó thiên về khoe dáng, khoe gu thời trang. Cô giáo này thường xuyên mặc những bộ đồ bó sát người, váy xẻ cao, sau đó quay những clip tạo dáng, đi lại trong lớp không khác gì người mẫu. Còn có clip cô mặc đồ bó sát, nhảy nhót, uốn éo trong lớp học. Các clip này đều nhận được “cơn mưa” lời khen của các bạn trẻ: “cô giáo, đẹp quá”, “cô gợi cảm quá”, “ước gì được học cô”...

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên TikTok có rất nhiều clip về trường học, giáo viên, học sinh... Tuy vậy, với sự hiển thị ngẫu nhiên, người dùng rất khó chọn lọc, kiểm soát mà thường dễ dàng bị dẫn dắt đến các clip phản cảm, tiêu cực. Chẳng hạn, rất nhiều clip về giáo viên chủ yếu tập trung vào các nội dung khoe ngoại hình: “thầy giáo đẹp không kém diễn viên”, “cô giáo trẻ đẹp”, “thời trang của cô giáo gen Z”, “cô giáo mặc đồ bó sát”, “chân dung cô giáo triệu view dạy tiểu học mà như biểu diễn thời trang”... Với nội dung về học sinh cũng dễ dàng dẫn đến các chủ đề không lành mạnh...

Trong khi đó, liên quan đến trường học thường hiển thị các nội dung như “trường học là nơi toxic (độc hại)”, “trường học là địa ngục”, “trường học là nơi đáng sợ”, “trường học là bắt nạt”... Một clip hiển thị hình ảnh một học sinh cùng nội dung “Trường học hiện nay thậm chí còn không phải là nơi để học mà là về tình yêu, drama, thuốc lá điện tử, đánh giá người khác dựa trên ngoại hình và điểm số” thu hút hàng trăm ngàn lượt yêu thích, bình luận bày tỏ sự đồng tình.

Ông Võ Đỗ Thắng - Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Athena - nhận định trước đây, TikTok có nội dung thuần túy giải trí, nhưng từ năm 2022, ngày càng xuất hiện nhiều nội dung độc hại. Dù với những chủ đề tích cực về trường lớp, giáo viên, cũng dễ dàng dẫn dắt đến những clip tiêu cực gây cái nhìn phiến diện, lệch lạc về hình ảnh thầy cô, trường học, ảnh hưởng xấu đến lứa tuổi học sinh.

“Đây không phải là vấn đề của riêng TikTok Việt Nam mà đã trở thành tình trạng chung của nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, nhiều nước đã dựng lên các “màng lọc”, “hàng rào” kỹ thuật; đồng thời, đưa ra các quy định nghiêm ngặt về việc chia sẻ nội dung trên TikTok nhằm bảo vệ trẻ em” - ông Võ Đỗ Thắng nói. 

Minh Linh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI