Sở hữu chứng chỉ quốc tế có còn lợi thế khi xét tuyển đại học?

08/02/2023 - 05:52

PNO - Năm 2023, nhiều trường đại học vẫn ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác. Tuy vậy, thí sinh không nên quá chú trọng đầu tư luyện thi IELTS mà bỏ quên các phương thức tuyển sinh khác.

 

Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học vào Trường đại học Kinh tế TPHCM năm học 2022-2023 - ẢNH: P.T
Thí sinh trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học vào Trường đại học Kinh tế TPHCM năm học 2022-2023 - Ảnh: P.T

Nhiều phương thức tuyển sinh bằng IELTS, TOEFL

Dự kiến năm 2023, Trường đại học (ĐH) Kinh tế TPHCM sử dụng 6 phương thức xét tuyển, trong đó có đến 3 phương thức dành riêng hoặc ưu tiên cho thí sinh có chứng chỉ IELTS và các chứng chỉ quốc tế khác. Cụ thể, trường dành 1% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển đối với thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài và có chứng chỉ quốc tế. Yêu cầu là thí sinh có một trong các chứng chỉ như IELTS từ 6.0 trở lên, TOEFL iBT từ 73 điểm trở lên, SAT mỗi phần thi từ 500 điểm trở lên, ACT từ 20 điểm trở lên.

Ngoài ra, với 2 phương thức xét tuyển học sinh giỏi (chiếm 40 - 50% chỉ tiêu) và phương thức xét tuyển quá trình học tập theo tổ hợp môn (chiếm 20 - 30% chỉ tiêu), tuy không bắt buộc nhưng sẽ có ưu tiên đối với các thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên.

Trong số 8.000 chỉ tiêu tuyển sinh năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM dự kiến dành 10% chỉ tiêu cho phương thức tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển thẳng. Theo đó, trường ưu tiên xét tuyển thẳng học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố, học sinh đạt giải kỳ thi Olympic; học sinh trường chuyên, lớp chuyên; học sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên hoặc các chứng chỉ tương đương.

Trường ĐH Nguyễn Tất Thành xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào ngành ngôn ngữ Anh cho thí sinh có chứng chỉ TOEFL iBT từ 80 hoặc IELTS từ 6.0 trở lên. Bên cạnh đó, thí sinh có chứng chỉ TOEFL iBT từ 60 hoặc IELTS từ 4.5 được ưu tiên xét tuyển vào các ngành có môn tiếng Anh với mức điểm tương đương điểm 7 theo thang điểm 10.

Tương tự, Trường ĐH Luật TPHCM thực hiện xét tuyển sớm đối với thí sinh đạt điều kiện IELTS từ 5.5 trở lên hoặc TOEFL iBT từ 65 điểm trở lên và các chứng chỉ quốc tế tiếng Pháp, tiếng Nhật. Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM cũng ưu tiên xét tuyển thẳng cho nhóm thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 điểm trở lên, TOEFL iBT từ 61 điểm trở lên hoặc TOEIC từ 600 điểm trở lên. 

Ở TP Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển kết hợp đối với thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế đạt IELTS 5.5, TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng: nghe và đọc 785, nói 160, viết 150) trở lên. Thí sinh xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh này với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT hoặc điểm thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Trường ĐH Sư phạm Hà Nội ưu tiên xét tuyển thẳng các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tiếng Anh IELTS, TOEFL iBT hoặc TOEIC; chứng chỉ quốc tế tiếng Pháp, tiếng Trung còn thời hạn tính đến ngày 1/6/2023. 

Được ưu tiên, nhưng "cửa hẹp"

Không chỉ sử dụng như một phương thức xét tuyển, một số trường còn có chính sách ưu tiên như quy đổi, cộng điểm, cấp học bổng cho thí sinh có chứng chỉ quốc tế. Trong đó, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM có phương thức xét tuyển tổng hợp, trong đó cho phép thí sinh quy đổi điểm của các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (gồm IELTS, TOEFL iBT và TOEFL ITP) để cộng vào điểm xét tuyển. 

Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TPHCM - cho hay, năm 2023, trường bổ sung và mở rộng chính sách học bổng có điều kiện về ngoại ngữ. Thí sinh đạt chứng chỉ IELTS khi tham gia xét tuyển vào trường và trúng tuyển sẽ nhận các mức học bổng tương ứng, cụ thể IELTS 6.0 nhận học bổng 25%, IELTS 6.5 nhận học bổng 50% và IELTS 7.0 nhận học bổng 100%. Mục tiêu của trường là nâng cao chất lượng tiếng Anh của thí sinh đầu vào, giúp sinh viên tiếp cận môi trường học tập quốc tế thuận lợi nhất.

Các trường thành viên ĐH Quốc gia TPHCM đều dành chỉ tiêu nhất định cho phương thức ưu tiên tuyển thẳng theo quy định riêng của ĐH này, trong đó có tiêu chí sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Riêng Trường ĐH Bách khoa dự kiến phần lớn chỉ tiêu (lên đến 90%) cho phương thức xét tuyển tổng hợp. Trong đó, đối với các ngành có môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển, thí sinh được phép quy đổi điểm từ chứng chỉ quốc tế IELTS, TOEFL iBT và TOEIC 4 kỹ năng.

Trường hợp có quá nhiều thí sinh cùng mức điểm xét tuyển và số thí sinh vượt quá chỉ tiêu, thì đối với ngành quản lý công nghiệp và chương trình chất lượng cao, thí sinh có điểm môn tiếng Anh cao hơn sẽ được trúng tuyển. Với các ngành có môn tiếng Anh trong tổ hợp môn xét tuyển, nhà trường chỉ sử dụng kết quả bài thi tiếng Anh và bảng quy đổi điểm từ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, không sử dụng kết quả miễn thi bài thi tiếng Anh của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thầy Phạm Xuân Thọ - giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội ) - cho rằng, vài năm trước, thí sinh sở hữu IELTS có nhiều lợi thế khi xét tuyển vào ĐH. Tuy nhiên, hiện nay, việc học sinh sở hữu chứng chỉ IELTS ngày càng tăng trong khi chỉ tiêu xét tuyển theo phương thức này chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ. Do đó, thí sinh cần xác định đây là “cửa hẹp” và sẽ phải cạnh tranh gay gắt.

Tuy các trường đưa yêu cầu IELTS 5-5.5 nhưng thực tế nếu chỉ đạt mức điểm này thí sinh khó có cơ hội vào các trường lớn. “Do đó, thí sinh nên học tiếng Anh với một tâm thế là tích lũy kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ để phục vụ quá trình học tập, làm việc sau này. Không nên chỉ chăm chăm luyện thi IELTS với mục đích lấy chứng chỉ xét tuyển mà bỏ quên các môn học khác cũng như bỏ lỡ các phương thức khác” - thầy Phạm Xuân Thọ khuyên. 

Phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Thanh Phong - Phó hiệu trường Trường ĐH Quản lý và Công nghệ TPHCM - nhận xét, việc các trường dành chỉ tiêu xét tuyển theo các chứng chỉ quốc tế giúp đa dạng hóa phương thức, mở rộng cơ hội cho thí sinh, khuyến khích việc học ngoại ngữ. Quan trọng là các trường cần duy trì tỉ lệ phù hợp cho các phương thức khác nhau, để vừa chọn được sinh viên chất lượng vừa đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh. Bởi không phải thí sinh nào cũng có điều kiện để luyện thi và tiếp cận địa điểm thi các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là học sinh vùng sâu, vùng xa. 

Bên cạnh đó, các ngành khác nhau cần có những ưu tiên xét tuyển khác nhau, không phải ngành nào cũng đặt yêu cầu về ngoại ngữ lên trên hết. Tránh trường hợp xem IELTS và các chứng chỉ quốc tế là “tấm vé vàng” để vào các trường ĐH tốp đầu sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch, đua nhau luyện thi IELTS.

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI