Show ẩm thực: Nghệ sĩ diễn hài tại... bếp

23/04/2021 - 17:55

PNO - Việc nấu nướng, thưởng thức món ăn chỉ chiếm thời gian tương đối, còn phần lớn dành cho nghệ sĩ pha trò.

Hài mọi lúc mọi nơi                  

Ăn đi rồi kể đã phát sóng được 3 tập, là một gameshow ẩm thực mới toanh. Cùng trong thời gian này, Đấu trường ẩm thực đang lên sóng VTV9, hiện đã đến tập 16. Ẩm thực kỳ thú mùa 2 cũng vừa lên sóng tập 6 vào tối 18/4. Trong khi đó, Căn bếp vui nhộn cũng vừa cán mốc tập 7. 

Muốn ăn phải lăn vào bếp cũng vừa kết thúc mùa thứ ba với 20 tập. Ngoài ra, một số gameshow, chương trình ẩm thực phát sóng thời gian qua có thể kể đến như: Bếp vui bùng vịGóc bếp thông minhThiên đường ẩm thực mùa 6...                                                                 

Format của các chương trình khá đa dạng, nhưng lúc nào cũng có yếu tố hài hước.

Ăn đi rồi kể thu hút sự chú ý của khán giả nhờ sự tham gia của nghệ sĩ Việt lẫn các thần tượng Hàn Quốc. Mỗi tập có 1 phần nội dung được ghi hình tại Hàn Quốc. Trịnh Thăng Bình và Diệu Nhi sẽ tương tác với 1 hoặc nhiều nghệ sĩ Hàn, để cùng đi chợ, làm món ăn. 

Phần nội dung thứ hai, Diệu Nhi và Trịnh Thăng Bình sẽ cùng 1 cặp nghệ sĩ khách mời Việt xem lại nội dung đã ghi hình và cùng bàn luận với MC Đại Nghĩa. Tiếp theo, họ sẽ cùng thực hiện lại món ăn này. Quá trình trò chuyện, làm món ăn sẽ có nhiều thử thách để nghệ sĩ tấu hài nhằm lôi cuốn khán giả.

S.T Sơn Thạch và Diệu Nhi đùa giỡn trong chương trình Ăn đi rồi kể
S.T Sơn Thạch và Diệu Nhi đùa giỡn trong chương trình Ăn đi rồi kể

Với Ẩm thực kỳ thú, mỗi số Song Luân, Lê Dương Bảo Lâm (2 thành viên cố định) sẽ cùng 1 khách mời di chuyển đến một địa điểm, để cùng tham gia các trò chơi vận động, sau đó mới nấu ăn. Hầu như trong bất kỳ hoạt động nào, nghệ sĩ cũng có thể bày trò hoạt náo nhằm tạo tiếng cười. Đấu trường ẩm thực là cuộc thi đối kháng giữa 2 nghệ sĩ, được đầu bếp chuyên nghiệp chấm điểm. Trước khi vào bếp, họ vừa tấu hài vừa tham gia các trò chơi vận động, trí não trước và trong khi nấu. 

Căn bếp vui nhộn, nghệ sĩ tham gia thử thách nấu nướng trong trình trạng bị bịt mắt, bịt tai, bị cột chặt với nhau bởi dây đai hoặc áo rộng. Họ liên tục pha trò để hút sự chú ý của người xem khi nấu ăn trong tình trạng không giống ai.

Cũng vì yếu tố hài mà những gương mặt được chọn tham gia chương trình đều khá quen thuộc như: Trường Giang, Lê Dương Bảo Lâm, Ngô Kiến Huy, Khả Như, Diệu Nhi, Puka... Họ phủ sóng từ chương trình này sang chương trình khác.   

Lê Dương Bảo Lâm, Thuỳ Anh và Song Luân trong một tập của Ẩm thực kỳ thú
Lê Dương Bảo Lâm, Thuỳ Anh và Song Luân trong một tập của Ẩm thực kỳ thú

Không hài, không người nổi tiếng khó hút người xem?

Thời gian dành cho việc nấu nướng lại khá ít, phần lớn là không gian cho nghệ sĩ thể hiện sự hài hước. Chẳng hạn, một tập của Ăn đi rồi kể kéo dài khoảng 45 phút nhưng thời gian dành cho việc nấu nướng gom lại chỉ khoảng 1/3. 

Còn Đấu trường ẩm thực thời gian này chỉ khoảng 1/2 tổng thời lượng mỗi tập. Ẩm thực kỳ thú thì việc nấu nướng chỉ được dồn vào cuối chương trình, với thời gian khá hạn hẹp, chưa tính một khoảng để nghệ sĩ vừa tấu hài vừa làm bếp. 

Ông Bửu Điền (Chủ tịch công ty Điền Quân) cho biết: “Theo quan sát từ thị trường, khán giả Việt có xu hướng thích những nội dung giải trí, nhẹ nhàng. Họ không muốn xem một chương trình khiến họ suy nghĩ quá nhiều, hoặc có thể tính chuyên môn quá cao. Chương trình nào có yếu tố hài hước cũng sẽ dễ thu hút khán giả hơn. Tuy nhiên, NSX cũng cần xác định rõ đối tượng khán giả chính để thể hiện sự hài hước cho phù hợp”.

Thời gian nấu nướng trong các chương trình rất ngắn
Thường ở các chương trình này, thời gian nấu nướng trong các chương trình rất ngắn

Đã có những chương trình thuần về việc thực hiện món ăn, thưởng thức như: Khám phá Việt Nam cùng Martin YanKhám phá Việt Nam cùng Robert Danhi… nhưng lượt xem khá khiêm tốn vì không có người nổi tiếng, không có yếu tố hài hước.

Bên cạnh việc phát sóng trên truyền hình, hiện tại hầu hết NSX đều đăng tải sản phẩm lên YouTube. Với nền tảng này, phần lớn người dùng đều trẻ tuổi. Vì thế, nội dung buộc phải đáp ứng được thị hiếu của nhóm này. Hài, người nổi tiếng là 2 trong số những ưu tiên hàng đầu. 

Dĩ nhiên, với mục tiêu đề ra để hút khán giả, các chương trình đã đạt được. Thiên đường ẩm thực từng là một trong 3 gameshow có rating cao nhất trên sóng HTV. Trong khi đó, nhiều chương trình sau khi đăng tải lại trên YouTube đều đạt hàng triệu cho đến chục triệu lượt xem. 

Nhưng xét về khía cạnh thưởng thức ẩm thực, một số chương trình vẫn chưa thể đáp ứng được. Hình ảnh món ăn không được chăm chút kỹ lưỡng đủ để tạo cảm giác thèm thuồng cho người xem. Yếu tố ẩm thực lại xếp sau phần diễn hài của nghệ sĩ.

Các chương trình đều thu hút sự chú ý của khán giả nhờ hài nhưng yếu tố ngon miệng, đẹp mắt có khi bị xem nhẹ
Các chương trình đều thu hút sự chú ý của khán giả nhờ hài, yếu tố ngon miệng, đẹp mắt có khi bị xem nhẹ

Chú trọng yếu tố hài hước nên công thức nấu nướng cũng không được xem trọng. Chẳng hạn, khi xem tập mới nhất của Ẩm thực kỳ thú, khán giả rất khó hình dung về công thức của món gà nấu đậu bởi trong quá trình nấu nhiều mảng, miếng hài của các nghệ sĩ khiến thông tin bị nhiễu loạn. Tương tự, sau khi xem xong tập 2 của Ăn đi rồi kể sẽ thật khó để biết nếu muốn làm bánh xèo Hàn Quốc sẽ cần làm gì, mua nguyên liệu gì, tỉ lệ pha trộn như thế nào.                                                                 

Ngon miệng, đẹp mắt, hai yếu tố quan trọng của một món ăn cũng không còn là vấn đề được đặt nặng. Điều đó có thể dễ dàng quan sát thông qua thành phẩm của các nghệ sĩ thực hiện. Bởi có người hoàn toàn không có kinh nghiệm nấu nướng dẫn đến món ăn không đẹp mắt, lại chẳng ngon.                               

Chương trình ẩm thực nay đã không còn dành cho những bà nội trợ. Có lẽ, căn bếp nay cũng chỉ là cớ để việc tấu hài trở nên lạ, độc hơn mà thôi. Khán giả xem xong, cảm thấy vui là đủ với NSX.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI