Sau ba năm, quyết định tách thửa vẫn “chưa dùng được”, gây khổ cho dân

28/06/2020 - 13:49

PNO - Quyết định 60/2017/QĐ-UBND của UBND TP.HCM quy định diện tích tối thiểu được tách thửa, ban hành từ tháng 12/2017 nhưng đến nay, vẫn chưa thể ứng dụng vào cuộc sống do những điều khoản trái luật trong quy định này, khiến nhu cầu tách thửa của người dân bị tắc suốt ba năm qua.

Mỏi mòn chờ đợi 

Ông N. có gần 2.500m2 đất tại P.Linh Trung, Q.Thủ Đức nhưng gần hai năm qua không thể tách thửa để chia cho con cái xây nhà ở. Chính quyền địa phương cho rằng, vị trí khu đất của ông thuộc quy hoạch “đất khu dân cư hiện hữu cải tạo” theo đồ án quy hoạch chi tiết 1/2.000. “Chúng tôi hỏi quy hoạch này là để làm gì, giao cho ai, khi nào thực hiện thì không ai biết. Vì không được tách thửa nên con cháu của tôi vẫn phải ở chen chúc chung nhà, rất vất vả” - ông N. than.

Tương tự, ông H. có khu đất rộng gần 2.000m2 ở Q.Thủ Đức, đã nộp hồ sơ xin tách thửa gần một năm qua theo Quyết định 60 của UBND TP.HCM nhưng hiện hồ sơ vẫn bị “ngâm” ở Phòng Tài nguyên và Môi trường Q.Thủ Đức. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ giải thích, do khu đất của ông nằm trong khu vực quy hoạch “đất ở hiện hữu cải tạo” theo đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư cụm III Xuân Trường, P.Linh Trung được duyệt năm 2013 nên không thể tách thửa. Nhưng khi ông hỏi quy hoạch khi nào thực hiện thì không ai biết. 

Quyết định 60 ban hành đã gần ba năm nhưng người dân vẫn mỏi mòn chờ tách thửa theo tinh thần của quyết định này
Quyết định 60 ban hành đã gần ba năm nhưng người dân vẫn mỏi mòn chờ tách thửa theo tinh thần của quyết định này

Anh N. (Q.9) cho biết, khi Quyết định 60 có hiệu lực, anh đã tìm hiểu và thấy có nhiều điểm thuận lợi hơn so với quyết định cũ, như diện tích tối thiểu để tách thửa nhỏ hơn, có quy định ưu tiên cho gia đình nghèo, khó khăn… nên anh quyết định nộp hồ sơ xin tách thửa để chia đất với các anh chị em trong gia đình. Thế nhưng, gần hai năm qua, vẫn không thể thực hiện được. Cán bộ thụ lý hồ sơ nói Quyết định 60 phải chờ hướng dẫn của các sở, ngành liên quan, nhưng chờ đến khi nào thì không biết.

Một lãnh đạo UBND H.Bình Chánh cho biết, việc giải quyết tách thửa đất cho người dân bị vướng trong thời gian qua là do Quyết định 60 nêu đích danh hai loại đất được tách thửa là đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu và dân cư hiện hữu chỉnh trang. Chính vì vậy, địa phương không dám xé rào tách thửa cho các loại đất khác dù biết rằng thực tế, đất này nằm trong khu dân cư hiện hữu. “Chúng tôi cũng rất khổ. Nếu không giải quyết thì người dân khiếu nại, còn nếu giải quyết thì sợ không đúng với tinh thần của Quyết định 60. Hiện chúng tôi đang xin ý kiến hướng dẫn của các sở, ngành chuyên môn và vẫn đang chờ” - vị lãnh đạo này cho biết. 

Trên thúc, dưới vẫn chưa biết ngày nào xong 

Theo phản ánh của UBND Q.Bình Tân, trước đây, Sở Quy hoạch và Kiến trúc có yêu cầu lấy ý kiến các sở, ngành liên quan và quy định các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật để giải quyết việc tách thửa đất cho người dân, nhưng đây là dấu hiệu phát sinh thủ tục hành chính - một trong những nội dung bị nghiêm cấm theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong khi đó, theo điều 143 và 144 Luật Đất đai năm 2013, UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với hai loại đất, gồm “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị”. Luật Đất đai năm 2013 không giao Chính phủ mở rộng thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với các loại đất khác. Do đó, việc Quyết định 60 quy định diện tích tách thửa đối với đất không phải “đất ở tại nông thôn” và “đất ở tại đô thị” là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai 2013, chưa đảm bảo nguyên tắc thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. 

Theo Sở Tư pháp TP.HCM, vừa qua, sở rà soát thì phát hiện Luật Đất đai năm 2013, Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2013, Luật Quy hoạch năm 2017 và các nghị định của Chính phủ liên quan đến quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các loại quy hoạch khác được quy định tại Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung của TP.HCM đều không sử dụng thuật ngữ “quy hoạch xây dựng mới”, “quy hoạch đất sử dụng hỗn hợp”. Như vậy, Quyết định 60 đã hạn chế quyền tách thửa của người sử dụng đất, không phù hợp với Luật Đất đai năm 2013 và Nghị định 01/2017/NĐ-CP khi quy định các trường hợp không được tách thửa.

Bên cạnh đó, việc giao trách nhiệm cho UBND quận, huyện căn cứ quy định về quy hoạch, xây dựng và hướng dẫn của các sở, ngành để hướng dẫn người dân sử dụng đất làm hạ tầng kỹ thuật nhằm đảm bảo phù hợp theo quy hoạch… nhưng quy định trên và thực tiễn hướng dẫn của các sở, ngành khác nhau, dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong việc nêu các điều kiện được tách thửa, có dấu hiệu phát sinh thủ tục hành chính. Sở đã báo cáo những việc này cho UBND TP.HCM. 

Theo một lãnh đạo Văn phòng UBND TP.HCM, cách nay khoảng hai tháng, UBND TP.HCM đã giao Sở Quy hoạch và Kiến trúc phối hợp với UBND các quận, huyện đánh giá tính khả thi, những bất hợp lý của các khu vực là đất hỗn hợp, đất khu dân cư xây dựng mới trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000; phân loại, xây dựng tiêu chí điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 để người sử dụng đất trong khu vực này thực hiện các quyền theo quy định pháp luật về đất đai, nhằm giải quyết vướng mắc về quy định tách thửa đất ở thuộc khu vực quy hoạch đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới.

Đối với vướng mắc về tách thửa đất nông nghiệp, UBND TP.HCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh nội dung cho dễ hiểu, đảm bảo phù hợp quy định pháp luật. Hiện UBND TP.HCM vẫn chờ hai sở này trình các đề xuất tháo gỡ vướng mắc cho người dân. 

Phan Trí

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI