Sản xuất xanh là yêu cầu sống còn, cấp bách

16/06/2023 - 06:25

PNO - Sự quá tải đơn hàng của các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường trong bối cảnh xuất khẩu khó khăn hiện nay phần nào cho thấy lợi ích của việc chuyển đổi cách thức sản xuất trong xu hướng tiêu dùng xanh của thế giới.

 

Công nhân Công ty TNHH Dệt may Trung Quy vận hành máy móc theo “tiêu chuẩn xanh” - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Công nhân Công ty TNHH Dệt may Trung Quy vận hành máy móc theo “tiêu chuẩn xanh” - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Đơn hàng dồi dào nhờ sản phẩm xanh 

Ông Trần Văn Quy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Dệt may Trung Quy - cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng xuất khẩu vải truyền thống giảm khoảng 30% nhưng các đơn hàng xuất khẩu các loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế tăng, bù đắp được 15% số đơn hàng. Các loại vải thân thiện môi trường có giá cao hơn 20 - 30% so với loại vải truyền thống nhưng lại được nhiều đối tác ưa chuộng. Hiện đại diện của hàng chục nhãn hàng lớn từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Úc đang tìm hiểu các sản phẩm vải thân thiện môi trường của công ty. 

Theo ông, Trung Quy có thể dệt, nhuộm được mọi loại vải có nguồn gốc hữu cơ, nguyên liệu tái chế như vải từ sợi tre, sen, bạc hà, bã cà phê, sợi chuối, sợi hoa hồng. Ông nói: “Chúng tôi đang phát triển 20 loại vải có nguồn gốc hữu cơ để xuất khẩu và sẵn sàng chuyển đổi 100% công suất theo tiêu chí sản xuất xanh, chuỗi liên kết, tuần hoàn. Tất cả nguyên liệu đầu vào (vải, chất tạo màu) cũng đạt tiêu chuẩn xanh”.

Sản phẩm xanh không chỉ là các sản phẩm tự hủy, thân thiện với môi trường, được làm từ nguyên liệu hữu cơ mà quá trình sản xuất ra chúng cũng phải hạn chế đến mức thấp nhất sự phát thải rác, khí carbon ra môi trường.

Từ năm 2019, Công ty Nobland Việt Nam - 100% vốn Hàn Quốc, chuyên gia công sản phẩm cho nhiều nhãn hiệu thời trang nước ngoài - đã bắt đầu chuyển sang dây chuyền bán tự động, nhờ đó giảm được nhiều khâu thủ công. Gần đây, công ty tiếp tục ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quá trình sản xuất, giúp tăng năng suất lên đáng kể, việc tính chi phí lao động chính xác, minh bạch hơn. Đại diện công ty này cho hay, nhờ chuyển đổi quy trình công nghệ, đơn hàng xuất khẩu của công ty hiện nay không bị giảm quá sâu. Công ty đang tiếp tục đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm cắt giảm việc phát khí thải nhà kính. 

Ông Nguyễn Văn Trí - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc (lĩnh vực cơ khí) - cho biết, việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh được công ty áp dụng từ năm 2018-2019, bắt đầu từ việc xây dựng nhà xưởng cao tầng đạt tiêu chuẩn, tận dụng gió, ánh sáng để hạn chế sử dụng điện năng, đảm bảo môi trường lao động an toàn. Công ty cũng tính toán chính xác khi nhập thép nguyên liệu để chế tạo khuôn mẫu, không để phát sinh lượng thép dư thừa quá lớn. 

Ông Nguyễn Văn Trí (giữa) - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - hướng dẫn các kỹ sư vận hành thiết bị mới ẢNH: NGUYỄN CẨM
Ông Nguyễn Văn Trí (giữa) - Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc - hướng dẫn các kỹ sư vận hành thiết bị mới Ảnh: Nguyễn Cẩm

Trong 2 năm bùng phát dịch COVID-19, Lập Phúc đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào các dây chuyền máy móc để tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó, sản phẩm của công ty có thêm nhiều cơ hội tiếp cận khách hàng, chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia như GM Motor, GS, xe điện Tesla của tỉ phú Elon Musk, doanh thu từ 1 triệu USD/năm tăng lên hơn 4,5 triệu USD trong năm 2022. 

Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó chủ tịch Hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group - cho biết, hiện nay chưa có tổ chức nào chứng nhận về nông nghiệp xanh, cũng chưa có tiêu chuẩn xanh đối với ngành nông nghiệp. Do đó, hiệp hội chỉ có thể hướng dẫn các doanh nghiệp (DN) sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bảo vệ môi trường để sẵn sàng thích ứng với yêu cầu nhập khẩu của các nước khi họ đưa ra những tiêu chí sản xuất nông nghiệp xanh. 

Ông nêu ví dụ, nhiều nước EU không đồng ý nhập cà phê được trồng trên đất rừng và yêu cầu sản phẩm phải có chứng nhận Global GAP (tiêu chuẩn toàn cầu về thực hành nông nghiệp tốt), có mã số vùng trồng, nhà máy đạt chuẩn ISO, HACCP… Các DN ngành nông nghiệp cần chuyển đổi dần cách thức sản xuất theo hướng bền vững để đáp ứng được yêu cầu khi các nước có tiêu chuẩn xanh cụ thể. 

Một kỹ sư của Công ty TNHH Lập Phúc đang vận hành thiết bị công nghệ mới - ẢNH: H.LÀI
Một kỹ sư của Công ty TNHH Lập Phúc đang vận hành thiết bị công nghệ mới - Ảnh: H.Lài

Không dễ để chuyển sang “xanh”

Có 10.000m2 đất ở tỉnh Long An, Công ty Dệt may Trung Quy đã đầu tư dây chuyền theo công nghệ tiên tiến của Đức với kinh phí 180 tỉ đồng, nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh, tiết kiệm được 60 - 70% lượng nước so với công nghệ cũ, nhờ đó tiết kiệm được điện, hóa chất xử lý nước thải. Nhà máy đạt năng suất 2 triệu mét vải/năm, riêng vải hữu cơ đạt khoảng 300 tấn/tháng. 

“Chi phí đầu tư công nghệ tiên tiến để đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất xanh khá lớn nên phù hợp với những DN mới, có vốn mạnh; những DN nhỏ từng đầu tư công nghệ cũ sẽ gặp khó khi chuyển đổi công nghệ bởi rất tốn kém. Để đạt được chứng nhận sản xuất xanh, ngoài yêu cầu về sản phẩm xanh, giảm thải carbon, nhà máy còn phải đạt gần 50 tiêu chuẩn khác như phòng cháy và chữa cháy, an toàn lao động. Do đó, DN cần nguồn vốn lớn và phải thực sự quyết tâm mới làm được” - ông Trần Văn Quy nói. 

Theo Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc năm 2010, kinh tế xanh (Green Economy) là một nền kinh tế nhằm cải thiện đời sống con người và tài sản xã hội, chú trọng giảm thiểu những hiểm họa môi trường và sự khan hiếm tài nguyên.

Theo đại diện Công ty Nobland Việt Nam, khó khăn nhất khi chuyển sang mô hình sản xuất xanh là nguồn vốn và nhân lực chất lượng cao, nên chỉ có các DN tầm trung trở lên mới có thể làm được. Một dây chuyền may bán tự động có chi phí đầu tư 3 tỉ đồng, thời gian đào tạo nguồn lao động từ 3 tháng trở lên, lượng đơn hàng phải đủ lớn để vận hành. Ngoài ra, các thủ tục hành chính để DN chuyển đổi cũng còn khó khăn, như quy định về đấu nối với lưới điện hiện hữu, phòng cháy và chữa cháy, giấy phép xây dựng cho mô hình này chưa rõ ràng. 

Ông Nguyễn Văn Trí cũng cho rằng, khó khăn lớn nhất khi chuyển đổi sang sản xuất xanh là các thủ tục hành chính: “Đụng chỗ nào cũng vướng, như quy định không được sửa chữa gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình, cần sự đồng thuận của đơn vị cho thuê và nhiều cơ quan quản lý để xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Có DN sửa chữa nhà máy xong nhưng nhiều tháng vẫn chưa hoạt động được do tiếp tục vướng các quy định về nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy”. Theo ông, việc cắt giảm sự phiền hà về thủ tục hành chính có hiệu quả tương đương các gói hỗ trợ về lãi suất, thuế. 

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững là xu thế, buộc mọi DN phải theo bởi kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, toàn diện với kinh tế toàn cầu. Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh, sản phẩm xanh là “giấy thông hành” giúp DN vượt qua những rào cản kỹ thuật mới, đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế một cách tự tin, vững vàng. Tuy nhiên, đây là thách thức lớn đối với cộng đồng DN bởi nội lực hạn chế của từng DN.

Do đó, hiệp hội sẽ có những giải pháp hỗ trợ cho DN như kết nối giao thương, quảng bá rộng rãi cho các DN xanh. Hiệp hội sẽ mời chuyên gia, nhà khoa học hỗ trợ DN tìm giải pháp xanh cả đầu vào lẫn đầu ra, như giúp DN tiếp cận chương trình tín dụng xanh, cấp logo để người tiêu dùng nhận biết. 

“Làm DN xanh không dễ, nhưng những tín hiệu thị trường đã cho thấy DN không thể không làm. Không sản xuất xanh, không làm ra sản phẩm xanh thì DN không bán được hàng. Trong điều kiện chưa thuận lợi, các DN cần xanh hóa từng bước theo lộ trình” - ông Nguyễn Ngọc Hòa nói. 

Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TPHCM:

Năng lượng xanh là yêu cầu cấp bách

Để thúc đẩy tăng trưởng xanh, cần có hệ sinh thái gồm sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh, tài chính xanh, nguồn nhân lực xanh. Đặc biệt, cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và sự phối hợp đồng bộ; DN phải có nguồn lực để chuyển đổi máy móc, thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất tiến bộ hơn, giảm thải carbon, bảo vệ môi trường. 
Chính phủ đã có cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050.

Đây là thách thức lớn đòi hỏi cần tăng cao nhận thức về sản xuất, tiêu dùng và cơ sở pháp lý. Nhiều đoàn khách quốc tế, DN đầu tư mới đến TPHCM đã hỏi TPHCM có nguyên liệu xanh, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo không, nhưng TPHCM hiện chưa có năng lượng tái tạo. Các DN đã đầu tư ở TPHCM cũng muốn sử dụng năng lượng tái tạo nhưng TPHCM không có. 

Như vậy, đầu tư cũ không thể mở rộng hơn, đầu tư mới không đến TPHCM được do thiếu nhiều “yếu tố xanh”. Đây là vấn đề rất cấp bách, đòi hỏi chính quyền thành phố phải hành động nhanh nếu không muốn tụt hậu, không thể thu hút đầu tư nước ngoài, không thể đưa hàng hóa ra thị trường thế giới được, không thể hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:

Cần vai trò hỗ trợ của Nhà nước

Xanh hóa là vấn đề cấp bách của thế giới và Việt Nam nhằm bảo vệ môi trường, sức khỏe con người, đóng góp cho xã hội. Nhà sản xuất áp dụng công nghệ sản xuất xanh, sản xuất tuần hoàn sẽ nâng cao được năng suất lao động, hiệu quả của sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của DN nhờ giảm được giá thành sản phẩm, tăng uy tín thương hiệu. 
Tôi đi các nước, thấy những sản phẩm gắn nhãn xanh được người tiêu dùng ưu tiên chọn lựa. DN có sản phẩm gắn nhãn xanh sẽ tiếp cận được thị trường thế giới, nhờ đó mở rộng quy mô thị trường.

Hiện nay, cũng đã có những chính sách hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất xanh, tăng trưởng xanh, chẳng hạn như phát hành trái phiếu xanh, nhưng chưa đủ “độ chín” để khuyến khích DN sản xuất xanh và tỉ lệ sản phẩm xanh còn ít. 

Thực tế, có những DN đầu tư hệ thống nhà màng 3 tỉ đồng để sản xuất rau sạch, nhưng ngân hàng lại không xem nhà màng là tài sản thế chấp để cho DN vay vốn; DN cần hơn 10 tỉ đồng để đầu tư sản xuất xanh nhưng ngân hàng chỉ cho vay 2 tỉ đồng. Do đó, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất quan trọng trong việc hỗ trợ, khuyến khích sản xuất xanh, tiêu dùng xanh. Các bộ cần phối hợp xây dựng các chính sách giảm thuế, phí cho DN để hỗ trợ, khuyến khích DN sản xuất xanh.

Các hệ thống phân phối phải tạo điều kiện cho sản phẩm xanh được dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng, không ép chiết khấu cao khiến giá bán tăng cao. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc ủng hộ các hiệp hội, nhà sản xuất, phân phối chân chính thì mới đẩy mạnh được sản xuất xanh, sản phẩm xanh. 

Nhà nước phải xây dựng hạ tầng sản xuất, hạ tầng thương mại và tăng cường quản lý, kiểm soát hàng gian, hàng giả, chống buôn lậu, gian lận thương mại để những sản phẩm xanh, sạch không bị ảnh hưởng. Đối với thị trường xuất khẩu, nhiều nước yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nên sản xuất xanh là xu hướng bắt buộc và cần nâng thành kỷ luật tự giác, cân bằng giữa nội địa và xuất khẩu, tức là sản xuất sản phẩm xuất khẩu và bán trong nước như nhau. Ai cũng muốn sản xuất xanh, sản phẩm xanh nhưng làm được mới là chuyện khó. DN có hợp lực lại không, Nhà nước có hỗ trợ không, DN làm ăn có tử tế, trách nhiệm, phát triển bền vững không? Nói phải đi đôi với làm. 

Ông Nguyễn Hữu Nam - Phó chủ tịch Liên đoàn 

Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM:
Khó khăn lớn khi chuyển đổi là nhân lực và tài chính

Thời gian qua, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ DN, trong đó có chương trình “Xanh hóa ngành dệt may”, giúp các DN tiếp cận tài chính, đầu tư vào các mô hình tuần hoàn nước trong các nhà máy dệt nhuộm, sử dụng năng lượng tái tạo và tiết kiệm, giảm thiểu chất thải từ dệt may, thiết kế sản phẩm, bao bì thân thiện môi trường. Nhờ đó, nhận thức và sự chuyển đổi cách thức sản xuất của DN ngành dệt may đã được cải thiện.

Thường gặp là các DN sử dụng năng lượng mặt trời áp mái để làm giảm nhiệt độ nhà xưởng, giảm chi phí điện năng, giảm phát thải khí nhà kính. Trước đây, các nhà máy thường dùng nồi hơi bằng than, dần dần chuyển sang bằng dầu, bây giờ là lò hơi với nguyên liệu đốt biomass từ 100% giấy vụn, mùn cưa, bã vỏ hạt điều, trấu. Ngày trước, lò hơi đẩy khí thải ra môi trường thì nay DN sử dụng lò hơi tuần hoàn để khí thải không thoát ra môi trường.

Ngày xưa, công nghệ wash (giặt mài) một sản phẩm quần jeans phải sử dụng 90 lít nước nhưng giờ chỉ sử dụng nửa lít. Với các ngành khác, việc sử dụng công nghệ cũ còn tương đối nhiều, nhất là ngành cơ khí do đa phần đều là DN nhỏ, chưa đủ tiềm lực về kinh phí để chuyển đổi xanh. 

Hiện Việt Nam đang xây dựng một số quy định, lộ trình về giảm phát thải khí nhà kính theo lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, lâm nghiệp, sử dụng đất… Chẳng hạn, DN sử dụng nhiều năng lượng gây ảnh hưởng môi trường thì phải đi mua tín chỉ về giảm khí carbon thông qua việc tự trồng rừng hoặc mua rừng đã trồng sẵn. Hoặc nếu một DN có nhiều rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường thì phải đóng góp tài chính cho việc xử lý chất thải nhựa. 

Muốn xanh hóa sản xuất, DN sẽ gặp 2 vấn đề khó khăn là nhân lực và tài chính. Trước đây, các DN từ châu Âu, Mỹ, Canada, Nhật Bản thường quan tâm tới mẫu mã, giá cả nhưng hiện nay, họ còn quan tâm thêm việc DN đó có phát triển bền vững hay không. Các nước châu Âu dự kiến sẽ áp dụng thuế phát thải đối với hàng nhập khẩu vào nước họ. Các DN có vốn nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam đều tự nguyện cam kết giảm phát thải khí nhà kính.

Nhưng, DN chỉ mạnh dạn và tự nguyện đầu tư khi họ đánh giá được các lợi ích đem lại, chịu sức ép từ đối tác nước ngoài và người tiêu dùng trong nước. Nếu Nhà nước chỉ hỗ trợ vốn mà không có nguồn nhân lực chất lượng cao, DN không có thị trường, sản phẩm không tham gia được vào các chuỗi cung ứng toàn cầu thì việc hỗ trợ vốn không có nhiều tác dụng và chưa đủ.

Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI