Sân khấu kịch nói: Cánh chim ngược gió?

28/04/2022 - 13:09

PNO - Ở cái đô thị vài triệu dân, nơi có hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê, quán ăn, quán bar… đầy nghẹt người hàng đêm, vậy mà có những đêm diễn của đoàn kịch chỉ loe hoe vài chục khán giả.

Hồi nhỏ nghe người lớn kể chuyện có mấy “bà già trầu” đi coi cải lương, lúc anh kép độc xử ác với đào kép chính, bực mình chọi cả lon đựng bả trầu lên sân khấu. Đến khi hạ màn mấy bà không về ngay mà tìm cách ra sau hậu trường thăm cô đào chính: “Lúc nãy con bị đánh có sao hôn?”. Chuyện đó tôi không dám khẳng định thực hư. Riêng cảnh chầu chực trước màn hình ti vi để xem Minh Vương, Lệ Thủy, Hùng Cường, Bạch Tuyết… đóng cải lương hay bà Bảy Nam, cô Kim Cương diễn kịch, cảnh cả nhà cười khóc với vai diễn của họ là chuyện có thật, vì có tôi trong đó.

Máu mê coi hát của tôi như được truyền từ ông bà cha mẹ nó nằm bên trong huyết quản. Nhưng khổ nỗi ở tỉnh lẻ làm gì có dịp ngồi trên ghế, náo nức chờ đèn mờ dần, tấm màn nhung từ từ kéo ra, hiện rõ mồn một những gương mặt nghệ sĩ bằng xương bằng thịt trước mắt mình.

Nghệ sĩ Hoàng Thái Quốc và nghệ sĩ Ái Như trong vở Bông hồng cài áo
Nghệ sĩ Hoàng Thái Quốc và nghệ sĩ Ái Như trong vở Bông hồng cài áo

Sau này ở tuổi "sồn sồn” khi có dịp tham dự lớp tập huấn hay hội nghị gì đó phải ở TPHCM dài ngày, bao giờ tôi cũng tranh thủ sắp xếp thời gian mua vé xem kịch (vì cải lương, hát bội cũng đâu có diễn). Bằng cách đó tôi đã đến xem tại các sân khấu IDECAF, Thế Giới Trẻ, Kịch Sài Gòn, Hoàng Thái Thanh, Hồng Vân… Một đêm ở thành phố, đến rạp hát, cùng mọi người vui, buồn, hả hê, hồi hộp, thổn thức, uất ức trong từng lớp diễn trên sân khấu. Bước ra khỏi rạp, cảm thấy đêm Sài Gòn sao mà tươi đẹp, thấy mình thanh cao hơn một chút và có chút ganh tỵ với bạn bè đã định cư ở nơi này.

Mấy hôm trước đọc báo Tuổi Trẻ thấy tin sân khấu Hoàng Thái Thanh không còn diễn hàng tuần nữa, tôi rất buồn. Khi đoàn còn diễn ở Nhà Văn hóa thiếu nhi quận 3, tôi từng vài lần đến xem. Qua truyền thông tôi biết chút ít thông tin ngoài lề về họ nên rất quý trọng anh Thành Hội, chị Ái Như, hai trụ cột của đoàn, những người không chỉ tâm huyết với nghệ thuật kịch nói mà còn là những người thầy hết lòng với học trò. Họ đã gồng mình để đoàn hát tồn tại, để làm nghề và truyền nghề. Không buồn sao được khi ở cái đô thị vài triệu dân, nơi mà nhiều nam thanh, nữ tú từ khắp nơi trên đất nước tụ họp về nơi đó làm ăn sinh sống, nơi có hàng trăm, hàng ngàn quán cà phê, quán ăn, quán bar… đầy nghẹt người hàng đêm, vậy mà có những đêm diễn của đoàn chỉ loe hoe vài chục khán giả. Trách sao một nơi tỉnh lẻ như quê tôi mấy chục năm nay đâu có đoàn nào dám đến diễn.

Dẫu rằng như anh Thành Hội đã nói: “Nếu sân khấu có lời tui hưởng, nếu lỗ ráng chịu. Không kêu ca, không than thở và không xin xỏ. Làm người ai làm vậy” (Khoan, đợi chút, câu này nghe quen quen, đậm chất Nam bộ. Không biết có trích từ vở nào ra hay anh Thành Hội đã đưa vào vở nào?).

Vở Con ma nhà họ Hứa của sân khấu Hoàng Thái Thanh
Vở Con ma nhà họ Hứa của sân khấu Hoàng Thái Thanh

Trong đại dịch bao nhiêu ngành nghề được hỗ trợ, sân khấu chỉ là để giải trí, nhưng sân khấu cũng là bộ mặt văn hóa của Sài Gòn. Không thể hình dung Sài Gòn thiếu các đoàn hát. Xưa là các đoàn cải lương, nay thêm các đoàn kịch nói. Tôi là người ngoại đạo nên không biết mấy mươi năm qua khi hình thành và phát triển, cho đến nay những đoàn hát ngoài công lập đó đã được hỗ trợ gì. Nhưng theo tôi, giờ đây họ cần tiếp sức như các doanh nghiệp khác. Giúp họ bằng cách nào? Xin hỏi những người đã được minh chứng sự tận tâm với nền sân khấu Sài Gòn bằng hoạt động của họ trong mấy mươi năm qua.

Cầu mong những nghệ sĩ yêu quý của tôi sống khỏe với nghề. Để mỗi khi có dịp lưu trú ở Sài Gòn tôi còn có thể mặc quần áo chỉnh tề đến tìm cảm giác vui buồn dưới ánh đèn sân khấu. Để khi ra về đọng lại trong tâm trí những nghĩ suy về cuộc đời này. Để mơ ước ngày nào đó chính tại quê hương mình, như ông bà cha mẹ khi xưa, tôi lại được mê mẩn với những nghệ sĩ cháy hết mình vì nghệ thuật trên sân khấu, mang đến cho khán giả một hình ảnh của một góc khuất nào đó mà khán giả có thể không cảm nhận hết từ cuộc đời đang sống.     

Nguyễn Huỳnh Đạt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI