Sài Gòn, trọn một tấm lòng

26/07/2020 - 19:01

PNO - Nếu một lần lắng lòng lại, đâu đó giữa nhịp đời hối hả này, ta vẫn thấy một Sài Gòn thương thiệt là thương.

Sài Gòn luôn là miền thảo thơm trong tâm tưởng bao người. Họ bôn ba xa xứ, chọn nơi đây lập thân, mong cầu ngày định danh. Rồi cứ thế, thời gian đưa bàn chân họ rong ruổi khắp các ngõ hẻm, qua bao công việc, theo nhịp biến chuyển của thời đại. Bỗng một ngày, người ta chợt nhận ra Sài Gòn ngày họ tìm đến để mưu cầu cuộc sống đã là nhà tự bao giờ. 

Mang nỗi niềm thương luyến đó, nhà văn Hoài Hương và Nguyễn Hoàng Trung Hiếu đã chung tay cho tập tạp văn Sài Gòn 7.000 đêm & thương... rồi nhớ. Tập sách như một lời tri ân mảnh đất đã đón nhận và ôm ấp họ đi qua cả quãng đời thanh tân. Nhiều câu chuyện trong tập sách khiến bạn đọc như lạc trôi về một miền nhớ mang đầy ký ức của đô thành này. 

Câu chữ trong Sài Gòn 7.000 đêm & thương... rồi nhớ đầy sinh động như những câu chuyện đời mà hằng ngày ta nghe, thấy giữa Sài Gòn hoa lệ. Xứ thị thành đô hội nhưng trù phú thiện lương đã níu lại bao người con lưu dân, cho họ một cuộc đời mới. Từ miền đất hứa ngày đầu tìm đến với nhiều bỡ ngỡ, nay Sài Gòn đã biến họ thành một thị dân hòa mình vào dòng chảy năng động của nó. 

Người ta thường nói về Sài Gòn những mùa nắng cùng cực, ong đầu, rát mặt. Người ta cũng hay nói về Sài Gòn những mùa mưa bất chợt, ngập loang cả phố chiều tan tầm. Người ta nói về gió bụi, về những đãi bôi, đua tranh lừa lọc. Nhưng nếu một lần lắng lòng lại, đâu đó giữa nhịp đời hối hả này, ta vẫn thấy một Sài Gòn thương thiệt là thương. Từ cái thương tưởng ấy, người ta lại nhớ về Sài Gòn như nhớ một ảnh hình đã khắc sâu trong tim, như thể Sài Gòn đã là máu mủ ruột rà với họ. 

Ở Sài Gòn có quá nhiều thứ để mình thương. Không thương sao được khi chiều chạy ngang đường thấy cụ bà ngồi bán mớ rau vườn nhà ngoại ô, tấp xe lại hỏi: “Ngoại ơi, bó rau bao nhiêu?” rồi mua hết mớ rau cho bà về sớm. Quen biết gì đâu, bà con gì đâu nhưng người Sài Gòn cứ “ngoại ơi ngoại à” khi gặp người già. Gọi như thể đưa lòng mình về với những thân thuộc yêu thương. Gọi như thể tìm thấy trong đó bóng dáng ông bà cha 
mẹ mình. 

Ở Sài Gòn, nhiều chuyện kể ra cũng lạ lắm. Tỉ như xóm trọ tứ xứ tụ về mưu sinh bằng các công việc bình dân. Cái nghèo cái khổ in hằn lên những khuôn mặt dạn dày sương gió. Vậy mà ai ốm đau thì cả xóm trọ lại chung tay lo lắng. Những xóm trọ ấy dẫu nghèo tiền của nhưng lại giàu tình người.

Đêm ba mươi Tết, anh xe ôm khẽ khàng nắm tay con nhỏ bán trái cây đang rưng rức nhớ nhà mà hổng có tiền về quê. Ờ thì, chỉ một cái nắm tay là hiểu lòng nhau, đâu cần nói lời thương yêu chi cho phí hoài thời gian. Giữa đêm tĩnh lặng, hai cái ba-lô tha hương cùng chất lên xe tìm đường về quê. 

Ở Sài Gòn, lẫn trong cái sôi động thị thành, ta vẫn tìm được đâu đó những phong vị xưa đầy mong ngóng. Như người Sài Gòn vẫn thao thiết với cành đào Nhật Tân những ngày giáp Tết. Hay mỗi bận đám hoa kèn hồng rợp các góc phố, thị dân lại chen nhau khoe dáng bên những hàng cây vào một ngày gió xuân vẫn còn đọng trên từng tán lá.

Người Sài Gòn đâu chỉ có phát triển mà còn biết lưu giữ bao nét đẹp dân gian qua các tác phẩm nghệ thuật cổ, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống. Người Sài Gòn vốn dĩ hào sảng, nên việc bỏ ra sáu trăm triệu để sở hữu bức tranh Vườn xuân Bắc Trung Nam chẳng có gì khó hiểu. Bức tranh độc đáo được ghép bằng 9 tấm sơn mài ngày ấy từng là sự kiện chấn động cả nước, nay lại như một báu vật của tiền nhân để lại, cho người Sài Gòn thưởng lãm trong niềm tự hào. 

Chữ nghĩa của thị thành này cũng vậy, đọc đến đâu là vọng về trong lòng từng cơn xúc cảm. Thể như những ngọn sóng từ từng tế bào vỗ ràn rạt vào các thớ da thịt, để yêu thương cứ thế miên trường đọng lại. Tập tạp văn như nói hộ tiếng lòng những con người chọn đất Sài thành nương thân. Với những lưu dân kỳ cựu của Sài Gòn, một ngày nào đó, khi đã biết thương rồi nhớ, tin chắc khi ấy, Sài Gòn mãi mãi vẹn nguyên trong trái tim, trọn một lòng thương. 

Tống Phước Bảo 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI