Sài Gòn, 'bao' nhớ...

06/04/2015 - 09:45

PNO - PN - Sài Gòn nổi tiếng là mảnh đất bao dung, cưu mang nhiều thân phận. Là người bản địa hay “tứ xứ” về lập thân trên đất này, càng gắn bó, người ta càng có tình cảm đặc biệt.

edf40wrjww2tblPage:Content
Sai Gon, 'bao' nho...

Anh Đàm Hà Phú (ảnh) không ngoại lệ. 18 tuổi đặt chân đến Sài Gòn với hai bàn tay trắng; sau hơn 20 năm, anh hiện là Tổng giám đốc Công ty cổ phần xây dựng Không Gian Đẹp. Đàm Hà Phú còn được biết đến là một cây viết “lãng tử” với trang Người lữ hành kỳ dị. Đọc những gì anh viết, người ta có cảm giác được lan tỏa, tiếp nhận, sống dậy bao xúc cảm từ những câu chuyện nhỏ nhặt, rất đời của Sài Gòn “sôi réo”, song cũng rất nhiều khoảng lặng.

Tác giả phải là người rất yêu Sài Gòn mới đủ sức lưu tâm nhiều Chuyện nhỏ Sài Gòn (tên một cuốn sách của anh) đến vậy.

PV: Sinh trưởng ở Nha Trang, lại chọn lập thân và gắn bó với Sài Gòn, với anh mọi thứ từ một cơ duyên hay động lực?

Anh Đàm Hà Phú: Mười tám tuổi là tuổi thi đại học, thời đó chưa có nhiều trường đại học như bây giờ nên hầu hết mọi người đều đổ xô vào Sài Gòn. Còn có chút khác biệt là vì tôi đã biết về Sài Gòn trước đó, qua một thời gian lang bạt, nên tôi háo hức, và gần như đã chọn nơi này là điểm đến kế tiếp cho cuộc đời mình.

* Anh bảo mình rất yêu Sài Gòn và thương nhớ nó bằng một thứ tình cảm mơ hồ nhưng mãnh liệt đến ngạt thở; song, lại như kiểu một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương?

- Niềm thương nỗi nhớ về Sài Gòn khác biệt, là một thứ tình nghĩa khác, không phải là quê hương; bởi nhiều người hiện sống ở Sài Gòn không được sinh ra tại đây. Người ta đã có một quê hương để nhớ về, gắn với tình cảm gia đình, kỷ niệm tuổi thơ. Sài Gòn là nơi mưu sinh, nó có một “khí quyển” khác, xô đẩy tấp nập nhưng rất ấm áp và bao dung. Sài Gòn tình nghĩa như một người bạn; và đó là cách để nhớ về Sài Gòn, dù đang ở Sài Gòn.

* Tình yêu này với anh, hẳn phải nảy sinh từ một câu chuyện, kỷ niệm, cơ duyên nào đó, hay chỉ là gắn bó lâu năm khiến mảnh đất cũng hóa có tâm hồn?

- Công việc đầu tiên mà tôi làm để sinh nhai ở đất Sài Gòn này là bốc xếp ở cảng. Một tối nọ, chừng hơn mười giờ, mưa lớn, tôi đạp xe từ cảng về sau ca làm. Đói, lạnh và mệt làm tôi lả đi, tôi tấp xe đạp vào một mái hiên và ngồi bệt xuống, ngủ thiếp. Đột nhiên tôi chợt thức vì tiếng cửa sắt kéo ra, một phụ nữ xuất hiện và hỏi thăm tôi bằng giọng Nam bộ rất nồng hậu.

Bà mở rộng cánh cửa cho tôi vào, đưa cho tôi một cái áo để thay và trong lúc tôi còn chưa kịp hiểu ra hoàn cảnh của mình thì chỉ ít phút sau, bà lại xuất hiện với một tô mì gói nghi ngút khói, tôi nhớ còn có cả mấy cọng ngò. Bà chỉ nói gọn: “Nè cưng, ăn dzô là phẻ liền hà”. Mà thiệt tình, ăn hết tô mì tự nhiên tôi thấy “phẻ” quá. Tôi nghĩ mình không thể sống ở đâu tốt hơn mảnh đất này. Tôi “phẻ” luôn từ đó đến giờ.

Tôi chịu không thể nhớ căn nhà ấy, nó nằm đâu đó trên đường Lý Chính Thắng, Q.3. Tôi cũng chịu, không nhớ nổi gương mặt người phụ nữ kia, như mọi người phụ nữ ở thành phố này. Bạn đừng nói tôi vô ơn. Ở Sài Gòn, nói chuyện đó chỉ nhận được một cái khoát tay và câu trả lời trớt quớt: “Chuyện nhỏ mà, bỏ đi. Ơn nghĩa gì cậu ơi”.

* Sài Gòn không phải bao giờ cũng “lung linh”, lãng mạn. Phải chăng anh chỉ yêu phần nổi tốt đẹp?

- Tôi có bao giờ nói Sài Gòn lung linh, có chăng chỉ là sự lung linh “quang phổ” của một đô thị náo nhiệt nhất nước, và Sài Gòn cũng chưa bao giờ là một thành phố êm đềm hay lãng mạn. Cái đẹp của thành phố này chính là sự hào hiệp của nó, sự hào hiệp mà ai đến đây ở lại hay đã rời đi đều cảm nhận được và ít nhiều bị chi phối trong tính cách, kiểu người ta hay gọi là “dân Sài Gòn mà”. Tôi là người đi nhiều, tiếp xúc nhiều; tôi càng biết, càng yêu sự hào hiệp của Sài Gòn, qua dòng chảy xô bồ cuồn cuộn với đầy những vấn nạn xã hội, cái hào hiệp của Sài Gòn càng trở nên thường nhật, ấm áp và đẹp vô cùng.

* Anh viết nhiều về Sài Gòn từ những quan sát, ghi nhận từng câu chuyện nhỏ nhặt khiến mình rung động, có cả blog để chuyển tải trong khi là một doanh nhân thành đạt, bận rộn. Đó là cách anh chọn bày tỏ tình yêu hay chỉ vì thích thôi?

- Cả hai, tôi thích viết lách và tôi yêu Sài Gòn, tôi kể những câu chuyện mà ai cũng thấy, gặp hằng ngày ở Sài Gòn nhưng ai cũng coi đó là chuyện nhỏ; rồi một ngày người ta đọc lại, bỗng à, ra Sài Gòn là đây, chính những chuyện này làm mình yêu Sài Gòn.

* Sau Chuyện nhỏ Sài Gòn, anh dự định tiếp tục với Sài Gòn, bao nhớ; có vẻ Sài Gòn với anh như là thứ “đặc sản”, còn anh là người “đứng bán”, “bao” chất lượng?

- Bao, cái chữ đơn giản nghe như chơi rồi bỏ, nhưng nó là cam kết nghiêm túc và hào hiệp, rất riêng, của người miền Nam xưa. Nhiều người buôn bán sau này từ nơi khác tới, học đòi chữ bao nhưng khó thực hiện, bởi muốn, phải thiệt lòng, thiệt tình, vì không có luật nào bắt buộc phải bao, chỉ có thứ luật mơ hồ di truyền đâu đó từ những ngày khẩn hoang mở cõi, thời con người tin nhau, sống phải với nhau, tới bây giờ.

Bởi, tôi sống ở Sài Gòn hơn 20 năm, tôi dám nói, Sài Gòn bao nhớ nha. Ai từng sống ở Sài Gòn, dù ghét dù yêu, dù đã ra đi tìm miền đất hứa hay quay về cố xứ sinh nhai, đều nhớ Sài Gòn. Ai từng một ngày một bữa ở Sài Gòn, ăn đĩa cơm tấm, tô hủ tíu bụi bặm, đi xe ôm lang bạt, ngủ nhà trọ bến xe… đều sẽ nhớ Sài Gòn, nhớ cái ồn ào bụi bặm, nhớ mảng đời lộn xộn ngược xuôi, mạnh ai nấy sống nhưng yên tâm là ai cũng sống được, dù rất khác lạ, nhưng cũng rất thân quen, rất nhớ.

Như tôi, mỗi ngày, tôi đều nhớ Sài Gòn. Sài Gòn bao nhớ mà.

* Còn điều gì khiến anh thêm yêu nhớ, “máu thịt” với Sài Gòn hơn nữa. Ý tôi là, hẳn anh còn có một mối tình nảy sinh ngay trên đất Sài Gòn?

- Là vợ tôi. Đó là một mối tình Sài Gòn, bắt đầu từ Sài Gòn và trải qua 20 năm nay ở Sài Gòn, cùng với tình yêu Sài Gòn.

Ngần ấy thời gian, chúng tôi chọn bên nhau trong mọi khoảnh khắc, chia sẻ với nhau mọi thứ nên càng lúc càng không thể thiếu nhau. Tôi ghi lại mọi thứ, như một nhật ký của tình yêu, và để lâu lâu đọc, để cho con cái sau này đọc, thêm trân quý và yêu Sài Gòn hơn.

* Xin cảm ơn anh!

 TUYẾT DÂN
(thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI