Sách giáo khoa cho học sinh khiếm thị: Chờ!

28/11/2023 - 06:02

PNO - Dù chương trình mới đã được tiến hành đến năm thứ tư nhưng mỗi năm, giáo viên tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10, TPHCM) vẫn phải vừa dạy, vừa làm sách theo hình thức “cuốn chiếu” cho học sinh khiếm thị.

Vừa dạy, vừa làm sách

Suốt mùa hè năm học 2022-2023, cô giáo Đinh Lan Phương dường như luôn có mặt ở trường để làm sách giáo khoa (SGK) chữ nổi cho năm học 2023-2024. Cô đảm nhiệm chuyển dịch sách tiếng Việt lớp Bốn và sách ngữ văn lớp Tám chương trình mới. 

Hết hè, cô lại ngày dạy, đêm làm sách. Ròng rã nhiều tháng trời nhưng cho đến hiện tại, cô chỉ mới làm xong nội dung học kỳ I của cả 2 môn. “Sách tập một, môn ngữ văn lớp Tám có 6 bài với khoảng 150 trang sách. Nhưng khi chuyển thành chữ nổi, cộng hình ảnh, mô tả có thể lên đến 500-600 trang nên phải chia thành 3 cuốn. Tôi cứ làm liên tục để kịp sách cho học trò học” - cô Phương chia sẻ.

Để có được một quyển sách chữ nổi, thầy cô ở trường phải trải qua rất nhiều công đoạn. Sau khi họp phân nhiệm vụ, nhóm chuyển dịch chữ sẽ chuyển file sách (PDF) thành file word, kiểm tra lỗi chính tả, sau đó chuyển sang chữ nổi bằng phần mềm. Đôi khi, thầy cô còn phải thay đổi một số từ ngữ để học sinh khiếm thị hiểu rõ hơn. Ví dụ, thay vì dùng “các em hãy nối từ ở cột A với cột B” thì phải đổi thành “các em hãy chọn từ ở cột A phù hợp với cột B”. 

Ông Lê Thanh Hà giới thiệu về các sản phẩm chữ nổi đã được xuất bản - ẢNH: THU LÊ
Ông Lê Thanh Hà giới thiệu về các sản phẩm chữ nổi đã được xuất bản - Ảnh: Thu Lê

Nhóm chuyển dịch hình phải xem xét mục tiêu của bài học để chọn ra những hình ảnh phù hợp, cần thiết, sau đó thiết kế lại bằng phần mềm. Khi đảm bảo hình vừa đầy đủ thông tin, vừa dễ hiểu nhóm mới in, cắt và dán thành phôi. Từ phôi in thành hình nổi trên giấy ép nhiệt. Nhóm cuối cùng sẽ in sách, đóng thành 1 bộ sách đầu tiên để các thầy khiếm thị và các thầy khác dò chính tả, thứ tự trang, hình ảnh. Nếu không có sai sót mới tiến hành in đồng loạt và chuyển vào thư viện. Trong quá trình dạy, nếu thấy chỗ nào chưa hợp lý giáo viên lại góp ý, chỉnh sửa để vừa sức học sinh. 

Thực chất, những công việc này gần như đã trở nên quen thuộc với cô Phương và giáo viên nhà trường từ nhiều năm qua. Bởi lẽ, trên thị trường chưa từng có đơn vị nào đứng ra sản xuất và bán SGK chữ nổi cho học sinh khiếm thị. Nhưng với chương trình mới, hình ảnh được tăng cường và đóng vai trò quan trọng nên khâu làm sách càng khó khăn hơn. Bà Nguyễn Thị Quế Hương - Phó hiệu trưởng nhà trường - cho biết, từ khi triển khai chương trình mới, giáo viên vừa phải học bồi dưỡng chương trình mới, vừa làm sách cho học sinh nên mất khá nhiều thời gian và công sức. 

“Giá của một bộ sách khá cao, vì giấy in chữ nổi rất mắc. Những năm qua, nhà trường được tài trợ và hiện tại vẫn đang dùng nguồn giấy tài trợ đó. Về phía giáo viên, chỉ mới năm nay, khi có Nghị quyết 08 của thành phố, tính lương dựa trên số ngày thực tế đi làm thì thầy cô mới có thêm thu nhập, chứ trước đây cũng chỉ làm vì tình yêu với học trò” - bà Quế Hương nói. 

Cần đơn vị làm sách

Bà Quế Hương cũng thông tin thêm, việc để giáo viên tự tay làm SGK tồn tại khá nhiều bất cập. Ví dụ, nếu đơn vị sản xuất công nghiệp 1 phút có thể làm được 100 trang thì thầy cô làm 1 trang đã mất vài phút. Chưa kể, chất lượng của sách phụ thuộc vào nhóm chuyên môn nên giữa các môn có thể chênh lệch về cả nội dung lẫn hình thức. 

Cô Đinh Lan Phương đang dạy học sinh khiếm thị chương trình lớp Bốn - ẢNH: T.T.
Cô Đinh Lan Phương đang dạy học sinh khiếm thị chương trình lớp Bốn - Ảnh: T.T.

“Tôi mong có 1 đơn vị chuyên trách làm SGK chữ nổi công nghiệp, để giáo viên giảm bớt áp lực công việc. Đồng thời, sản phẩm làm ra sẽ có giá thành thấp để học sinh dễ tiếp cận. Nếu cần, thầy cô có thể tư vấn chuyên môn, kỹ thuật, tài chính nhưng tất cả khâu còn lại sẽ do công ty in ấn đảm nhiệm” - Phó hiệu trưởng chia sẻ. Từ cơ sở này, các loại sách tham khảo, hỗ trợ cũng có thể được sản xuất và bày bán đa dạng hơn để học sinh khiếm thị lựa chọn. Bởi hiện tại, đa phần các em đều phải tham khảo qua thư viện sách nói hoặc nhờ thầy cô chuyển thành chữ nổi nên khó có thể chủ động. 

“Tôi còn phải tập trung thời gian cho việc đi dạy, soạn giáo án, chấm bài, vệ sinh lớp học, làm đồ dùng học tập… Nhưng nghĩ đến trách nhiệm người giáo viên và thành quả mà học sinh được thụ hưởng, tôi lại cố gắng vượt qua” - cô Phương bộc bạch. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng, đơn vị đứng ra làm sách chữ nổi phải có sự am hiểu về chương trình giáo dục và về trẻ khiếm thị. Hoặc tốt hơn, đơn vị nên kết hợp với giáo viên trực tiếp dạy học sinh khiếm thị. Bởi chỉ có những người đứng lớp mới biết được từng bài, từng môn học cụ thể, SGK cần nhấn mạnh điều gì để phù hợp với khả năng của học trò. 

Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc Nhà xuất bản (NXB) Đại học Sư phạm TPHCM - thông tin, hiện nay, không có bất kỳ quyển sách chữ nổi nào được xuất bản và tổ chức in ấn bởi 1 NXB tại Việt Nam. Trong khi đó, số tiền phải chi cho việc làm sách chữ nổi rất nhiều. Chẳng hạn, giá thành một bộ SGK Cánh Diều lớp Một được các thầy cô Trường mù Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) làm ra có giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu NXB xuất bản được 1 bộ sách như vậy, chi phí sẽ thấp hơn khoảng 10 lần cho bản mẫu và sẽ thấp hơn rất nhiều nếu in số lượng lớn. Do đó, việc tìm kiếm một đơn vị làm SGK chữ nổi để cung cấp cho các cơ sở giáo dục cho người khiếm thị là điều rất cần thiết. 

Ấp ủ 1 bộ sách giáo khoa cho người khiếm thị

Tháng 5/2023, NXB Đại học Sư phạm TPHCM đã lần lượt cho ra đời 3 sản phẩm kết hợp chữ nổi (chữ Braille dành cho người khiếm thị) và chữ thường (chữ sáng) để phục vụ cho việc học tập của học sinh khiếm thị. Đó là bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học, bảng chữ cái, chữ số và bảng nhân.

Ông Lê Thanh Hà - Giám đốc NXB Đại học Sư phạm TPHCM - cho biết, ý tưởng của những sản phẩm này đến từ việc cô Lê Thị Hồng Nhung - giáo viên bộ môn hóa học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - đến NXB đặt hàng làm bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học dành cho học sinh khiếm thị. Sau cuộc gặp gỡ, ông bắt đầu tìm phương án tốt nhất để in chữ nổi cho bảng tuần hoàn. Nhưng riêng bản mẫu, làm ra phải tốn hết vài chục triệu, sản xuất hàng loạt thì ít nhất phải vài ba triệu 1 bảng. Mất vài tháng thay đổi một số chi tiết trên bảng thiết kế, hiện tại NXB đã in được sản phẩm với giá thành giảm 99%. Sản phẩm có khổ in A2 trên giấy cứng cao cấp, gấp lại làm tư gọn gàng, màu sắc bắt mắt với giá bìa 60.000 đồng/bảng.  

Sau thành công của bảng tuần hoàn, ông lại bắt đầu ý tưởng làm sách chữ nổi cho người khiếm thị bằng việc in 1 bảng chữ cái, chữ số và bảng nhân chữ nổi kết hợp chữ sáng để dạy người mù chưa biết chữ. Các sản phẩm này cũng đã xuất bản trên khổ A3 gấp làm đôi với giá bìa 25.000 đồng và được gửi tặng nhiều trường học, cơ sở giáo dục dành cho người khiếm thị trên cả nước. Việc in 2 loại chữ trên cùng 1 ấn phẩm đã giúp cả người sáng cũng có thể sử dụng được. Bởi lâu nay, sách dành cho người khiếm thị hoàn toàn dùng chữ nổi nên cha mẹ mắt sáng không biết làm thế nào dạy con. Nhiều người còn phải nghỉ làm để theo con đi học chữ nổi. 

“Với những gia đình có điều kiện thì không vấn đề gì, nhưng đó sẽ là khó khăn đối với những gia đình bị gánh nặng mưu sinh đè nặng. Tôi tin, với 2 ấn phẩm này, người cha ngày đi làm thợ hồ, tối về có thể dạy con học chữ cái. Tôi đang ấp ủ, nếu 2 ấn phẩm này được các cơ sở giáo dục dành cho người khiếm thị đón nhận, tôi sẽ tiếp tục làm bộ SGK tiểu học cho người mù. Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi cần có sự đồng hành, chung sức của xã hội” - ông Lê Thanh Hà bộc bạch.

Thu Lê - Trang Thư

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc