Sa tử cung: Nguy cơ sinh non, sẩy thai

18/09/2016 - 18:00

PNO - Sa tử cung là một bệnh cần chú ý vì trong quá trình mang thai, tình trạng sa tử cung sẽ nặng lên theo tuổi thai, dẫn đến nguy cơ sinh non, sẩy thai.

Gần đây, khoa Khám bệnh, BV Y học cổ truyền TP.HCM tiếp nhận nhiều chị em đến điều trị sa tử cung (sa sinh dục). Đây là một bệnh cần chú ý vì trong quá trình mang thai, tình trạng sa tử cung sẽ nặng lên theo tuổi thai, dẫn
đến nguy cơ sinh non, sẩy thai, băng huyết sau sinh…

Bệnh không chừa ai

Chị H.G.H. (24 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) - một bệnh nhân (BN) bị sa tử cung (STC), kể: “Tôi không hề biết mình bị STC mãi cho đến khi tiêu tiểu mất kiểm soát, tiểu khó, táo bón kèm rối loạn cảm giác và hoạt động tình dục, đau kéo dài vùng bàng quang (sau xương mu), đau lưng... Lúc này, tôi đi khám mới biết mình bị sa bàng quang, tử cung, trực tràng. Theo bác sĩ (BS) điều trị, tùy mức độ STC, nếu sa nhẹ thì hoàn toàn có thể mang thai tiếp. BS sẽ đánh giá lại tình trạng bệnh để có hướng dẫn điều trị cụ thể”.

Nghiêm trọng hơn, BN N.P.N. (29 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) đang mang thai nhưng lại bị STC. BS Ngô Thị Bạch Yến - khoa Khám bệnh, BV Y học cổ truyền TP.HCM, cho biết: “Tình trạng STC sẽ nặng lên theo tuổi thai, dẫn đến nguy cơ sinh non, sẩy thai, băng huyết sau sinh… BN cần tái khám chuyên khoa thường xuyên để đánh giá mức độ, điều trị tạm thời chờ sau sinh mới có thể phẫu thuật phục hồi cơ sàn chậu và treo tử cung vào mỏm nhô hoặc mỏm cùng gai”.

STC là hiện tượng tử cung sa xuống thấp trong âm đạo hoặc sa hẳn ra ngoài âm hộ, thường kèm theo sa thành trước âm đạo và bàng quang hoặc thành sau âm đạo và trực tràng.

Theo các BS, đây là một bệnh khá phổ biến ở phụ nữ Việt Nam, nhất là phụ nữ làm việc nặng, sinh đẻ nhiều, sinh đẻ không an toàn. Người chưa sinh lần nào cũng có thể STC. STC ở người sinh đẻ nhiều lần là sa thành trước hay thành sau âm đạo, sau đó kéo tử cung sa theo. Bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, lao động.

Theo y học cổ truyền, nguyên nhân sa sinh dục là do khí hư, cộng thêm lao lực quá độ hoặc vì rặn nhiều do táo bón thường xuyên. Sự sa thoát còn liên quan đến khí huyết, cơ nhục: những khi cân cơ yếu nhược không đủ giữ chắc thì có hiện tượng sa thoát.

Sa tu cung: Nguy co sinh non, say thai

Nguyên nhân của khí hư hạ hãm là do trong khi sinh đẻ có chế độ ăn uống không đầy đủ, hoặc sau khi sinh bào cung chưa co hồi về vị trí bình thường nhưng bà mẹ trẻ đã phải lao động nặng hoặc phòng dục. Cũng có thể do bệnh lý ở một số cơ quan lân cận đẩy bào cung sa ra ngoài, không co về vị trí ban đầu.

Ngoài ra, khi người phụ nữ có thai, bào cung chứa thai nhi ngày một to dần, dãn ra đến mức tối đa. Đến khi sinh lại bị tổn thương khí huyết nặng không được bù đắp kịp thời nên không co về trạng thái ban đầu, hoặc trong khi đẻ rặn quá mạnh làm cho bào cung dãn quá mức, mất khả năng co hồi về trạng thái ban đầu, kết hợp với chính khí bị hư tổn nặng nề.

Nhiều trường hợp sau khi sinh lao động quá sớm, dinh dưỡng không đúng làm tỳ vị hư nhược, cơ nhục không được nuôi dưỡng đủ nên yếu đi, cũng là yếu tố thuận lợi để bào cung sa dãn xuống không thu lại được mà sinh bệnh. Sa sinh dục còn do khí huyết lưỡng hư.

Người nhiều tuổi hoặc đau ốm lâu ngày, chức năng tạng phủ, trong đó có can - tỳ - thận suy tổn, làm khí cơ không được đầy đủ khiến cơ nhục teo nhão, yếu kém dẫn đến chứng sa thoát. Hoặc có thể do thấp nhiệt: tỳ khí không đầy đủ, khí hư hạ hãm, hiệp với thấp uất lâu ngày hóa nhiệt mà sinh bệnh. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ sau sinh đều bị STC. Sinh đẻ nhiều chỉ là yếu tố thuận lợi cho STC. Chị em nên đi khám để xác định rõ tình trạng bệnh lý của mình.

Điều trị theo đông y

Theo BS Yến, việc điều trị bệnh STC còn tùy theo thể bệnh lâm sàng, cụ thể là dùng thuốc uống, thuốc dùng ngoài, kết hợp châm cứu, tập luyện dưỡng sinh (tùy theo sức khỏe và độ tuổi); thực hiện động tác trồng cây chuối, tập thở thư giãn; thể dục, bơi lội; áp dụng các bài tập co cơ để phục hồi cơ nâng vùng đáy chậu.

Đặc biệt, phụ nữ sau sinh nên áp dụng các bài tập thể dục cơ sàn chậu càng sớm càng tốt (từ ngày thứ 2 sau sinh qua đường âm đạo hoặc ngày thứ 6 sau sinh mổ) nhằm phòng ngừa và điều trị tình trạng rối loạn, mất kiểm soát tiêu tiểu, sa bàng quang, tử cung, trực tràng. Nhiều người quan niệm, Đông y chủ yếu phòng bệnh hơn trị bệnh và ngại hiệu quả chậm nên không mặn mà với việc điều trị bằng Đông y.

BS Yến cho rằng: “Quan niệm này không đúng, vì Đông y được chỉ định điều trị trong các trường hợp sa sinh dục độ I, II (BN trẻ); sa sinh dục độ III (BN lớn tuổi hoặc BN đang có bệnh toàn thân chống chỉ định hay có thể gặp nhiều nguy cơ khi giải phẫu như thiếu máu, bệnh tim mạch, hô hấp, tăng huyết áp, đái tháo đường…). Với sa sinh dục độ II, III, điều trị phẫu thuật là chủ yếu.

Vì vậy, các BS khuyến cáo, chị em mắc bệnh không nên e ngại mà cần đến BV để được tư vấn và hỗ trợ chữa bệnh. Việc điều trị luôn bao gồm kết hợp thay đổi chế độ sinh hoạt, vật lý trị liệu sàn chậu với các phương pháp điều trị chuyên biệt như dùng thuốc, phẫu thuật.

BN cần kiên trì tuân thủ y lệnh của thầy thuốc, không được bỏ dở điều trị giữa chừng. Cần nhận biết các triệu chứng sớm của STC (biểu hiện bằng cảm giác trằn, nặng vùng bụng dưới và vùng cửa mình, có khi là cảm giác có khối phồng, vướng víu trong âm đạo…) để đi khám và được điều trị sớm.

Thông thường, BN sẽ được kết hợp điều trị nội khoa với tập thể dục và yoga sàn chậu nhằm khắc phục những triệu chứng khó chịu, hạn chế và ngăn ngừa các tác động xấu lên sàn chậu trong quá trình mang thai, có thể dẫn đến các rối loạn tiêu tiểu, STC, bàng quang, trực tràng sau sinh…

Những bài tập trong thai kỳ có thể áp dụng tiếp ngay sau sinh để nhanh chóng phục hồi chức năng sàn chậu… Ngoài ra, phụ nữ sau sinh cần lưu ý không nên ngồi xổm vì sau khi sinh, hệ thống cân cơ sàn chậu còn lỏng lẻo và đang có những thương tổn sau sinh. Nếu ngồi xổm sẽ làm áp lực ổ bụng dồn xuống sàn chậu, đẩy các cơ quan vùng chậu ra ngoài.

Để phòng ngừa STC, BS Yến khuyến cáo, chị em cần thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con trước 22 tuổi, nên sinh cách 3-5 năm, chỉ sinh từ một-hai con. Nên chọn sinh ở những cơ sở y tế có đủ phương tiện để được an toàn, đúng kỹ thuật.

Không nên kéo dài cuộc chuyển dạ. Không nên để sản phụ rặn đẻ quá lâu. Tránh các sang chấn như rách âm đạo, rách tầng sinh môn khi làm các thủ thuật. Khi tầng sinh môn hoặc âm đạo bị rách, dù rất nhỏ và không chảy máu, cũng phải khâu lại cẩn thận. Chống táo bón và lao động nặng sớm sau khi sinh. Tập những bài tập dành cho sản phụ sau khi sinh để làm chắc thành bụng và cơ đáy chậu.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI