Sa Đéc, mùa đẹp nhất trong năm

21/01/2020 - 13:33

PNO - Sa Đéc là nơi bạn có thể tìm đến chơi quanh năm nhưng có thể nói ngay rằng, Sa Đéc đẹp nhất khi mùa tết gần kề, khi tháng Chạp đang đi vào những ngày cuối. Thật đấy!

Sa Đéc vốn nổi danh với làng hoa Sa Đéc, còn gọi là làng hoa Tân Quy Đông. Thành phố này được quy hoạch để trở thành thủ phủ hoa miền Nam. Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp TP.Sa Đéc, giá trị sản xuất hoa của địa phương năm 2018 chiếm 65% giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố này, như vậy đủ thấy từ nhiều năm nay, nói Sa Đéc sống nhờ hoa là không ngoa. Mà thật, dù miền Tây có đến hàng chục làng hoa nhưng đậm nét xuân nhất vẫn là Sa Đéc.

Thấy làng hoa là thấy Tết

Làng hoa Sa Đéc chạy dọc bờ Nam sông Tiền cạnh vành đai tuyến tỉnh lộ 848 thuộc TP.Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Làng hoa nằm cách trung tâm thành phố 4km, trước chỉ gói gọn trong xã Tân Quy Đông nên người ta quen gọi là làng hoa Tân Quy Đông, nay đã mở rộng ra các khóm Sa Nhiên, Tân Quy Tây, Tân Khánh Đông, phường 3 (thị xã Sa Đéc), xã Tân Mỹ (huyện Lấp Vò) với diện tích trồng lên đến 1.000ha. 

Hoa trồng trên giàn là nét độc đáo nhất của làng hoa Sa Đéc cho đến tận bây giờ. Hoa không trồng thành luống như rau màu mà được bỏ vào bầu, rọ và đặt trên những giàn cao. Hoa tết thường xuống giống từ giữa năm, lúc đang mùa nước nổi nên nhà vườn phải làm giàn để đưa hoa lên cao, tận dụng nguồn nước lên từ những con rạch nhỏ. Cách làm này để khống chế độ ẩm cũng là nguyên nhân lây lan mầm bệnh khiến hoa bị úng.

Lâu rồi thành lệ, thành nét độc đáo của làng hoa xứ này. Những giỏ hoa trên giàn, những chiếc xuồng lướt nhẹ giữa những giàn hoa của người nông dân trong mùa nước nổi là hình ảnh gây ấn tượng mạnh cho du khách. Nhất là khi những hình ảnh này được khai thác triệt để trên sách báo, lịch, trong các cuộc thi nhiếp ảnh trong và ngoài nước.

Đến mức bây giờ không phải nhà vườn nào cũng trên giàn - dưới nước, nhất là vào mùa này, nhưng du khách cứ nhất định phải tìm cho bằng được khung cảnh mình đã quen nhìn trên truyền thông.

Đâu đâu trong làng hoa, bất kể thời điểm nào trong năm, đều tràn ngập sắc hoa tươi rực rỡ. Mà rực nhất là trong tháng chạp này. Đây cũng là thời điểm bận rộn nhất của người làng hoa. Chỉ cần đến nơi, bất cứ ai cũng phải thốt lên: “Đến Sa Đéc là thấy tết sắp về”.

Làng hoa Sa Đéc đẹp nhất khi mùa tết gần kề
Làng hoa Sa Đéc đẹp nhất khi mùa tết gần kề

Khắp làng hoa có tuổi đời trăm năm này đông vui như trẩy hội. Chủ vườn, thương lái, người mua hoa dạo, du khách… tấp nập nhộn nhịp ngược xuôi càng khiến cái không khí chộn rộn của mùa giáp tết thể hiện rõ nơi đây, giữa khung cảnh người người tất tả đóng gói, vận chuyển hoa. Gần như các loại hoa đẹp nhất của làng đều được chất lên xe tỏa đi khắp các tỉnh, xuôi ra miền Trung…

Con đường quê chạy xuyên làng hoa từ hơn hai năm nay đã rộng rãi khang trang hơn, có vỉa hè lát gạch dù cái vỉa hè ấy có đoạn chỉ rộng chừng hơn một gang rưỡi. Hai bên đường toàn là vườn, ruộng hoa, nhà trưng bày và là chỗ mua bán hoa kiểng.

Có nhiều tiểu cảnh, có cả đài ngắm hoa cao mấy chục mét cho du khách lên cao nhìn bao quát làng hoa. Có cả nhà chờ xe buýt, có xe điện phục vụ du khách. Một số con đường khác trong làng hoa cũng đã được làm lại, mở rộng, xây cầu kiên cố để khép kín các con đường chạy bao quanh làng hoa. 

 

Nếu chịu khó lặn lội, bạn có thể gặp những con đường nhánh nhỏ, băng qua các cây cầu bê tông vào sâu bên trong làng hoa mà khách du lịch ít tới. Nơi đây sẽ cho bạn sự yên tĩnh, để bạn được tiếp tục ngắm tràn lan cây cỏ dại, đường quê xanh ngát, mướt mát theo mấy con rạch nhỏ với những ngôi nhà nhỏ yên bình nằm giữa các vườn ươm hoa cây kiểng. 

Làng hoa Sa Đéc đẹp một cách rộn ràng mà bình yên là vậy đó.

Ngôi nhà cổ nổi tiếng nhất tỉnh Đồng Tháp

Bất kể ai đến với Sa Đéc, sau làng hoa, đều muốn một lần ghé thăm nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm trên đường Nguyễn Huệ ngay cạnh chợ Sa Đéc. Bởi ông chính là nhân vật được nhắc đến trong tác phẩm nổi tiếng Người tình (L'amant) của nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras. 

Ngôi nhà do ông Huỳnh Cẩm Thuận cha ông Huỳnh Thủy Lê xây dựng năm 1895. Ông Huỳnh Cẩm Thuận vốn là một thương gia giàu có người Hoa ở Chợ Lớn - Sài Gòn, gốc gác Quảng Châu. Ông rời Chợ Lớn - Sài Gòn về xây căn nhà lớn dưỡng già ở Sa Đéc bên dòng Tiền Giang.

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Năm 1917, song song với việc gửi con - Huỳnh Thủy Lê - đi Pháp du học, ông Huỳnh Cẩm Thuận cũng cho xây lại toàn bộ mặt tiền theo kiến trúc phương Tây, toàn bộ gạch lót nền được nhập từ Pháp, mặt sau từng viên gạch đều có ghi năm và nơi sản xuất. Tuy nhiên, bên trong ngôi nhà vẫn giữ theo kết cấu xưa, đậm nét Việt. Đặc biệt là phần mái nhà được xây trũng vào trong với quan niệm nước chảy về để tiền tài đến với ông ngày một nhiều hơn. 

Sa Đéc là một trong những thành phố miền Tây hiếm hoi có nhiều công trình kiến trúc từ thời Pháp hãy còn hiện diện. Ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nhìn ra sông có lẽ là ngôi nhà được du khách tìm đến nhiều nhất, trước hết vì kiến trúc đặc sắc; thứ nữa, là vì hiệu ứng từ bộ phim Người tình.

Trong làn sóng khách du lịch tìm đến ngôi nhà thăm viếng có rất nhiều khách nước ngoài. Chẳng biết có ngụ ý gì không mà cái máy hát đĩa cổ trong ngôi nhà luôn để sẵn trên mâm đĩa chiếc đĩa nhựa bản vọng cổ Tình là dây oan của soạn giả Kiên Giang, do nghệ sĩ Thanh Nga thu âm). 

Nhưng mãi đến năm 2006, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê mới chính thức mở cửa cho tham quan. Hiện, ngôi nhà này thuộc sự quản lý của công ty cổ phần du lịch Đồng Tháp. 

Ngôi mộ khuất nẻo có kiến trúc lạ của “người tình”

Cách không xa trung tâm thành phố, gần Quốc lộ 80, khuất sau khách sạn Bông Hồng là nơi an nghỉ của ông Huỳnh Thủy Lê. Thế nhưng, khu mộ gia tộc họ Huỳnh hầu như nằm ngoài sự bận tâm của du khách.

Hầu hết các tài liệu, báo chí, du lịch đều đổ xô vào miêu tả căn nhà cổ và mối tình si của người đàn ông này chứ rất hiếm thấy nhắc đến khu mộ. Khu mộ của gia đình, dòng họ ông Huỳnh Thủy Lê nằm hơi khuất phía sau sân tennis của khách sạn này, muốn đi phải đánh một đường vòng qua hẻm bên hông. 

Nơi an nghỉ của ông Huỳnh Thủy Lê
Nơi an nghỉ của ông Huỳnh Thủy Lê

Khu mộ nằm trên phần đất nghe nói xưa kia rất rộng của gia đình ông Huỳnh Thủy Lê. Không khó để nhận ra phần đất này đã bị xâm thực khá nhiều theo thời gian. Cổng khu mộ khóa kín và tôi sau một hồi đi lòng vòng cũng tìm được lối vào bên hông, vốn bị một căn nhà tạm che chắn.

Điều gây tò mò và thắc mắc cho tôi là các cổng vào khu mộ được xây theo kiểu cổng Torii quen thuộc trong các đền thờ Thần đạo của Nhật Bản. Kiến trúc mang phong cách Nhật Bản này còn được thể hiện trên một ngôi mộ khác. Ở đây còn có thêm hai cái cổng khác như thế trong vòng tường rào cũng mang phong cách gợi nhớ Nhật Bản, càng khiến tôi tò mò thêm. 

Có một người đàn bà lớn tuổi ở căn nhà tạm bên cạnh nhận mình là người trông nom khu mộ này. Nghe nói rằng các kiến trúc hiện hữu trong khu mộ do con cháu ông Huỳnh Thủy Lê từ nước ngoài về xây, cũng khá lâu rồi. Tôi cố tìm hiểu thông tin nhưng người này tỏ ra không hiếu khách. Thế nên những thắc mắc hỏi thăm của tôi hãy còn để lại đó, chờ ngày tái ngộ để tiếp tục tìm hiểu. Tôi xá mấy xá chào tạm biệt người si tình nhất Sa Đéc thế kỷ trước.  

Ông Huỳnh Thủy Lê mất năm 1972, sau chuyến đi Pháp cuối đời, mãn nguyện vì đã nói lời sau cùng với mối tình sét đánh thời trai trẻ. Những lời nói của người tình xưa qua điện thoại ở Paris xin một cuộc hẹn hò (bất thành) đã khiến nữ văn sĩ  Marguerite Duras không thể nào quên và là động lực để bà viết cuốn sách nổi tiếng L’amant - Người tình. Ở đời, ai cũng ít nhiều nếm trải chuyện tình yêu nhưng yêu để hậu thế mãi còn nhắc tên như thế, quả là xưa nay hiếm. 

Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê

Hành trình Sài Gòn - Sa Đéc rất dễ đi, chỉ mất khoảng gần 3 giờ đi ô tô qua quãng đường khoảng 145km. Bạn cũng có thể đi xe máy với thời gian khoảng hơn 3 giờ. Theo Quốc lộ 1A, qua cầu Mỹ Thuận 1 rồi theo lối ra thứ nhất vào Quốc lộ 80. Tiếp tục theo Quốc lộ 80 khoảng 16km là bạn đã đến địa phận TP.Sa Đéc.

Thời điểm tham quan làng hoa đẹp nhất là buổi sáng. Bạn nên đi thật sớm, tầm 6 - 7 giờ. Sau khi dạo chơi làng hoa, nên dành thời gian tham quan Sa Đéc. Thành phố này còn khá nhiều nhà cổ đẹp để bạn có thể check-in. Bạn nên dành thời gian tham quan Kiến An Cung, chùa cổ Phước Hưng, chùa Kim Huê, nhà thờ Sa Đéc... Các điểm này khá gần nhau, đều trong nội thành và có thể thư thả tham quan trong vòng một ngày.

Giá khách sạn Sa Đéc khá ổn, bình dân với mức giá trên dưới 350.000 đồng/phòng 2 người. 
Đừng quên thử món hủ tíu khô Sa Đéc - một trong những đặc sản vùng này, khá ngon.

Bài và ảnh: Lê Minh Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI