Ra khỏi rừng, “cái nghèo” vẫn bám riết người Đan Lai

28/05/2023 - 06:20

PNO - Nhiều năm rời vùng lõi đại ngàn Pù Mát ra khu tái định cư, song cuộc sống của hàng chục hộ dân người Đan Lai vẫn chưa mấy thay đổi, duy nhất 1 hộ “thoát” từ hộ nghèo lên hộ cận nghèo.

Dưới cái nắng như đổ lửa một ngày cuối tháng 5, những con đường ở bản Bá Hạ (xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) vắng hoe. Những ngôi nhà sàn nằm dọc bên đường được các bà mẹ người Đan Lai mở bung cửa để đón gió cho con ngủ trưa. “Mặc quần áo vào cho 2 đứa mà ngủ đi” - chị La Thị Hiền (33 tuổi, trú bản Bá Hạ) nói với cô con gái thứ 2 của mình.

Ra khu tái định cư, người Đan Lai được ở trong những căn nhà sàn bằng bê tông kiên cố - Ảnh: Phan Ngọc
Ra khu tái định cư, người Đan Lai được ở trong những căn nhà sàn bằng bê tông kiên cố - Ảnh: Phan Ngọc

Năm 2019, gia đình chị Hiền rời “nơi chôn rau cắt rốn” ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát về khu tái định cư ở bản Bá Hạ sinh sống. Chị Hiền bảo rằng, so với cuộc sống trước đây ở trong rừng thì nơi ở mới có nhiều thuận lợi hơn nhờ có nhà kiên cố, nước sạch, điện lưới, đường, trường học… 

Tuy nhiên, khi không còn được nhà nước trợ cấp gạo nữa, gia đình 6 miệng ăn gặp rất nhiều khó khăn. “Nhà có một đám ruộng thôi, đất ít nên hầu như đến mùa giáp hạt, cả nhà đều thiếu gạo” - chị Hiền nói. Thiếu đất sản xuất, chồng chị Hiền là anh La Văn Chơ (36 tuổi) phải ra Hà Nội tìm việc làm thêm, kiếm tiền gửi về cho vợ con.

Cũng như hoàn cảnh gia đình chị Hiền, ngôi nhà hàng xóm kế bên của chị La Thị Mến (23 tuổi, trú bản Bá Hạ) lâu nay cũng thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong nhà. Ngồi hóng mát bên hiên ngôi nhà sàn, bà mẹ 2 con cho hay, ở nhà chẳng biết làm gì, thiếu gạo ăn nên chồng chị phải ra miền Bắc kiếm việc làm. 

“Mình ở nhà chỉ làm ruộng thôi, không có gì làm nữa. Đôi khi cũng muốn mua con trâu, con gà về nuôi, nhưng không có tiền mua nên chịu” - chị Mến thật thà nói. 

Chồng đi làm ăn xa, chị Hiền ở nhà chỉ quanh quẩn bên căn nhà sàn chăm sóc 4 đứa con - Ảnh: Phan Ngọc
Chồng đi làm ăn xa, chị Hiền ở nhà chỉ quanh quẩn chăm sóc 4 đứa con - Ảnh: Phan Ngọc

Đây cũng là tình trạng chung ở bản Bá Hạ. Phần lớn những căn nhà sàn kiên cố bằng bê tông của đồng bào người Đan Lai ở bản Bá Hạ nay chỉ còn phụ nữ và trẻ em, những người chồng, người cha đã “khăn gói” ra Bắc, vào Nam kiếm sống.

Ăn còn chưa no nên phần lớn những căn nhà sàn của người Đan Lai ở Bá Hạ chẳng có vật dụng gì quý giá bên trong - Ảnh: Phan Ngọc
Phần lớn những căn nhà sàn của người Đan Lai ở Bá Hạ chẳng có vật dụng gì quý giá bên trong - Ảnh: Phan Ngọc

“Mấy hôm nay không có ai thuê chặt keo nên chồng lại thường rủ bạn bè về nhà uống rượu” - chị La Thị Hòa (22 tuổi, trú bản Bá Hạ) nói. Anh La Thanh Ngọc (25 tuổi, chồng chị Hòa) là một trong số ít đàn ông khỏe mạnh còn bám trụ lại với bản làng. Ngoài canh tác 2 mảnh ruộng, anh thường đi chặt keo thuê cho người dân địa phương với thù lao 200.000 đồng mỗi ngày.

Chỉ tay vào bao gạo duy nhất còn lại trong nhà, chị Hòa nói rằng, năm nào lúa được mùa, gia đình còn đỡ lo về cái ăn, năm nào mất mùa lại phải vay hàng xóm. 

Duy nhất 1 hộ thoát nghèo

Không có tiền mua vật nuôi về tăng gia sản xuất, Mến chỉ mong có thêm ruộng để trồng lúa - Ảnh: Phan Ngọc
Không có tiền mua vật nuôi về "tăng gia sản xuất", chị Mến chỉ mong có thêm ruộng để trồng lúa - Ảnh: Phan Ngọc
Hòa bên bao gạo duy nhất còn lại trong nhà - Ảnh: Phan Ngọc
Chị Hòa bên bao gạo duy nhất còn lại trong nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Năm 2006, 42 hộ dân với 214 nhân khẩu người Đan Lai rời khỏi đại ngàn Vườn quốc gia Pù Mát về định cư tại bản Thạch Sơn (xã Thạch Ngàn). Đến năm 2019, thêm 35 hộ với 129 nhân khẩu người Đan Lai đã được chính quyền địa phương vận động về tái định cư ở bản Bá Hạ. Với mục tiêu giúp đồng bào Đan Lai thoát khỏi đời sống du canh, du cư, săn bắt, hái lượm để từng bước ổn định cuộc sống, nâng cao trình độ dân trí, nhà nước đã hỗ trợ cho họ nhà ở kiên cố. Đồng thời có các công trình phúc lợi phục vụ sinh hoạt và lương thực, thực phẩm trong 2 năm khi đến nơi ở mới.

Ông Lô Thanh Huấn - Chủ tịch UBND xã Thạch Ngàn - cho biết, hiện toàn xã có 90 hộ là người Đan Lai ở bản Thạch Sơn và bản Bá Hạ. Đến nay, 89 gia đình vẫn là hộ nghèo, mới chỉ có duy nhất 1 gia đình thoát nghèo, vươn lên thành hộ cận nghèo. Cuộc sống người Đan Lai vẫn còn nhiều khó khăn, song đây đã là chuyển biến rất tích cực so với thời điểm họ còn ở trong rừng sâu. 

Ông Phan Thanh Hùng - Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông - cho biết, đời sống bà con người Đan Lai ở các khu tái định cư tại xã Thạch Ngàn đang từng bước đổi mới, nhiều gia đình đã biết cách chăn nuôi, trồng trọt. Tuy nhiên, nguồn lương thực chủ yếu như gạo, bắp… ở đây vẫn đang theo kiểu tự cung, tự cấp. 

Quỹ đất ít, người dân cũng chưa chủ động tưới tiêu, ngoài ra trình độ, kinh nghiệm canh tác, thời tiết khí hậu thay đổi… nên thời điểm giáp hạt (từ tháng 1 - 4), nhiều gia đình người Đan Lai thường thiếu lương thực. Tuy nhiên, họ đã được hỗ trợ kịp thời.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI