Quy chế tuyển sinh có triệt tiêu quyền lợi của thí sinh?

20/09/2022 - 05:47

PNO - Sau khi các trường hoàn thành công bố điểm chuẩn, không ít thí sinh bị “sốc” trước sự tăng, giảm đột biến của điểm chuẩn nhiều ngành.

 

Trong đó, ngành logistics của Trường đại học Giao thông Vận tải TPHCM giảm hơn 10 điểm so với năm 2021. Ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp của Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng giảm 7,5 điểm. Ngành công nghệ kỹ thuật nhiệt của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM giảm 6,45 điểm…

Ngược lại, điểm chuẩn nhiều ngành cũng tăng chóng mặt. Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 gây bất ngờ với điểm chuẩn ngành sư phạm lịch sử tăng hơn 13 điểm (thang điểm 40), một số ngành khác của trường cũng tăng 8-9 điểm. Ngành quan hệ công chúng của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tăng 7 điểm. Ngành quản trị nhân lực Trường đại học Phenikaa tăng 6,5 điểm. Ngành kế toán (chương trình tài năng) của Trường đại học Kinh tế TPHCM tăng 5,5 điểm. Rất nhiều ngành xã hội cũng có mức tăng cao khó lường.

Mức biến động nằm ngoài dự đoán đã khiến không ít thí sinh điểm cao nhưng rớt “oan” do đặt nhầm nguyện vọng, có trường hợp 27,5 điểm vẫn rớt. Đồng thời, không ít thí sinh trúng nguyện vọng mình không thực sự thích. Đã có nhiều thí sinh đặt câu hỏi: “Em có thể đổi sang nguyện vọng khác nằm trong danh sách đã đăng ký được không?”. Thế nhưng, câu trả lời là không!

Có thể thấy, quy chế tuyển sinh năm nay không chỉ đặt các trường vào thế bị động, mà còn khiến thí sinh gần như không có sự lựa chọn. Trong khi các năm trước, 1 thí sinh có thể trúng tuyển nhiều nguyện vọng ở các phương thức khác nhau, thì năm nay các em chỉ trúng duy nhất 1 nguyện vọng ở tất cả phương thức. Tại sao không cho thí sinh được trúng hơn 1 nguyện vọng và sau đó các em được quyền chọn nguyện vọng mà mình yêu thích nhất?

Chính hệ thống lọc ảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn nguyện vọng thay cho thí sinh và quyền lựa chọn của các em gần như bị triệt tiêu. Như một trò may rủi khi thí sinh phải “căng não” dự đoán điểm chuẩn, phân tích chỉ tiêu, tỷ lệ chọi… rồi lại cân nhắc sắp xếp thứ tự nguyện vọng. Trong khi đó, với các phương thức xét tuyển đa dạng, chỉ tiêu phân bố cho từng phương thức khác nhau, dẫn đến điểm chuẩn biến động vô cùng khó lường. Không thí sinh nào có thể biết được sau khi hệ thống lọc ảo xong thì mình sẽ trúng vào nguyện vọng nào. Các em không có sự chủ động mà phải thụ động chờ đợi trong âu lo, thấp thỏm.

Có vẻ, quy chế tuyển sinh đang không hướng đến việc đặt quyền lợi thí sinh lên trên hết, mà chủ yếu phục vụ mục đích quản lý nhà nước được thuận lợi và hạn chế tình trạng trúng tuyển “ảo” cho các trường. Với Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy chế tuyển sinh năm nay có thể chỉ là một bước thí điểm. Nhưng đối với thí sinh, một kỳ tuyển sinh rối rắm, nhiều bất ổn sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai nghề nghiệp của các em. Sẽ là không hợp lý khi học sinh giỏi bị rớt oan hoặc thí sinh phải học ngành mình không thực sự yêu thích. Với sự bất ổn của quy chế tuyển sinh năm nay, dự báo năm sau sẽ là những điều chỉnh mới, và không ai có thể chắc chắn sẽ hết bất ổn đối với các lứa thí sinh kế tiếp. 

Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI