Quảng Ngãi “khát” nhà ở cho công nhân

29/08/2023 - 06:01

PNO - Quảng Ngãi là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp tốp đầu của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng trái ngược với sự gia tăng về quy mô sản xuất, việc đầu tư nhà ở cho công nhân cũng như các thiết chế đi kèm vẫn chưa được chú trọng.

Không có cả ước mơ

Chiều muộn, các xóm trọ dọc 2 bên Quốc lộ 1 thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi vắng hoe. Công nhân vẫn chưa về. Ở cuối một dãy trọ thuộc thôn Thế Long (xã Tịnh Phong), chị Hà Thị Kim Anh đang nấu vội bữa cơm cho chồng con để còn kịp đi làm ca tối. 

Vợ chồng chị Kim Anh có 3 đứa con. 2 đứa lớn được gửi về ở với ông bà ngoại trên huyện miền núi Trà Bồng, còn đứa út được anh chị dắt theo. Chị làm công nhân dệt sợi cho Công ty TNHH Xindadong Textiles Việt Nam ở khu công nghiệp (KCN) VSIP, còn chồng thì ai thuê gì làm nấy. Vợ chồng họ thuê căn phòng nhỏ khoảng 30m2 để ở, mỗi tháng hết khoảng 1 triệu đồng tiền nhà và điện nước. Mùa hè, 2 con gái lớn cũng xuống ở trọ cùng để trông em cho ba mẹ đi làm. 

2 vợ chồng chị Hồ Thị Nuôi - anh Nguyễn Minh Tấn và con sống trong căn phòng trọ chật chội
2 vợ chồng chị Hồ Thị Nuôi - anh Nguyễn Minh Tấn và con sống trong căn phòng trọ chật chội

Hỏi về thu nhập, chị Kim Anh nói: “Em làm mỗi ngày 12 tiếng, từ 7g tối đến 7g sáng, cố gắng nên cũng có thu nhập nuôi con”. Đề cập đến nhu cầu nhà ở, chị cười mơ hồ: “Chắc 2 vợ chồng sống tạm thế này chứ nhà cửa không mơ tới được, vì không có tiền. Nếu có nhà ở cho thuê thì tốt biết mấy”.

Những anh chị em công nhân trẻ hơn thì lại càng mơ hồ. Vợ chồng Nguyễn Minh Tấn (21 tuổi) và Hồ Thị Nuôi (19 tuổi) đang thuê căn nhà trọ tồi tàn cạnh KCN VSIP. Hằng ngày, Tấn đi làm ở nhà máy sản xuất giày dép, còn Nuôi đang mang bầu tháng thứ tư và ở nhà chăm đứa con lớn hơn 1 tuổi. 2 chị em gái của Nuôi cũng làm công nhân và trọ ngay ở bên cạnh. Chị em họ sống đùm bọc nhau.

Tấn kể, vợ chồng anh trước kia đi làm vườn ở Lâm Đồng, sau khi có con thì đưa nhau về quê làm công nhân. Chồng quê Bình Định, vợ quê ở huyện miền núi Trà Bồng, nên xác định bám víu ở KCN dưới đồng bằng để làm việc và nuôi con. “Lương cơ bản của em 3,9 triệu đồng/tháng, tăng ca mỗi tiếng được 33.000 đồng, tính tổng thu nhập khoảng 5,9 triệu đồng. Tiền trọ và điện nước khoảng 1 triệu đồng. Còn lại vợ chồng ăn uống và nuôi con” - Tấn nói.

Đó là tình cảnh chung của hàng ngàn công nhân đang làm tại các KCN ở tỉnh Quảng Ngãi. Phần lớn họ rất nghèo và phải chấp nhận sống chen chúc, kham khổ trong các khu nhà trọ chật chội, ẩm thấp. 

Nhu cầu nhiều, giải quyết chưa bao nhiêu

Ông Nguyễn Phúc Nhân - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ngãi - cho hay: “Nhu cầu nhà ở của công nhân ở Quảng Ngãi rất nhiều, nhất là công nhân KCN VSIP, KCN Dung Quất - những KCN có đông lao động từ các địa phương xa đến. Một số doanh nghiệp trong quá trình xây dựng nhà máy có xây nhà ở cho công nhân, nhưng không đủ so với nhu cầu.

Về phía tỉnh đã thống nhất giao 4,05ha ở KCN Tịnh Phong cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở công nhân. Hiện, chúng tôi đang phối hợp với Ban Thiết chế của Tổng Liên đoàn Việt Nam để sớm triển khai dự án này”.

Các khu nhà trọ quanh khu công nghiệp VSIP
Các khu nhà trọ quanh khu công nghiệp VSIP

Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi thông tin, hiện có 249 dự án do 203 doanh nghiệp đầu tư đã đi vào hoạt động với tổng số lao động tính đến cuối tháng 6/2023 là 66.441 người. Trong đó có trên 29.052 lao động đang làm việc tại KCN VSIP, 8.701 lao động làm việc tại KCN Tịnh Phong thuộc địa bàn huyện Sơn Tịnh.

Xung quanh 2 KCN trên có khoảng 295 nhà trọ với khoảng 2.000 phòng đáp ứng nhu cầu thuê chỗ ở cho khoảng 3.576 lao động. Vào lúc cao điểm, lượng phòng nói trên không đáp ứng được nhu cầu chỗ ở cho công nhân. Tại khu kinh tế Dung Quất, hiện có khoảng 22.214 lao động, trong đó có 1.500 lao động đang thuê trọ. Còn tại KCN Quảng Phú có 1.045 lao động đang thuê trọ, trong đó 80% là đồng bào dân tộc.

Thế nhưng đến nay ở tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa có dự án nhà ở công nhân nào được triển khai. Chỉ có một số nhà máy, như nhà máy công nghiệp tàu thủy Dung Quất, nhà máy công nghiệp nặng Doosan Vina, Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất… có một số dự án xây dựng nhà ở công nhân, giải quyết cho khoảng 1.500 lao động trên địa bàn khu kinh tế Dung Quất.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, đến nay, trên địa bàn đã và đang triển khai một số dự án nhà ở cho công nhân (nhà kiên cố), đa phần các dự án nhà ở công nhân do các doanh nghiệp có quy mô lớn đầu tư phục vụ công nhân của họ. Còn các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp do Nhà nước đầu tư thì vẫn còn trong quy hoạch. 

Lê Đình Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI