"Portrait of a Lady on Fire": Bức chân dung của tự do

29/12/2020 - 17:58

PNO - “Portrait of a Lady on Fire” (Céline Sciamma, 2019) là góc nhìn đầy nữ tính về nghệ thuật, những niềm đam mê thầm kín và khao khát tự do.

Hơn cả một câu chuyện tình yêu, tác phẩm điện ảnh xuất sắc của nữ đạo diễn người Pháp Céline Sciamma là một khám phá đầy lý thú về sáng tạo nghệ thuật và khát vọng tự do của phụ nữ thế kỷ 18.

Dịu dàng mà mãnh liệt, bộ phim xoay quanh hồi ức về mối tình đã qua giữa nữ họa sĩ tài năng Marianne (Noémie Merlant) với “nàng thơ” một thời Héloïse (Adèle Haenel). Đó là người con gái mặc chiếc váy bắt lửa, hiện thân của niềm đam mê thầm kín trong suốt tuổi trẻ phiêu bồng của cô.

Hai người gặp nhau lần đầu tiên trên một hòn đảo ngoài khơi vùng Brittany, Pháp. Marianne, lúc bấy giờ là một họa sĩ với lối sống tự do, phóng khoáng, đặt chân đến nơi xa xôi hẻo lánh này theo lời mời của mẹ Héloïse. Bà cần cô cần hoàn thiện gấp một bức chân dung con gái để gửi cho vị hôn phu của nàng ở Milan.

Tuy nhiên, công việc nhanh chóng trở nên khó khăn khi Héloïse từ chối hợp tác. Nàng kịch liệt phản đối một cuộc hôn nhân sắp đặt không tình yêu, thứ dường như là mẫu số chung của nữ giới đương thời và đã đẩy chị gái nàng đến cái chết.

Portrait of a Lady on Fire là câu chuyện đầy xúc cảm về tình yêu, sáng tạo nghệ thuật và khát vọng tự do
Portrait of a Lady on Fire là câu chuyện đầy xúc cảm về tình yêu, sáng tạo nghệ thuật và khát vọng tự do

Vị hôn phu của Héloïse không xuất hiện ở bất cứ khoảnh khắc nào trong phim, nhưng vẫn hiện lên như một nỗi ám ảnh khôn cùng. Ở điểm này, Portrait of a Lady on Fire phần nào gợi nhớ đến tuyệt tác Đèn lồng đỏ treo cao (1991) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, khi nhân vật "lão gia" dù không lộ mặt nhưng vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến bi kịch của những người vợ, ở buổi hoàng hôn của chế độ đa thê Á Đông. 

Theo gợi ý của người mẹ, Marianne đã tìm cách kết bạn với Héloïse, đồng thời bí mật quan sát nàng để hoàn thiện bức chân dung. Đó cũng là lúc cô bị cuốn vào một hành trình sáng tạo chưa từng thấy, một hành trình gian nan, mãnh liệt và choáng ngợp, ghi dấu bởi sự thăng hoa của cả tài năng và cảm xúc.

Với Marianne, hành trình vẽ chân dung Héloïse mang dáng dấp một trò chơi đuổi bắt. Nàng thoắt ẩn thoắt hiện, trong những căn phòng sang trọng mà bí bách, trên bãi biển xanh rì lộng gió, đằng sau tấm mạng che mặt, trong những gì người ta nói về nàng, và trong tâm hồn rực lửa của chính nàng. Marianne cố hết sức để nắm bắt nàng, nhưng dường như cô mới chỉ phác họa được hình dáng bên ngoài, còn tâm hồn sâu thẳm của Héloïse vẫn cứ bí ẩn như câu đố ngàn năm của nhân sư.

Một cách từ tốn, Héloïse đã dẫn dắt Marianne đến những bến bờ đầy ảo mộng của tình yêu, sự gắn bó và sáng tạo nghệ thuật. Ở đó, Marianne, trên tư cách một nghệ sĩ, đã trải qua nhiều khoảnh khắc phản tỉnh, để rồi đi đến tận cùng với hành trình khám phá con người và biểu đạt những gì khuất lấp sau vẻ ngoài của con người.

Như một nỗ lực để phản kháng số phận, Héloïse chối từ và nhạo báng tất cả những khuôn khổ cứng nhắc mà xã hội áp đặt lên nàng. Đằng sau bộ váy đen như một nữ tu khổ hạnh, nàng là một con người phức tạp, không dễ nắm bắt và định nghĩa. Nàng thơ ngây mà nổi loạn, u uất mà cứng cỏi, giống như cánh chim non run rẩy muốn phá tung chiếc lồng để vút cánh bay lên.

Càng đi sâu vào thế giới của Héloïse, Marianne càng nhận thức rõ sức mạnh tiềm tàng trong tâm hồn mình. Đó chính là sự can đảm, giúp cô vượt lên trên những định kiến và hoài nghi để nắm bắt hạnh phúc cá nhân, đồng thời tận hiến cho nghệ thuật. Nếu như Marianne đem đến sự phóng khoáng, tự do cho cuộc sống ngục tù của Héloïse, thì Héloïse cũng cho cô cơ hội để hoàn thiện bản thân trên tư cách một con người, một nghệ sĩ.

Bộ phim là hành trình tìm kiếm lối thoát của những người phụ nữ thế kỷ 18
Bộ phim là hành trình tìm kiếm lối thoát của những người phụ nữ thế kỷ 18

Mặt khác, Portrait of a Lady on Fire còn là hành trình tìm kiếm tự do trong nghệ thuật và cái đẹp của phụ nữ, ở một thời đại mà họ luôn bị kiềm tỏa, áp chế bởi quyền lực nam.

Công việc họa sĩ giúp Marianne được ngao du khắp nơi và sống cuộc đời mình muốn, thay vì chôn chân trong “cung cấm” và kết hôn với những người đàn ông xa lạ như phần đông phụ nữ thời bấy giờ.

Không chỉ có vậy, nghệ thuật còn đem đến sự tự do trong tư tưởng. Nó cho những người phụ nữ không gian để cất lên tiếng nói, dẫu cho những tiếng nói đó không được xã hội đương thời lắng nghe. Chi tiết này được thể hiện ở phân cảnh Marianne, Héloïse và cô hầu gái Sophie (Luàna Bajrami) đọc câu chuyện về Orpheus và Eurydice trong Thần thoại Hy Lạp. Họ đã đưa ra những diễn giải của mình từ góc độ nữ giới, vốn khác biệt với cách hiểu chính thống đương thời.

Trailer phim Portrait of a Lady on Fire:

 

 

Khi Sophie thắc mắc tại sao Orpheus lại quay lại nhìn Eurydice khiến nàng phải ở lại cõi âm mãi mãi, Marianne đã cho rằng, trong giây phút ấy, Orpheus không chọn Eurydice mà là những kỷ niệm về nàng. Nói cách khác, chàng đã chọn sống trên tư cách một thi sĩ, chứ không phải một người tình của Eurydice.

Câu trả lời ấy cũng chính là lựa chọn của Marianne ở cuối phim. Khi số mệnh chia cắt hai người, cô đã lưu giữ những ký ức tươi đẹp về Héloïse bằng bức vẽ nàng trong chiếc váy bắt lửa, và bằng chân dung chính mình ở trang 28 của cuốn sách mà Héloïse luôn mang bên mình. Những bức tranh ấy giống như một thế giới riêng, bất khả xâm phạm của hai người phụ nữ, nơi họ có thể cất giấu những bí mật, những khao khát cá nhân và cả niềm kiêu hãnh mà không bị ai nhòm ngó, phán xét.

Portrait of a Lady on Fire xoay quanh những tâm sự phụ nữ được gửi gắm trong nghệ thuật
Portrait of a Lady on Fire xoay quanh những tâm sự phụ nữ được gửi gắm trong nghệ thuật

Marianne gọi bức vẽ Héloïse mà cô sở hữu là một tấm chân dung, dù trong tranh, ta không hề nhìn thấy khuôn mặt nàng. Đó là bởi ở khoảnh khắc ấy, tất cả những gì sống động, chân thực và trọn vẹn nhất về con người Héloïse đã được lưu giữ. Về sau, nàng sẽ trở thành vợ nhà quý tộc ở Milan, nhưng trái tim nàng thì mãi mãi hướng về những ngày tháng ngắn ngủi mà đầy đam mê trên hòn đảo cực Tây Bắc của nước Pháp.

Cũng vì lẽ đó, khoảnh khắc tà váy của Héloïse bắt lửa trong đêm xứng đáng là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của điện ảnh. Nó biểu đạt một sự thăng hoa cảm xúc mà ngôn ngữ quá hạn hẹp để diễn tả hay nắm bắt. Với khoảnh khắc đó, dường như sự nghiệp làm phim của Céline Sciamma đã đạt đến đỉnh cao, khi bà chạm tới được cái đẹp thần diệu vượt ra khỏi mọi giới hạn, mọi sự lý giải.

Và nghệ thuật, đến lúc này, đã hoàn thành vai trò tối thượng của nó: Bất tử hóa những khoảnh khắc phù du của cuộc đời.

Minh Trang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI