Phim cổ tích Việt Nam: 20 năm vẫn trăn trở

09/11/2018 - 06:00

PNO - Trở lại với dự án ‘Cổ tích Việt Nam’ sau hơn 20 năm thực hiện, đạo diễn Nguyễn Minh Chung vẫn vẹn nguyên tinh thần làm phim với thiếu nhi: trong trẻo, hồn nhiên và nhiều trăn trở.

Cuộc trở lại sau 20 năm

Đang được phát sóng trên kênh HTV3, series 10 phim cổ tích Việt Nam nhận về nhiều phản hồi tốt. Đại diện đơn vị phát hành cho biết 2 tập của phim đầu - Cậu bé thông minh, đạt tỷ lệ người xem khá cao.

Đó là tín hiệu đáng mừng cho series Cổ tích Việt Nam nói chung và đạo diễn Nguyễn Minh Chung nói riêng. Bởi đã hơn 20 năm từ ngày thực hiện loạt phim dành cho thiếu nhi đầu tiên, giờ đây, sự trở lại của anh ở thời điểm máy móc, thiết bị hiện đại nhưng vẫn nặng bài toán cũ: kinh phí.

Phim co tich Viet Nam: 20 nam van tran tro
Đạo diễn Nguyễn Minh Chung (bên phải) trên phim trường. Anh được biết đến nhiều qua phim dành cho thiếu nhi, đặc biệt là phim Kính vạn hoa, tác phẩm chuyển thể từ tuyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

“Khó khăn lớn nhất của phim Việt Nam hiện nay là kinh phí thấp. Bây giờ, máy móc quay tốt hơn, kỹ xảo mình cũng làm được nhưng làm thì tốn thêm tiền. Thực lòng, tôi muốn làm thêm kỹ xảo để khác hơn với những phim mình từng làm cách đây hơn 20 năm, nhưng kinh phí đầu tư thấp nên chúng tôi phải hạn chế tối đa về mặt này”, đạo diễn Minh Chung chia sẻ.

Với anh, chuyện làm phim với trẻ con mấy chục năm nay bao giờ cũng vui nhưng cực. Vì cực nên nhiều người ngại làm, không tâm huyết với phim thiếu nhi trong khi lứa tuổi này cần nhiều sản phẩm giải trí lành mạnh, bổ ích.

Lý giải về việc dòng phim dành cho thiếu nhi vắng bóng trên thị trường hoặc chỉ manh nha vài phim rồi mất hút, đạo diễn Minh Chung cho biết: “Thứ nhất, phim thiếu nhi chỉ có thiếu nhi xem nên những nhà sản xuất muốn bán quảng cáo sẽ gặp khó khăn, vì đối tượng khán giả giới hạn. Thứ hai, làm phim thiếu nhi rất cực, việc viết kịch bản cũng khó trong khi kinh phí thấp nên số người tâm huyết làm phim thiếu nhi rất ít. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với phim thiếu nhi hầu như không có, họ để cho tư nhân tự tung tự tác mà không có chính sách quản lý hay hỗ trợ nên bao nhiêu năm rồi, phim thiếu nhi vẫn thế”.

Hậu trường dự án Rồng rắn lên mây:

Nỗi trăn trở của đạo diễn Minh Chung kéo dài từ đầu những năm 90 khi ông được Hãng phim Phương Nam đặt hàng thực hiện gần 20 bộ phim cổ tích. Cho đến nay, sau hơn chừng đó năm trăn trở phải làm điều gì đó cho trẻ em Việt, ông vẫn chưa thực hiện được đúng nguyện vọng đã đề ra. Khó trách, vì bài toán thị trường lấy mất nhiều cơ hội của các đạo diễn tâm huyết trong khi một số đơn vị sản xuất coi phim ảnh là chuyện làm ăn, không chỉ đơn thuần vì nghệ thuật.

“Hồi trước, việc bán phim thuận lợi hơn bây giờ nhiều. Phim nào làm ra cũng bán rất tốt cho tới khi việc sao chép, in lậu phổ biến, chuyện bản quyền cũng khó kiểm soát được nên làm phim là lỗ, do vậy các đơn vị không làm nữa. Bây giờ, Hãng phim Phương Nam chỉ gia công phim cho Đài truyền hình Vĩnh Long chứ họ cũng không dám bỏ tiền ra làm, buôn bán như trước”, đạo diễn Minh Chung chia sẻ.

Yếu tố thị trường thay đổi dẫn đến những tồn tại nhất định trong việc sản xuất phim dành cho thiếu nhi. Đạo diễn Minh Chung bắt đầu với phim thiếu nhi và trở lại cũng với đối tượng khán giả nhí nhưng thời gian khác nhau, cách làm phim cũng khác. Tuy nhiên, chưa bàn tới chất lượng, nếu lấy mốc thời gian series Cổ tích Việt Nam tạm dừng và quay lại, trong hơn 20 năm đó, phim thiếu nhi Việt đã phát triển ra sao? Câu trả lời vẫn còn ậm ừ.

Lấy nụ cười trẻ thơ làm động lực

Dự án Cổ tích Việt Nam hay tên gọi mới Rồng rắn lên mây bao gồm 10 phim: Cậu bé thông minh, Của Thiên trả Địa, Sự tích hoa dâm bụt, Sự tích hoa cúc chi, Sự tích cây vú sữa, Tam và Tứ, Sự tích ông Táo, Lọ nước thần, Hai cô gái và cục bướu, Cây tre trăm đốt.

Trailer giới thiệu dự án phim Cổ tích Việt Nam dành cho thiếu nhi:

Đây là những phim đạo diễn Minh Chung đã từng thực hiện cách đây hơn 20 năm. Với sự trở lại lần này, đạo diễn cho biết phải thay đổi nhiều yếu tố về mặt nội dung để làm mới câu chuyện. Theo đó, đạo diễn sẽ thay đổi về cấu trúc truyện, nhân vật và tính cách nhân vật trong một chừng mực nhất định để vừa làm mới nhưng không quá khác so với những câu chuyện đã nằm lòng với trẻ em từ trước.

Thời gian thực hiện khác nhau nhưng đạo diễn Minh Chung cho rằng thời nào cũng vậy, làm cho thiếu nhi vẫn phải chú trọng yếu tố nhân văn trong câu chuyện. “Trong truyện cổ tích, yếu tố nhân – quả, thiện – ác bắt buộc phải có nhưng mình phải làm sao cho phù hợp, đừng để vượt quá tầm suy nghĩ của trẻ con. Thậm chí với người lớn, những hậu quả của nhân vật cũng phải đề cập ở mức vừa phải sẽ hiệu quả hơn. Ví dụ truyện Tấm Cám nếu làm đúng nguyên bản thì cô Tấm có khi còn ác hơn Cám ở một khía cạnh nào đó, nên phải cân đối các yếu tố phù hợp với nhận thức của trẻ”, đạo diễn nhận định.

Trong dự án lần này, đạo diễn Minh Chung cho biết việc chọn diễn viên nhí không khó như trước. Hiện, số lượng diễn viên nhí đông và diễn xuất của các bé rất tốt.

Tuy nhiên, khác với thời điểm cách đây vài chục năm, việc cạo đầu 3 vá (tóc 3 chỏm – PV) để đóng phim cổ tích khó gấp nhiều lần: “Bây giờ các em chạy show nhiều nên đâu thể cạo đầu. Do đó, việc tìm được một diễn viên phù hợp, thuyết phục gia đình và các em chịu cạo đầu là khó nhất. Thỏa thuận cạo đầu 3 vá xong xuôi nhưng đến khi ra hiện trường thực hiện, tụi nhỏ ngơ ngác dữ lắm. Các em không biết đầu 3 vá là như thế nào nên ngỡ ngàng, đoàn phim vừa thấy thương vừa mắc cười”.

Phim co tich Viet Nam: 20 nam van tran tro
Diễn viên nhí trong phim được tuyển chọn kỹ

Thời gian làm phim gấp rút, 2 ngày/tập nên đoàn phim phải chạy theo tiến độ, trong khi diễn viên nhí không phải lúc nào cũng đóng được. Đó là khó khăn lớn nhất với đạo diễn Minh Chung vì theo anh, câu chuyện kinh phí đã cũ, nếu không xử lý được thì không nên nhắc.

“Quay phim thiếu nhi vui mà cực vì tụi nhỏ xem chuyện đóng phim là trò chơi chứ không phải công việc kiếm sống, nên các em muốn chơi thì chơi mà nghỉ thì nghỉ. Trẻ em không như người lớn vì miếng cơm mà làm bất kể thời gian; trẻ em nếu mệt phải cho nghỉ, đói phải cho ăn nên thời gian làm phim kéo dài”, nhưng điều đạo diễn Minh Chung hài lòng là diễn viên nhí chấp nhận lăn xả. Cổ tích Việt Nam quay ở nhiều tỉnh khác nhau, bối cảnh phải vào vùng sâu, vùng xa để tránh những yếu tố hiện đại nên các em cũng phải đi theo, rất vất vả.

Câu chuyện làm phim thiếu nhi Việt vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn bạc. Đặt trong bối cảnh phim điện ảnh đã manh nha vài sản phẩm về đề tài thiếu nhi và mang yếu tố thiếu nhi thì ở truyền hình, lượng tác phẩm dành cho đối tượng này rất hạn chế. Khoảng trống phim thiếu nhi vẫn rất khó để lấp đầy.

Series Cổ tích Việt Nam nằm trong chuỗi phim truyền hình Rồng rắn lên mây của Purpose Media và HTV3. Dự án Rồng rắn lên mây dự kiến thực hiện 3 mùa. Mùa 1 (2018) sẽ bao gồm 10 câu chuyện cổ tích (mỗi truyện 2 tập), phát sóng trên kênh HTV3 vào thứ 5 và thứ 6 hàng tuần trong khung giờ 18g30, từ ngày 1/11.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI