Phát huy ẩm thực để phát triển kinh tế

19/06/2022 - 06:10

PNO - Tại sao là món ăn được CNN công nhận nhưng ngay người Việt cũng không thể phân tách tên gọi.

Mới đây, khi bánh cam của Việt Nam xuất hiện trong danh sách 30 món ngon nhất thế giới do CNN công bố, trong nhóm bạn từ thời đại học của chúng tôi nổ ra một cuộc tranh cãi nho nhỏ. Cậu bạn người Bắc bảo: “Hình món bánh trên CNN không phải bánh cam mà là bánh rán ngọt”, cô bạn người Trung bảo là bánh cam, không trật đi đâu được. Riêng cô em của vùng đất chín rồng đặt dấu chấm hỏi: “Không phải bánh mè láo sao?”. 

Tất nhiên, câu hỏi tu từ của cô em miền Tây bị loại trừ vì cụm từ “orange cake” cùng cách mô tả “Được làm bằng bột gạo nếp và nhân đậu xanh, vo viên sau đó lăn trong hạt mè và chiên” thì món ăn được CNN nhắc đến chỉ có thể là bánh cam (theo cách gọi của miền trung và miền Nam) hay bánh rán ngọt của miền Bắc. Bánh mè láo có độ giòn, xốp nên công thức, cách chế biến hoàn toàn khác.

Hình ảnh bánh cam trên CNN (ảnh chụp màn hình)
Hình ảnh bánh cam trên CNN (ảnh chụp màn hình)

Không chỉ tên gọi, rất nhiều món ăn Việt còn gây tranh cãi về hương vị, nguồn gốc, ví dụ như món phở - món ăn xuất hiện mật độ dày trên các diễn đàn du lịch, ẩm thực, món ăn được nhiều người Việt chọn kinh doanh tại nhiều thành phố lớn khắp thế giới cũng không tránh khỏi những cuộc tranh luận về hương vị. Người dân Nam Định thường rỉ tai nhau rằng để biết một quán phở ngon hay không, phải có sự hiện diện của những tảng thịt bò treo trước quầy, những mảng tường ám khói đen kèm theo mùi hương thịt bò. Trong khi đó, nước dùng trong vắt là đặc trưng của phở Hà Nội và cũng là niềm tự hào của người chế biến.

Xuôi theo dải đất miền Trung, khi đi qua các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Thuận đến Lâm Đồng, thực khách lại không thể hiểu tại sao cùng một món mì Quảng, mà mỗi tỉnh một vị, mỗi nơi lại có nguyên liệu này hay gia vị kia và trừ Đà Lạt, nơi nào cũng nhận tỉnh/địa phương mình mới là nơi sản sinh ra món ăn này.

Theo ông Võ Quốc, người miền Nam thường chế biến cá lóc hấp nước dừa hơn món cá lóc nướng trui.
Theo đầu bếp Võ Quốc, người miền Nam thường chế biến cá lóc hấp nước dừa hơn món cá lóc nướng trui

“Không chỉ có sự khác biệt về tên gọi món ăn, cách kết hợp các loại nguyên liệu và gia vị mà hiện nay, thực khách các vùng miền cũng nhầm lẫn về các món đặc sản địa phương. Như cá lóc nướng trui chỉ có thể được xem là món trong những ngày đầu tiên đi mở cõi, dùng trong những trường hợp đặc biệt. Người miền Nam thường ăn cá lóc hấp nước dừa hơn, nhưng rất ít người biết được thông tin này”, nhà báo - đầu bếp Võ Quốc chia sẻ.

Lập đề án dài hạn để phát triển

Hanah, một nhà báo người Úc từng làm việc tại một tạp chí về hàng hiệu ở TPHCM chia sẻ: “Tôi rất thích văn hóa ẩm thực Việt. Mỗi dịp cuối tuần, tôi đều lang thang đường phố để thưởng thức món ngon và tìm hiểu về sự khác nhau giữa địa phương này với địa điểm khác, kể cả tên gọi, hương vị. Tiếc là tôi không tìm thấy trang thông tin nào để đối chiếu cảm nhận hay điều tôi tìm hiểu. Thật đáng tiếc”.

"Các bạn đang có một "kho tàng" ẩm thực đồ sộ đáng tự hào. Tuy nhiên, hiện việc tìm kiếm thông tin về các món ăn Việt với người nước ngoài khá khó khăn, bởi chúng tôi chỉ biết thông qua Google, chưa có một kênh thông tin chính thức để chúng tôi tham khảo, giới thiệu nhau", anh Smith, người Anh, giải thích. 

Món bánh bò tinh tế, sang trọng trong mâm cơm cung đình.
Những món ăn cung đình cầu kì và tinh tế

Nhận thức được tiềm năng to lớn và mong muốn góp phần bảo tồn, phát huy và nâng tầm nét di sản độc đáo trên, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) chính thức công bố đề án "Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia giai đoạn 2022-2024".

“Đã đến lúc chúng ta cần phát huy văn hóa ẩm thực Việt để quảng bá cũng như phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (viết tắt VCCA) nhận định. Theo vị chủ tịch này, Việt Nam có hơn 3.000 món ngon khắp các vùng miền. Trong đó có rất nhiều món ngon, lành nhưng không được nhiều người, nhất là du khách quốc tế biết đến. “Việc chú trọng phát triển văn hóa ẩm thực Việt và đưa ra bản đồ thế giới cũng sẽ kéo theo sự phát triển của kinh tế", ông Quốc Kỳ nhấn mạnh.

Đề án dự kiến sẽ chia làm ba giai đoạn từ năm 2022-2024 với một số hoạt động chính gồm: khảo sát, xây dựng văn hóa ẩm thực 100 món ăn tiêu biểu của ba miền và tổ chức liên hoan "100 món ẩm thực đặc sắc Việt Nam"; dự án "thực đơn thuần Việt đẳng cấp quốc tế" và cuối cùng là bản đồ ẩm thực Việt Nam, bảo tàng 3D ẩm thực Việt Nam, số hóa dữ liệu tổng tập văn hóa ẩm thực món ăn Việt Nam với 1.000 món ăn tiêu biểu.

Bánh bò tinh tế.
Bánh bò tinh tế

Bà Huỳnh Thị Đoan Thùy (giám đốc điều hành đề án) cho biết việc lưu trữ dữ liệu nền văn hóa ẩm thực ngàn năm của Việt Nam là trăn trở từ rất lâu của những nghệ nhân, những người làm trong mảng ẩm thực, du lịch. Cũng theo bà, song song câu chuyện nâng tầm ẩm thực Việt thành thương hiệu quốc gia, "số hóa" ẩm thực Việt thì đề án còn hướng đến việc giúp mọi người nhận thức được ba lợi ích dài hạn rất quan trọng xoay quanh câu chuyện trên, gồm: khoa học dinh dưỡng, kinh tế ẩm thực và văn hóa ẩm thực.

"Trong văn hóa ẩm thực Việt, có rất nhiều món ăn được đánh giá là ngon, lành mạnh, nhưng tại sao mỗi vùng miền lại có cách kết hợp nguyên vật liệu khác nhau, giá trị dinh dưỡng... thì không ai biết cũng không ai xác nhận. Vì thế, đề án lần này, chú trọng vào khoa học dinh dưỡng để từ đó phần nào quảng bá văn hóa ẩm thực Việt",  ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực nhận định.

Hiện VCCA đã hợp tác với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhằm góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế địa phương, hiện thực hóa vấn đề trên. "Đề án gặp rất nhiều thử thách nhưng chúng tôi quyết tâm sẽ thực hiện hiệu quả, "số hóa" thành công với thông điệp xuyên suốt là tôn vinh quá khứ, kiến tạo tương lai", ông Quốc Kỳ chia sẻ.

An Huỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI