Phẫn nộ câu chuyện nhặt được của rơi tìm người trả lại riêng tiền đút túi

13/06/2016 - 06:27

PNO - Nhặt được túi trong đó có tiền, giấy tờ, điện thoại của cô gái Hà Nội, một người đàn ông lớn tuổi đã “mặc cả” với chủ nhân chiếc túi sẽ chỉ trả lại giấy tờ, điện thoại và lấy hơn 10 triệu đồng có trong ví.

Ngày 11/6, câu chuyện 1 người nhặt được túi trong đó có giấy tờ, tiền bạc cùng chiếc điện thoại của chị Kim Kim (sinh năm 1988, hiện là giảng viên Đai học Kinh doanh và Công Nghệ) được đăng tải lên một fanpage đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Bởi sau khi nhặt được đồ, người này đã đồng ý trả lại túi cho chị với điều kiện chị phải để lại toàn bộ số tiền cho ông ta. Điều đáng nói ở đây là, số tiền đó không hề nhỏ, hơn 10 triệu đồng.

Phan no cau chuyen nhat duoc cua roi tim nguoi tra lai rieng tien dut tui

Chị Kim chia sẻ câu chuyện của mình trên mạng xã hội

Theo lời chị Kim, khoảng 12h30 trưa ngày 11/6, chị chở con gái đi học tiếng Anh từ Tây Sơn về KĐT Văn Khê. Trời nắng, bé ngủ gật nên chị phải giữ bé (mặc dù vẫn đeo đai quấn giữa mẹ và con). Khi gần đi đến Ngã tư Vạn Phúc, chị nghe thấy người đi đường gọi to “Chị ơi, chị vừa rơi túi”. Chị vội vàng quay xe lại để tìm (đường ngược chiều), tuy nhiên chỉ trong vòng chưa đầy 3 phút chiếc túi đã “không cánh mà bay”. Trong túi bao gồm một chiếc điện thoại, giấy tờ tùy thân, một số vật dụng cá nhân và hơn 10 triệu đồng mà theo lời chị nói đó là toàn bộ số lương mà chị nhận được ngày thứ 7.

Lấy điện thoại gọi vào số máy của mình, chị nhận được trả lời từ một giọng nói đàn ông, lớn tuổi. Người đàn ông nghe máy và nói “bác nhặt được túi của cháu, bác cho cháu chuộc nhưng toàn bộ tiền trong ví cho bác xin”. Đang trong cơn bấn loạn, chị lập tức trả lời “vâng ạ”. Người đàn ông hẹn chị tại mọt quán nước ngay đối diện  khu đô thị The Pride, dưới cổng Nam Cường (đường Tố Hữu, Hà Đông, HN). Lật đật chạy ra chỗ hẹn một mình, cảnh tượng đầu tiên chị thấy là rất đông thanh niên đang ngồi ở đó (khoảng 7,8 người). Sau khi xác nhân đúng chủ nhân của chiếc túi, người đàn ông rút ví ra, lấy toàn bộ tiền trong ví kể cả tờ 500 đồng, 200 đồng.

Biết đó là sơ xuất của bản thân nhưng lấy hết hơn 10 triệu đồng là quá nhiều, chị khóc lóc, xin xỏ mong người đàn ông thương tình. Cuối cùng người đàn ông rút ra đưa cho chị 2 triệu. Ông ta nói lớn: “Đừng có khóc lóc gì ở đây, tao nhặt được, tao trả lại giấy tờ cho là may rồi. Tao thấy giấy tờ của mày phát ngốt nên tao trả. Điện thoại của mày tao ko biết nghe như thế nào nên phải nhờ đứa sinh viên nghe hộ. Tao lao động kiếm tiền cũng vất vả lắm. Tiền này cho tao xin...”. Nói đoạn, ông này rút trong sấp tiền 200 nghìn đồng đưa cho bà bán nước và mỗi người thanh niên ngồi đó 200 ngàn đồng.

Phan no cau chuyen nhat duoc cua roi tim nguoi tra lai rieng tien dut tui
Chị Kim Kim. Ảnh facebook nhân vật

Sau khi câu chuyện này được đăng tải lên mạng, cư dân mạng đã nhanh chóng chia sẻ bình luận, thể hiện sự bức xúc trước thái độ của người nhặt đồ. Rất nhiều người cảm thấy thất vọng về tình người trong cuộc sống hiện tại.

Tuy nhiên, chuyện gia tâm lý Nguyễn An Chất cho rằng, đây chỉ là môt bộ phận nhỏ “con sâu đang làm rầu nồi canh”. Xã hội phải có người xấu, người tốt và đang còn rất nhiều người tốt ngoài kia. Đừng vì một sự việc nào đó mà quy chụp cả xã hội.

Đồng thời, ông cũng thẳn thắn cho rằng mỗi người trong câu chuyện đều đã nhìn nhận vấn đề một cách sai lầm. Trước tiên phải khẳng định, người đàn ông nhặt được chiếc túi đã quá tham lam. Ông ta nhận thứ không phải của mình làm vật sự hữu riêng để mặc sức bố thí và ban phát. Hành động nhặt được của rơi và đòi tiền chuộc của người đàn ông là một hạnh động trái với quy định của pháp luật. Có thể người đàn ông đã nhầm lẫn giữa “công và tội”. Người đàn ông nghĩ rằng, bản thân là người nhặt được chiếc túi, ông ta có quyền được trả ơn. Tuy nhiên, hành động đòi hỏi mang tính cưỡng ép trên là hoàn toàn đi quá giới hạn.

Hơn nữa, ông ta lấy quyền gì để lấy tiền của chủ nhân chiếc túi ban phát cho những người xung quanh. Bản thân họ cũng đã mắc sai lầm về nhận thức. Những người đó không biết rằng, hành động của họ là hành động cổ súy, tiếp tay cho cái ác. Đơn giản, nếu xét trên phương diện giữa người với người,  họ đang thể hiện sự vô cảm với chính người mất và ngay cả với bản thân họ. Nói theo cách phổ thông, những người này đã trắng trợn “ăn trên xương máu của người khác”.

Để xảy ra chuyện này, bản thân chủ nhân chiếc túi cũng vấp phải những sai lầm cơ bản. Thứ nhất, việc để mất túi của mình đã là một sai sót. Thứ 2, cô gái không có những hiểu biết pháp luật nhất định để đưa ra cách xử lý khôn ngoan, phù hợp. Tại sao lại phải xin xỏ thứ vốn dĩ thuộc về mình, trong khi với hành động của người đàn ông cô có thể báo công an bắt ông ta về tội cố ý chiếm đoạt tài sản. Thứ 3, điều quan trọng nhất là cô gái đã không giữ vững được tâm lý của mình để bản thân trở nên hoảng loạn nên mới dễ dàng bị “dắt mũi”.

Theo quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự, hành vi nhặt được số tiền lớn mà không trả lại cho chủ sở hữu là phạm tội quy định trong Bộ luật Hình sự: Tội chiếm giữ trái phép tài sản. Điều luật nói trên quy định như sau:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng trở lên hoặc cổ vật, vật có giá trị lịch sử, văn hóa có giá trị đặc biệt, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Trong trường hợp nếu người mất đã trình báo cơ quan Công an và thông báo rộng rãi về việc bị mất tiền, người nhặt được biết mà cố ý giữ lại không hoàn trả cho người mất thì khi bị phát hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội chiếm giữ trái phép tài sản”.

Tăng Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI