Phân loại rác ở trường học: khó nhưng phải làm

08/11/2017 - 10:52

PNO - Để làm được, không chỉ cần nỗ lực riêng từ phía nhà trường, mà phải có sự chung tay của hệ thống thu gom rác địa phương và các đơn vị xử lý, tái chế chất thải.

Chương trình phân loại rác tại nguồn (PLRTN) đang được Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM phối hợp với các địa phương triển khai tại nhiều trường học. Đây là một việc không đơn giản vì không chỉ cần ý thức của học sinh (HS) và nhà trường, mà cần cả một hệ thống vận hành nhịp nhàng từ khâu phân loại đến thu gom, xử lý. 

Phan loai rac o truong hoc: kho nhung phai lam
Các bạn nhỏ trong đội học sinh bảo vệ môi trường của Trường tiểu học Cổ Loa xử lý rác thải trong giờ ra chơi ngày 19/10 - Ảnh: Hạnh Chi

Cả học sinh và nhà trường đều hào hứng

Trưa 19/10, chúng tôi đến Trường tiểu học (TH) Cổ Loa (Q.Phú Nhuận) đúng lúc chấm dứt giờ ra chơi. Hàng trăm HS đang vội xếp hàng vào lớp. Bất ngờ, cô bé Trần Ngọc Thủy Tiên, lớp 5/5, rời khỏi hàng, cúi nhặt chiếc vỏ hộp sữa gần thùng rác ở góc sân trường, ép cho chiếc hộp dẹp xuống rồi mới bỏ vào thùng đựng rác.

Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, cô bé cười, chỉ vào chiếc băng đeo trên tay, tự hào: “Con là thành viên đội bảo vệ môi trường!”. Cô Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng trường, giải thích: “Đã ba năm kể từ khi chúng tôi bắt đầu tập cho HS biết phân loại rác tại nguồn, các em không chỉ tự giác vệ sinh chỗ ngồi, lớp học, mà còn nhặt và bỏ rác đúng nơi, đúng thùng rác quy định”.

Cổ Loa là một trong 3 trường ở Q.Phú Nhuận (gồm TH Cổ Loa, TH Hồng Hà và THPT Hồng Hà) được chọn làm điểm để triển khai chương trình PLRTN trong trường học giai đoạn 2017-2020, do Sở GD-ĐT phát động ngày 16/8.

Theo cô Lan Hương, từ năm 2015 trường đã tham gia chương trình Truyền thông học đường về bảo vệ môi trường, nên HS cũng hiểu rõ lợi ích của việc PLRTN, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn giúp tiết kiệm chi phí vì rác được bán ve chai, tái chế để làm những vật dụng hữu ích. Chúng tôi không chỉ phát động trong trường mà còn vận động phụ huynh nhắc nhở con em mình thói quen tốt đẹp này mỗi ngày. Tiền thu được từ việc bán ve chai, rác thải sẽ sung vào quỹ học bổng cho HS khó khăn; mua sữa, kẹo, thước, bút, vở… làm quà cho HS tham gia tích cực vào phong trào PLRTN.

Mới dịp tết Trung thu này, quỹ học bổng từ rác thải, tái chế của trường đã trao 10 suất học bổng, trị giá 200.000 đồng/suất cho HS khó khăn. Tương tự, nhiều năm qua Trường TH Hồ Văn Huê (Q.Phú Nhuận) đã duy trì tổ chức các buổi hội thu kế hoạch nhỏ từ rác thải, lấy kinh phí khen thưởng, khích lệ HS.

Trường còn tổ chức không ít hội thi sáng tạo, làm đồ dùng học tập, đồ chơi, mô hình từ rác thải sinh hoạt cho giáo viên và HS, để tuyên truyền về hiệu quả của việc phân loại rác - không chỉ làm sạch môi trường mà còn giúp tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên… nhắc nhở nâng cao ý thức của HS bằng việc đặt nhiều thùng rác cạnh những gốc cây trong sân trường, trên thùng rác ghi rõ ràng: rác vô cơ, hữu cơ, rác thải rắn tái chế được…phải phối hợp đồng bộ 

Thực tế, việc tuyên truyền về lợi ích của PLRTN cho HS đã được tổ chức thường xuyên từ nhiều năm qua, bằng các hoạt động Ngày hội bảo vệ môi trường, Ngày hội tái chế… Tuy nhiên, những hoạt động này chỉ mang tính bề nổi, trong một thời gian ngắn rồi ngưng. Hoạt động này, muốn đạt được hiệu quả, cần sự vận hành đồng bộ của cả một dây chuyền, từ thu gom phân loại đến xử lý sau phân loại. Để làm được như thế, không chỉ cần nỗ lực riêng từ phía nhà trường, mà phải có sự chung tay của hệ thống thu gom rác địa phương và các đơn vị xử lý, tái chế chất thải. 

Cô Trương Thị Mỹ Lai, Phó hiệu trưởng Trường THPT Hồng Hà cho biết, tháng 8/2017, trường mới có thông tin về việc tham gia thực hiện thí điểm kế hoạch này của sở và Phòng GD-ĐT Q.Phú Nhuận, được tập huấn xong là trường triển khai ngay. Tuy nhiên, sau 2 tháng thực hiện, trường gặp khá nhiều lúng túng, nhất là với HS, vì muốn tác động đến nhận thức, giúp các em hình thành thói quen mới, cần có thời gian và giáo viên phải nêu gương.

Giải pháp trước mắt của trường là lồng ghép việc triển khai kế hoạch này vào những buổi sinh hoạt ngoại khóa, sinh hoạt chủ nhiệm và mô hình Một ngày làm nông dân tại trang trại của trường (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ông Trương Quốc Hưng, Hiệu trưởng Trường TH Hồ Văn Huê, nhấn mạnh: “Số lượng HS TH rất lớn nên dù khó cũng phải kiên trì vun đắp ý thức bảo vệ môi trường cho các em. Làm được điều đó, tôi tin tương lai chúng ta sẽ có được một thế hệ biết yêu môi trường”.

Là một trong những đơn vị kết hợp với Quận đoàn Phú Nhuận đến từng trường tuyên truyền và hướng dẫn HS PLRTN, đại diện Công ty TMHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM cho rằng: “Thực tế cho thấy, HS các quận trung tâm TP khá am hiểu về ích lợi cũng như việc thực hành PLRTN, nhưng cả các em và thầy cô đều băn khoăn vì hiệu quả không rõ ràng, cụ thề nhất là rác thải sau phân loại vẫn đổ dồn chung vào xe thu gom rác. Tại phần lớn các quận huyện, hệ thống thu gom rác chủ yếu do lực lượng dân lập thực hiện, nên càng khó có điều kiện và khó kiểm soát việc phân loại rác.

Để việc PLRTN ở các trường thực sự hiệu quả, trước mắt cần triển khai thí điểm tại một vài trường khu vực trung tâm TP, có sự chung tay của địa phương, từ khâu tổ chức thu gom đến xử lý rác thải, qua đó dần chứng minh cụ thể hiệu quả của việc làm này, để các trường và các em tích cực tham gia.

Đồng thời, TP cần đẩy mạnh các giải pháp, kêu gọi các nhà đầu tư xử lý, tái chế chất thải vô cơ. Khi nhà nước, cộng đồng và các doanh nghiệp chuyên xử lý chất thải cùng tham gia, công việc này chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả như mong muốn. 

Hạnh Chi - Thu Hồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI