Phải ưu tiên đất đai, kinh phí xây trường

15/01/2024 - 06:39

PNO - Theo điều lệ trường tiểu học, quy mô mỗi trường không quá 30 lớp, mỗi lớp không quá 35 học sinh. Thế nhưng, ở TPHCM, không ít trường tiểu học có đến 90 lớp, 100 lớp với 4.000-5.000 học sinh, có lớp trên dưới 60 học sinh chen chúc.

Trong hoàn cảnh như vậy, nhà trường, giáo viên khó mà đảm bảo các hoạt động giảng dạy đa dạng, trải nghiệm, phát huy năng lực của người học theo yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tình trạng quá tải học sinh tồn tại từ nhiều năm nay ở các thành phố lớn, bởi chưa năm nào, tốc độ xây trường bắt kịp tốc độ tăng sĩ số học trò. Năm học 2021-2022, TPHCM tăng 31.000 học sinh nhưng chỉ tăng thêm 525 phòng học; năm học 2022-2023, tăng 22.000 học sinh nhưng cũng chỉ tăng 356 phòng; năm học 2023-2024 tăng hơn 35.000 học sinh, chỉ tăng 371 phòng. Sự quá tải dồn từ năm này sang năm khác gây vô số áp lực, khó khăn cho lãnh đạo nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Do thiếu phòng học, năm học 2022-2023, trong nhiều tháng trời, hàng chục học sinh của một trường THCS ở quận 7 phải học trong căn phòng tạm bợ bằng ván ép, không cửa, ngay gần cống thoát nước hôi nồng nặc. Do thiếu phòng học, nhiều trường tiểu học đang phải tổ chức cho học sinh học bù cả ngày thứ Bảy mới kịp chương trình. Cũng do thiếu phòng học, học sinh trường này phải đi “học nhờ” ở trường khác, phải học xa nhà, trái tuyến. 

Rất nhiều trường đang phải gói ghém, vận dụng đủ cách để trò bắt kịp chương trình giáo dục ngày càng đa dạng, yêu cầu về chất lượng ngày càng cao trong hoàn cảnh phòng ốc thiếu thốn. 
Trong kỳ họp thứ mười, HĐND TPHCM khóa X vào tháng 7/2023, đại biểu Nguyễn Tấn Phát - Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM - cho rằng, UBND TPHCM đã trình nhiều chính sách liên quan đến giáo dục nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Sau kỳ thi lớp Mười, hơn 18.000 học sinh ở TPHCM không được học trường công lập do không đủ trường. Ông nhận xét, kỳ thi tuyển sinh đầu cấp đang hà khắc hơn cả thi vào đại học, khiến những đứa trẻ ở tuổi 15, 16 phải rơi nước mắt, cho thấy chính sách giáo dục phổ thông có vấn đề. Theo ông, chính quyền TPHCM cần có chiến lược để có đủ trường phổ thông cho các cấp.

Trước thềm năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cũng nhìn nhận, mỗi năm, mỗi cấp học tăng 10.000-15.000 học sinh nên nếu không có kế hoạch, vài năm nữa, TPHCM sẽ “vỡ trận” trong tuyển sinh đầu cấp.

Mục tiêu xuyên suốt của ngành giáo dục TPHCM thời gian qua là “mọi trẻ em phải được đến trường”, “TPHCM luôn đảm bảo đủ chỗ cho học sinh”. Để thực hiện mục tiêu này một cách có thực chất, chính quyền thành phố cần chủ động và quyết liệt hơn về mặt quy hoạch, xây dựng trường, lớp; phải rốt ráo gỡ vướng cho các dự án xây trường như đã và đang làm với các công trình hạ tầng trọng điểm của thành phố.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn từng ngậm ngùi: “Chúng ta đặt kỳ vọng chương trình giáo dục phổ thông mới giải quyết được mọi thứ, trong khi chúng ta thiếu mọi thứ”. 
Rõ ràng, muốn nâng cao chất lượng giáo dục, phải bắt đầu bằng việc quyết liệt quy hoạch, ưu tiên đất cho giáo dục, ưu tiên ngân sách xây trường. Chỉ ở trong những ngôi trường khang trang, lớp học rộng rãi với sĩ số chuẩn, thầy và trò mới có thể dạy và học đạt chất lượng cao nhất.  

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI