TPHCM rốt ráo gỡ khó cho các dự án xây trường học

03/03/2023 - 06:20

PNO - Ngày 2/3, UBND TPHCM tổ chức hội nghị về thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học trên 10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025. Tại đây, lãnh đạo các quận huyện đã chia sẻ nhiều vướng mắc, khó khăn trong thực tế triển khai các dự án xây dựng trường lớp ở địa phương.

 

Lớp 2/1 của Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) có sĩ số 58 học sinh, cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn  35 học sinh - ẢNH: P.T
Lớp 2/1 của Trường tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12) có sĩ số 58 học sinh, cao hơn nhiều so với sĩ số chuẩn 35 học sinh - Ảnh: P.T

Trường sắp sập nhưng… thủ tục chưa xong

Ông Võ Thanh Dũng - Phó chủ tịch UBND quận 4 - cho hay có dự án xây trường đã quy hoạch nhưng do vướng công trình hạ tầng cấp thiết của thành phố nên phải di dời. Tuy vậy, khi tìm vị trí đất khác để xây trường thì lại vướng thời gian điều chỉnh quy hoạch kéo dài. Một bất cập khác là hiện nay quy hoạch số lượng trường, số lượng phòng học theo địa giới từng phường.

Trong khi quận 4 diện tích nhỏ mà có đến 13 phường, giữa trường này và trường kia rất gần nhau, nếu điều chỉnh quy hoạch thì nhiều khi lấn ranh sang phường khác. Do đó, cần có sự phối hợp, điều chỉnh quy hoạch phù hợp thực tế từng quận.

Theo ông, không chỉ thủ tục đầu tư xây dựng phức tạp mà việc phân bổ vốn cũng rất chậm. Năm nay là năm bản lề của nhiệm kỳ nhưng quận vẫn chưa được cấp vốn cho các dự án xây trường. Thậm chí có trường sắp sập, quận đã báo cáo bằng văn bản và gửi cả hình ảnh nhưng chờ mãi, trường học phải tạm di dời sang nơi khác mà vẫn chưa xong thủ tục, chưa được cấp vốn.

Tại quận 12, tình trạng thiếu trường lớp cũng rất nan giải vì có những lớp sĩ số lên đến trên 60 học sinh. Bà Võ Thị Chính - Phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết tốc độ tăng dân số cơ học tại quận rất cao, mỗi năm tăng hơn 4.000 trẻ lớp Một. Dự kiến đến năm 2025, số học sinh trong độ tuổi đi học của quận gần 133.000 người, như vậy phải tăng 1.700 phòng học nữa.

Bà Võ Thị Chính khẳng định không thể xây dựng chừng này phòng học trong 1 nhiệm kỳ. Quận hiện đang triển khai 23 dự án với 591 phòng. Nếu xây được hết số này cũng chỉ đạt 240 phòng học/10.000 dân. Song, hiện các quy định mới về đầu tư công rất phức tạp nên có khả năng mục tiêu 240 phòng khó đạt được.

“Vừa qua quận đề xuất ghi vốn xây 37 trường nhưng chỉ được 5 trường. Thế nhưng, cả 5 trường được duyệt thì đến nay vẫn chưa được cấp vốn. Chúng tôi cũng đã rà soát quỹ đất, đề xuất thu hồi 14 khu đất do các công ty nhà nước bỏ hoang nhưng kiến nghị nhiều năm nay chưa được. Có khu đất bỏ hoang, chỉ trồng mấy cây sả nhưng đề xuất thu hồi nhiều năm không xong” - lãnh đạo quận 12 nói.

Một vướng mắc khác, theo bà Đào Thị My Thư - Phó chủ tịch UBND quận Gò Vấp - là khâu giải phóng mặt bằng. Hiện nay, các dự án xây trên đất phải thu hồi từ người dân rất khó thỏa thuận giá cả bồi thường vì đất đô thị nhưng lại áp giá theo đất nông nghiệp.

Chẳng hạn, trên địa bàn phường 9 hiện chưa có cả trường tiểu học lẫn THCS, trong khi cả hai dự án trường đã quy hoạch nhưng “treo” mãi vì người dân không đồng thuận giá bồi thường. Bà Đào Thị My Thư đề xuất thành phố xem xét ban hành giá bồi thường ở mức phù hợp hoặc điều chỉnh giữ lại một phần đất dự án để bố trí tái định cư cho người dân.

Cần sửa nhiều quy định không phù hợp thực tế  

Là một trong những quận đã đạt tỉ lệ 300 phòng học/10.000 dân, song bà Nguyễn Thị Bé Ngoan - Phó chủ tịch UBND quận 7 - thừa nhận quận đứng trước nguy cơ khó duy trì chỉ tiêu này. Với tốc độ tăng dân số cơ học hiện nay, đến năm 2025 quận cần thêm 337 phòng, nhưng chỉ được duyệt 103 phòng.

Để có thể xây dựng số còn lại, quận cố gắng bằng nhiều giải pháp, trong đó có xin đề án thí điểm, đẩy mạnh xã hội hóa. Nếu được tháo gỡ các khó khăn trong xã hội hóa thì đến năm 2026 được thêm 167 phòng học nữa. Bà kiến nghị các sở ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc trong đầu tư công, đặc biệt là việc cho vay kích cầu.

Bà Mai Thị Hồng Hoa - Phó chủ tịch UBND quận 1 - thì cho biết quận không lo về chỉ tiêu phòng học, hiện đã đạt 567,9 phòng học/10.000 dân và nhu cầu đến năm 2025 chỉ cần thêm 33 phòng. Tuy vậy, đặc thù là nhiều trường ở quận 1 dạng nhà phố cũ, biệt thự, xây dựng từ trước giải phóng.

Do đó, về số trường, số phòng học thì đạt nhưng diện tích bình quân trên đầu học sinh thấp hơn quy chuẩn rất nhiều. Tuy vậy, việc mở rộng, xây mới các trường gặp nhiều khó khăn vì thiếu quỹ đất, bị khống chế tầng cao. Chưa kể, khi xây mới trường phải đảm bảo các chỉ tiêu theo quy định mới và số phòng học lại bị giảm.

Khi quận tìm giải pháp, chẳng hạn như mua lại đất của các hộ nhà dân liền kề để có thể mở rộng trường thì cũng gặp vướng mắc. Chẳng hạn, trước đây khi liên hệ mua lại nhà dân để mở rộng Trường THCS Văn Lang. Người dân đã đồng ý nhưng sau đó thủ tục chuyển đổi quá nhiêu khê, kéo dài, họ đổi ý không bán nữa.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Huỳnh Lê Vân Trà - đại diện Sở Xây dựng - cho hay thời gian qua sở chưa nhận được hồ sơ duyệt xây mới trường học nào mà chủ yếu là hồ sơ điều chỉnh kéo dài dự án. Trong đó có những quận như Bình Tân phải điều chỉnh nhiều dự án do vướng mặt bằng, có dự án vốn tăng gấp đôi.

Ở quận Gò Vấp có trường đã xuống cấp nhưng chỉ muốn sửa chữa, vì nếu xây mới theo quy chuẩn mới thì số phòng học giảm xuống nhiều, quận không biết bố trí học sinh đi đâu.

Trước đây, quy định diện tích trên đầu học sinh tùy thuộc vào khu vực nội thành, vùng ven, ngoại thành. Nhưng nay áp chỉ tiêu cả nước như nhau gây khó khăn cho các địa phương với từng đặc thù khác nhau. Do đó, kiến nghị UBND thành phố sớm báo cáo trung ương có điều chỉnh lại cho phù hợp với từng khu vực, nếu giữ nguyên chỉ tiêu diện tích trên mỗi học sinh như hiện nay (từ 8 - 10m2/học sinh - PV) thì gần như không có dự án nào đạt. 

Để tháo gỡ khó khăn về diện tích trường lớp, ông Phan Ngọc Phúc - Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc - đồng tình đối với đề xuất xây trường học cao tầng. Trong đó, các trường có thể bố trí 3 tầng phục vụ dạy học, còn các tầng trên để phục vụ hành chính. Khi điều chỉnh các dự án thì khuyến khích điều chỉnh tăng tầng cao để tăng diện tích sử dụng, còn diện tích mặt đất để bố trí sân chơi cho học sinh.

Với việc xã hội hóa giáo dục, hiện có vướng mắc là trường mầm non tư thục thuê đất của dân 5-10 năm, theo quy định vẫn phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy vậy, người cho thuê không chịu điều chỉnh quy hoạch thành đất giáo dục. Do đó, để thu hút nguồn vốn xã hội hóa, kiến nghị giải quyết cho phép xây trường trong thời gian ngắn hạn, miễn là đáp ứng các quy định về an toàn, phòng cháy chữa cháy. 

Cần hơn 7.700 phòng học, chỉ thêm được khoảng 1.700 phòng

Ông Lê Hoài Nam - Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - cho hay, tính đến tháng 12/2022, chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học đã đạt 294 phòng/10.000. Trong đó, đã có 12/22 quận, huyện và TP Thủ Đức đạt chỉ tiêu.

Theo kế hoạch đến năm 2025 dự kiến còn 3 quận vẫn chưa đạt chỉ tiêu gồm: quận 4 (chỉ đạt 289/10.000), quận 12 (240/10.000) và quận Gò Vấp (220/10.000). Tỉ lệ thực hiện chỉ tiêu đạt 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học không đồng đều giữa các cấp học, tỉ lệ thực hiện cấp tiểu học và THCS đạt thấp.

Tổng số phòng học của TPHCM hiện có năm 2022 là 51.156 phòng. Với dự kiến dân số độ tuổi đi học năm 2025 hơn 1,9 triệu người thì tổng số phòng học cần có vào năm 2025 là 57.312. Như vậy, nhu cầu phòng học cần bổ sung giai đoạn 2023-2025 là 7.714 phòng học. Tuy vậy, dự kiến đến 2025-2026 chỉ đưa vào sử dụng được 118 dự án, tăng thêm được 1.750 phòng.

Mục tiêu tưởng gần nhưng rất xa
Ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TPHCM - nhìn nhận, so với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân thì thành phố chỉ thiếu 6 phòng học. Tuy vậy, mục tiêu này nghe thì gần nhưng thực ra rất xa. Bởi thực tế phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các cấp học.

Theo ông, nếu không nghiêm túc, quyết liệt thực hiện thì bên cạnh việc không đạt chỉ tiêu, vấn đề lớn nhất là không hoàn thành trách nhiệm với người dân, trách nhiệm đảm bảo điều kiện tối thiểu cho con em của thành phố được đi học trong điều kiện tương đối. 

Phó chủ tịch UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, các sở ngành phải tổng rà soát nguồn lực và đưa ra những giải pháp quyết liệt, đeo bám để đạt được chỉ tiêu ở mức tốt nhất. Chẳng hạn, một trong những giải pháp để tăng diện tích phòng học là có thể xin nâng tầng cao. Quan trọng nhất, thành phố phải thực hiện bài toán quy hoạch đất lâu dài cho ngành giáo dục một cách nghiêm túc.

Trong đó, rà soát những nơi đã quy hoạch đất giáo dục xem đã thực hiện đúng mục đích chưa, rà soát những nơi còn sử dụng lãng phí để ưu tiên dành đất cho giáo dục.

Minh Linh

 

 

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEtuyensinhvi /strCate=tuyensinh

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsukienvandevi /strCate=sukienvande
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEgiaoducvi /strCate=giaoduc