PNO - Bạn tôi, họa sĩ Hoàng A Sáng nói đại ý: Phàm đã sinh ra ở Pác Thay, đàn ông chỉ có thể trở thành hai kiểu người, hoặc là con nghiện, hoặc là nhà thơ. Vì câu nói đầy tính “khiêu khích” ấy, mà tôi nhất định phải vào Pác Thay cho bằng được.
Được sinh ra ở vùng Tày, lớn lên trong một ngôi làng Tày và văn hóa Tày, từ bé, tôi đã quen với nếp sống ở thung lũng, gần sông suối, canh tác trên ruộng lúa nước, chăn nuôi gia súc gia cầm.
Nhưng Tày Pác Thay ở xã Ngọc Khê, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng không như thế; họ cũng làm nhà sàn và nuôi gia súc dưới gầm sàn, người sống ở trên, mái nhà lợp ngói âm dương, nhưng những ngôi nhà lại được xây bằng đá.
Đến Pác Thay, vẫn còn đầy những ngôi nhà xây bằng đá hàng trăm tuổi với những bậc đá mòn nhẵn vì vết chân người.
Đang mùa gặt, nên lúa chín vàng khắp các thửa ruộng. Người ta mang cót ra trải trên mặt ruộng, gặt xong, tuốt xong thì phơi luôn tại đấy. Ngẩn người ngắm những cuộn cót được dựng giữa ruộng lúa đang gặt dở ở Pác Thay, ngay lập tức, tôi nhớ tới chùm đá vùng thượng cổ Stonehenge (Anh) được UNESCO công nhận là Di sản thế giới vào năm 1986. Thế mà hôm nay, tôi “nhìn” thấy chúng ở đây.
Đầu làng có một cây cầu, cuối làng cũng có một cây cầu. Nghe nói cầu xuống cấp, có người đi qua bị ngã xuống sông nên từ đó, trên cây cầu treo mảnh dẻ tuyệt đẹp cuối làng, người ta chất đầy thân cây lên một phía đầu cầu, không cho người dân qua lại nữa. Dân Pác Thay qua sông bằng một cái đập tràn. Mà lãng mạn ở chỗ, dù cây cầu không đi lại được nữa, nhưng nó vẫn được giữ nguyên.
Theo tục lệ người Tày, đầu làng thường trồng một cây đa, cuối làng lại trồng một cây gạo. Mắt tôi dán ngay vào hình ảnh một ngôi nhà có mái với đủ thứ sắc màu đang khóa then cài dưới gốc cây gạo. Có lẽ, nhà bị dột, gia chủ chưa có tiền thay ngói mới nên mới có sự chắp vá như vậy. Có điều, nhìn từ xa, ngôi nhà nằm ngoan dưới núi rừng xanh mướt, giống như một nét phác thảo tài hoa, thơ mộng, và đầy cảm hứng của một ông họa sĩ nào đó. Và chỉ có ở Pác Thay.
Giống như tất thảy những thứ đẹp đẽ trên đời, tôi tin, Pác Thay cũng có một truyền thuyết về sự ra đời của ngôi làng. Tôi cứ giả dụ vậy, rằng xưa kia, vì mải yêu đương mà một nàng tiên đã bị giáng xuống Pác Thay như một sự trừng phạt. Nàng vừa giỏi thêu thùa may vá, vừa hát hay đàn tính giỏi, vừa chăm chỉ đảm đang cày bừa cấy hái… Chỉ một nàng tiên lộng lẫy với tâm hồn đẹp tựa ánh trăng mới có thể tạo dựng nên một Pác Thay mơ màng như không có thật thế này.
Sáng sớm, nắng vừa lên, xuyên qua những dải nước trong trẻo chảy từ những cái máng nhỏ trên cọn nước tròn xoe đổ vào mương. Nhưng giờ đang mùa gặt, chẳng ai muốn đưa nước vào ruộng, nên người ta chặn mương lại. Cái cọn cứ kẽo kẹt quay, nước cứ được cuốn lên, đổ vào mương, rồi lại chảy ra sông. Có lẽ, những cái cọn sẽ thật buồn nếu một lúc nào đó, chúng không được quay cuộc đời ướt sũng của mình. Những cái cọn mọc đầy hai bên bờ, đưa nước vào những thửa ruộng.
Ruộng cao hay thấp thì người ta đều có cách để đưa đủ nước vào tưới tắm cho những gốc mạ. Thú vị ở chỗ, vốn dĩ xưa kia nó được làm bằng tre, gỗ; thì bây giờ toàn bộ phần khung được làm bằng sắt. Nghe nói, có một tổ chức của Đức tài trợ toàn bộ khung sắt cho cả Pác Thay dựng cọn, vì muốn người dân ở đây không dùng đến cây rừng nữa. “Hãy giữ lấy những cánh rừng của các bạn, giữ lấy màu xanh cho chúng”, họ nói vậy.
Lại nói đến những cánh rừng. Khi tôi tìm hiểu về Pác Thay, mới hay, ở vùng giáp biên này, có loài vượn Cao Vít vô cùng quý giá. Tới mức suốt 43 năm không được ghi nhận nên đã bị coi là tuyệt chủng trên khắp địa cầu, thì thình lình một ngày, cả nhân loại sửng sốt vì phát hiện ra chúng đang có mặt ở… hai xã Ngọc Khê (trong đó bao gồm Pác Thay), Phong Nậm của huyện Trùng Khánh, vào năm 2002. Nghĩa là, ở trên những ngọn núi cao vút kia, đứng ở cuối bản Pác Thay nhìn lên phải ngửa mặt, đi xuyên rừng vài ba ngày, các nhà cứu hộ động vật hoang dã có thể nghe được tiếng những con vượn Cao Vít cất tiếng hú.
Người ta đã thống kê có khoảng 20 đàn vượn Cao Vít sống ở những cánh rừng Việt Nam và ở rừng quốc gia láng giềng; một trong số ít chúng không rõ “hộ khẩu”. Chúng là giống loài tự do, cứ nhảy nhót qua lại hai bên biên giới, không cần hộ chiếu, cũng chẳng cần visa.
Nhưng Pác Thay quyến rũ như thế, lại là nơi có rất nhiều… con nghiện thì thật khó hiểu. Tôi bước chân vào một ngôi nhà cổ bằng đá. Hẳn đã rất nhiều thế hệ sinh ra, lớn lên, và qua đời ở đây. Những bậc đá mòn nhẵn, sàn nhà bằng gỗ, căn nhà tối om. Cả họ đã nhường cho gia đình một cậu thanh niên hàng cháu ở, nhưng cậu này nghiện ma túy nhiều năm. Không làm nổi việc gì, nhà có gì đáng giá cũng mang đi bán. Vợ con khóc lóc van xin thế nào cậu cũng không thể từ bỏ được.
Tôi cất tiếng gọi, không có ai trả lời. Cậu trốn trong một căn buồng rất tối và bừa bộn nào đấy. Nhưng khi tôi vừa đi được một đoạn, hai cánh cửa sau lưng đã lặng lẽ khép lại. Không muốn tiếp khách, người lạ lại càng không. Cuộc đời buồn cứ thế trôi đi, thảng hoặc kiếm được món gì mang bán thì nàng tiên nâu lại cho thăng hoa dăm ba phút.
Người nghiện ở Pác Thay đông đến mức, cái làng nhỏ xíu như thế, chẳng biết có bao nhiêu hộ gia đình, mà cuối làng có hẳn một cái… trung tâm cai nghiện. Tất nhiên, người ta cũng xây một trung tâm cai nghiện không phải cho mỗi Pác Thay, mà cả nhiều xã khác thuộc Trùng Khánh.
Bên ngoài trung tâm cai nghiện là những thửa ruộng bỏ hoang. Cỏ mọc ngang thắt lưng, đang trổ những bông hoa đỏ như huyết dụ. Sương sớm đậu trên hoa lấp lánh như ngọc.
Trong cái buồn thẳm sâu, kỳ lạ thay, đôi khi lại phảng phất một vẻ đẹp kỳ bí, huyền hoặc. Trước đây, người làng Pác Thay, như rất nhiều những ngôi làng giáp biên trên dải đất phía Bắc này, phần lớn đều bỏ ruộng đồng qua biên giới làm thuê. Những thửa ruộng vuông vắn, mỡ màng, vài thập niên trước là tài sản lớn của mỗi gia đình, bị bỏ hoang cho cỏ dại. Năm nay do dịch COVID-19, công việc ít, bất đắc dĩ người ta phải quay về làng “đánh thức” những thửa ruộng, nên mới có nhiều lúa chín đến thế. Chứ như mọi năm, người tiếc cứ tiếc, người đi cứ đi.
Mẹ của A Sáng đã già, mà con cháu đều ở xa, đành thuê một vụ lúa hết tám triệu đồng tiền công, trong khi cả gia đình nguyên một năm ăn hết năm triệu đồng tiền thóc là cùng. Con cái thương mẹ, thương cái nỗi nhớ và trọng thị đất đai sâu thẳm trĩu nặng trong bà, nên vẫn bỏ tiền ra thuê người làm, để đất đai vẫn tiếp tục được sống đời của nó; để người mẹ già ở lại Pác Thay, tiếp tục sống trong tình yêu ruộng mạ của bà.
Mỗi khi đặt chân đến một vùng đất như Pác Thay, tôi lại không thể không nghĩ tới cái gọi là tuyệt tác của trời. Tuyệt tác hiện hữu ngay trong lam lũ, bần hàn, tối tăm, và ở cả những mảnh đất “không có tuổi” tưởng chừng đã bị lãng quên. Cậu thanh niên nghiện ngập, người mẹ thương nhớ đất đai của A Sáng, người đàn bà cào lúa cười tít mắt giữa đồng, những người nông dân Pác Thay tôi đã gặp, những cảnh sắc Pác Thay tôi đã đi qua, đã thu vào tầm mắt… Tất cả, như những dư ảnh của đời sống này. Và chính ở khoảnh khắc tàn ngày đó, những cành cỏ trổ những bông hoa màu huyết dụ thêm phần huyết dụ, đung đưa đầy khiêu khích, ngược sáng trong nắng chiều sắp tắt.
Đỗ Bích Thúy
Chia sẻ bài viết: |
Năm nay, tết Songkran của người Thái Lan diễn ra vào ngày 13-15/4. Và nếu chưa thể viếng thăm đất nước này, bạn có thể trải nghiệm tại TPHCM.
Không có bàn, phải ngồi vỉa hè và tự cầm tô cháo... "vất vả" là thế nhưng nhiều thực khách vẫn thích đến quán cháo huyết của chị Hồng ở quận 4.
Một nhóm các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy thành phố cổ lớn nhất từ trước đến nay ở Ai Cập có niên đại cách đây 3.400 năm.
Chúng tôi đến Hội An khi thành phố vừa trải qua một mùa giãn cách, di chứng COVID-19 còn rất nặng nề.
"Năm nay, TPHCM sẽ tổ chức nhiều sự kiện thể thao để quảng bá điểm đến này", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa - Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết.
Lần đầu ra mắt, không biết do đói hay mắm ngon mà đứa khảnh ăn như tôi "quất" tù tì 3 chén cơm cùng mắm ruốc chua và dưa leo.
Trước cơn bão của những món ăn vặt thời thượng như trà sữa, sữa tươi trân châu đường đen… nhiều hàng chè thêm đìu hiu rồi dần thưa thớt.
Mỗi bảo tàng Gấu Teddy (Teddy Bear Museum) - trên thế giới đều thu hút hàng triệu lượt khách tham quan, check-in để trở về tuổi thơ và khám phá thế giới...
Qua bàn tay thần kỳ của má, hồng được gọt vỏ, hong gió, bỗng nhiên biến thành món đặc sản ngọt ngào.
Sứa đậu mắm tôm tròn vị khi cùng lúc thưởng vị nồng dấm dứt của mắm tôm, vị the của kinh giới tía tô, bùi của dừa, ngầy ngậy của đậu.
Sắc hồng ngọt ngào của hoa anh đào làm cho không gian nhiều nơi ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ thêm cuốn hút.
Tôi nhớ mình đã ngạc nhiên như thế nào khi thấy cậu bạn rưới nước cốt dừa lên chuối nướng rồi thưởng thức cả hai cùng lúc. Quê tôi không vậy.
“Thế là em bay rồi đấy”, anh Hoàng cười tươi trong khi tôi vẫn hét rất lớn với cảm giác thót tim và phiêu linh khó tả.
Jambon tẩm mật ong, khoai tây nghiền tỏi và cơm cuộn mềm có thể là những món ăn chủ yếu trong bữa ăn Lễ Phục sinh của người Mỹ.
Yap (hay Wa’adb) - hòn đảo thuộc quần đảo Caroline thu hút du khách không chỉ bởi cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ mà còn bởi những đồng tiền khổng lồ.
Để được thưởng thức các món “gà đồng” ngon sạch với nhiều hương vị mới lạ, hấp dẫn, thực khách có thể đến với NH Điền Kê-chuyên các món ăn từ ếch...
Teddy Bear Museum - Bảo tàng gấu Teddy do JS&F quản lý và nhượng quyền đầu tiên tại Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động tại Phú Quốc United Center.
Xe ốc luộc dân dã của chị Tâm tại chợ Bình Tiên làm say mê nhiều người bằng hương vị tươi ngọt hài hòa trong làn nước mắm tỏi ớt thơm nồng.