Nuôi yến tại TP.HCM: Ngoài vòng kiểm soát

13/04/2013 - 11:09

PNO - PN - Hàng ngàn con chim yến nuôi ở tỉnh Ninh Thuận chết do nhiễm vi-rút cúm A/H5N1 đã làm dấy lên mối lo ngại của người dân, khi việc nuôi yến ở TP.HCM nằm ngoài vòng kiểm soát.

Nuoi yen tai TP.HCM: Ngoai vong kiem soat

Xóm yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM - Ảnh: Phùng Huy

Đua nhau “dụ” yến vào nhà

Tại xã Tam Thôn Hiệp (huyện Cần Giờ) hiện nay, số lượng nhà dành cho yến ở còn nhiều hơn nhà dành cho người. Phần lớn nhà của yến được xây dựng hoành tráng từ ba đến năm tầng nên người dân rất mệt mỏi vì bị yến bỏ “bom” đầy mái nhà. Chị Nguyễn Thị Thơm (một hộ dân ở đây) than: “Phân chim thối nồng nặc, từ ngoài vườn đến mái nhà, ở đâu cũng đầy phân chim. Khổ nhất là mùa mưa, mỗi khi hứng nước mưa để dùng phải mua hóa chất khử nước do chứa đầy phân chim”. Cách đó khoảng 1km, tại xã Bình Khánh (huyện Cần Giờ), thời gian gần đây, phong trào nuôi chim yến cũng phát triển mạnh với hàng chục nhà yến mọc lên xen kẽ trong các khu dân cư.

Tương tự, tại cù lao Long Phước (P.Long Phước, Q.9), khoảng một năm qua, nhiều người từ các nơi khác đến đây đua nhau mua đất cất nhà nuôi yến. Anh Phạm Thanh Tòng (một hộ dân) cho biết: “Trước đây, khu vực này hiếm lắm mới thấy bầy chim yến bay qua, nhưng bây giờ cứ sáng sớm và chiều tối là đủ thứ chim bay rợp trời, phân chim rơi rớt gây ô nhiễm khắp nơi”. Còn tại khu dân cư Nam Long (P.Phước Long B, Q.9), dù được xây dựng chưa lâu nhưng chim yến đã được nhiều người dẫn dụ đến ở. Tình trạng ô nhiễm phân chim ở đây cũng tương tự các khu dân cư khác.

Không chỉ nuôi ở ngoại thành, hiện nay, nhiều nơi yến còn được nhiều người “dụ” vào tận các khu dân cư đông đúc. Trên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn từ cầu Phú Xuân đến phà Bình Khánh, Nhà Bè) hiện đang có không dưới chục nhà nuôi yến. Nhiều căn nhà rộng chỉ vài chục mét vuông cũng tranh thủ cất “chuồng cu” để dụ chim yến bay vào. Điều đáng lo ngại, tại các nơi này, do không có mặt bằng nuôi, nên hầu hết yến được bố trí “làm tổ” ngay trên đầu người. Anh Nguyễn Quang Hưng (nhà gần cầu Phú Xuân) ngao ngán: “Do yến ở đây đều được ở trên các tầng lầu nên người dân chúng tôi luôn phải lãnh đủ phân chim”.

Thậm chí, nhiều nơi, hiện nay yến còn được “dụ” bay vào tận nội thành. Điển hình, tại góc đường 3/2 - Lê Hồng Phong, một hộ dân ở có căn nhà rộng chỉ khoảng 50m2 nhưng cũng tranh thủ đục lỗ tầng trên cùng, mở máy gọi chim vào ở. Theo người dân ở đây, trong khu dân cư bây giờ không chỉ có chim yến, mà đủ loại chim khác cũng đua nhau tụ tập về làm tổ. Hậu quả là người dân “hứng” phân chim mệt mỏi.

Thí điểm ngoại thành, nội thành tràn lan

Theo UBND huyện Cần Giờ, dù việc nuôi yến mới được TP cho làm thí điểm tại xã Tam Thôn Hiệp, nhưng thực tế đã lan ra nhiều xã khác của huyện. Khó khăn hiện nay là người dân thường lách luật bằng cách xin xây nhà ở, nhưng sau khi xây xong thì để cho yến ở. Trong khi chưa có quy định xử phạt đối với việc sử dụng sai công năng trong trường hợp này. Ông Lê Văn Thơm - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: “Hiện huyện đã có văn bản báo cáo và xin ý kiến UBND TP hướng dẫn xử lý vấn đề này”.

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, qua thống kê, hiện toàn TP có khoảng 300 nhà nuôi yến. Phần lớn người nuôi không đảm bảo nguyên tắc đăng ký, hướng dẫn. Bên cạnh đó, hiện nay, phần lớn người nuôi lẫn người dân đều có tư tưởng chim trên trời thì không nhiễm bệnh nên không có ý thức phòng bệnh. Trong khi đó, trường hợp chim yến bị “dính” vi-rút cúm A/H5N1 là rất đáng lo ngại, bởi chim yến bay xa, nhiều nơi, khó kiểm soát.

Theo ông Phan Xuân Thảo - Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, dù từ trước đến nay, trên địa bàn TP chưa xảy ra tình trạng chim yến nhiễm vi-rút cúm A/H5N1 nhưng vấn đề nuôi chim yến tràn lan trong khu dân cư khiến TP rất lo ngại. Vì vậy, hàng năm, bên cạnh lấy mẫu xét nghiệm vi-rút cúm A/H5N1 trên gia cầm, Chi cục luôn lấy mẫu trên chim yến để xét nghiệm. Đầu năm 2013, Chi cục cũng vừa lấy chín mẫu xét nghiệm vi-rút cúm A/H5N1 trên chim yến, nhưng kết quả các mẫu đều âm tính. Trong khi đó, việc quản lý nuôi yến hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể. Hiện Cục Chăn nuôi đã có dự thảo lấy ý kiến góp ý về việc quản lý chim yến, nhưng chưa được ban hành.

Trước tình hình trên, theo ông Thảo, UBND TP.HCM đang tổ chức lấy ý kiến ban hành quyết định về việc quản lý dẫn dụ, gây nuôi chim yến trên địa bàn TP. Sắp tới, khi ban hành, quy định này sẽ nêu rõ khu vực nào được nuôi yến, khu vực nào không, nhà nuôi yến phải cách nhà dân bao xa, các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý…

Tăng cường tầm soát từ xa

ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng, Khoa Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM - cảnh báo, độc lực của vi-rút cúm A/H5N1 rất nguy hiểm, khoảng 50% trường hợp tử vong khi mắc bệnh. Kể từ ca đầu tiên vào năm 2003 đến cuối năm 2012, cả nước có 61 ca tử vong/123 ca mắc. Từ năm ngoái đến thời điểm hiện nay, số ca nhiễm cúm A/H5N1 được ghi nhận rất ít, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn cao. Riêng khu vực phía Nam, năm 2012 có ba ca nhiễm thì đến hai ca tử vong. Từ đầu năm đến nay, chỉ có một ca nhiễm tại huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp và bé trai bốn tuổi này đã tử vong.

Tình hình bệnh sẽ phức tạp hơn khi tỉnh Ninh Thuận vừa ghi nhận đàn chim yến nuôi ở các hộ dân bị chết do nhiễm vi-rút cúm A/H5N1. Cũng theo ThS-BS Hồ Vĩnh Thắng, nguy hiểm hơn khi những chim này “giao lưu” với những đàn chim yến ở các địa phương khác và thải phân ở mái nhà, trên cây (nếu phân có chứa nguồn bệnh). Trong khi đó, cách xử lý ổ dịch trên đàn chim yến chỉ dừng lại ở việc vệ sinh, tẩy trùng tại nơi nuôi yến với sự phối hợp của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn với Trung tâm Y tế dự phòng địa phương.

TS-BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết, trước thông tin chim yến ở tỉnh Ninh Thuận nhiễm cúm A/H5N1, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã đẩy mạnh việc tuyên truyền cho các hộ dân nuôi chim yến tại huyện Nhà Bè và Cần Giờ cảnh giác với cúm A/H5N1.

Hiện nay thế giới vẫn đang trong quá trình nghiên cứu sản xuất vắc-xin ngừa cúm A/H5N1. Tại Việt Nam, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Pasteur TP.HCM cũng đang nghiên cứu; còn Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 dự kiến đến cuối năm sẽ xin phép sản xuất đại trà. Trước tình hình chưa có vắc-xin thì cách phòng ngừa cơ bản là các hộ dân nuôi chim yến cần phải mang bảo hộ, đeo khẩu trang N95 chuyên biệt của y tế. Với những gia đình sử dụng nước bọt của chim yến chế biến sản phẩm cũng phải dùng đồ bảo hộ đúng chuyên môn y tế, vì nếu tiếp xúc phải nước bọt có nguồn bệnh thì khả năng nhiễm cúm A/H5N1 vẫn cao. Do đó, những trường hợp thấy ho, sốt, viêm phổi... cần phải đến bệnh viện ngay để được cách ly và uống thuốc Tamiflu, nhất là những người tiếp xúc trực tiếp với gia cầm.

Liên quan đến vi-rút cúm A/H5N1 BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP cho biết, Sở đã chỉ đạo Phòng Quản lý dược của Sở chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, sinh phẩm y tế phục vụ cho công tác phòng chống và điều trị bệnh cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9. Riêng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phải tăng cường phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương để kiểm soát nguồn gia cầm nhập vào TP nhằm phát hiện sớm các loại gia cầm không rõ nguồn gốc, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người tiêu dùng.

Phan Trí - Văn Thanh

Kiểm soát chặt chẽ cúm A/H7N9

Ngày 11/4, BS Nguyễn Hoài Nam, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP.HCM - cho biết, để chủ động phòng, chống dịch cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam, Sở đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế giám sát chặt chẽ người nhập cảnh bằng máy đo nhiệt độ từ xa. Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp, cần được khám sàng lọc, cách ly và áp dụng kịp thời các biện pháp phòng, chống, hạn chế sự lây lan của bệnh... Còn các bệnh viện phải lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ viêm phổi nặng do vi-rút, đặc biệt nếu có yếu tố dịch tễ như đi từ vùng dịch về hoặc có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI