Nỗi lo sợ mơ hồ mang tên “hậu COVID-19”

25/03/2022 - 07:19

PNO - Có lẽ, sự mập mờ thông tin của chúng ta chính là cơ hội cho ai đó cố tình phao tin sai lệch, thổi phồng một cách có chủ đích về hậu COVID-19 để trục lợi.

Bạn tôi - một bác sĩ giỏi về sản phụ khoa - cũng bối rối trước vấn đề hậu COVID-19 mà bệnh nhân của anh đang đặc biệt quan tâm. Thậm chí, có những trường hợp muốn từ bỏ thai nhi chỉ vì lỡ mang thai sau thời gian nhiễm bệnh dù không hề uống thuốc Molnupiravir (thuốc điều trị COVID-19 có khuyến cáo về thời gian mang thai sau khi sử dụng).

Chỉ có những trường hợp bị COVID-19 nặng, phải nằm trong phòng hồi sức mới cần khám hậu COVID-19
Chỉ có những trường hợp bị COVID-19 nặng, phải nằm trong phòng hồi sức mới cần khám hậu COVID-19

Anh nói, có những nỗi lo sợ mơ hồ đang lan tỏa từ mạng xã hội đến đời thật khiến số người đi khám hậu COVID-19 không ngừng tăng lên. Tại bệnh viện nơi anh đang công tác cũng như ở phòng khám riêng, nhiều thai phụ không giấu được âu lo vì con mình sinh ra sau đại dịch nên cứ muốn khám đi khám lại nhiều lần.

“Khi dịch COVID-19 đang hoành hành với số ca tử vong cao, nhiều thai phụ nhiễm bệnh vẫn cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi để sinh con. Nhưng giờ dịch đã lắng xuống và không còn nguy hiểm như trước, không hiểu sao nhiều chị em lại rất hoang mang chỉ vì những lời đồn thổi. Các phòng khám đã lợi dụng tâm lý này để vẽ vời, lấy tiền” - anh nói.

Từ nhiều tháng trước, khi vấn đề hậu COVID-19 mới bùng lên, trên trang Facebook của mình, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia về dịch tễ có lượng người theo dõi cao - đã nhiều lần đưa ra lời khuyên không nên quá bậm tâm về hậu COVID-19, nhất là đối với trẻ em bởi trẻ rất ít bị ảnh hưởng sau thời gian nhiễm bệnh, nhất là bệnh do biến chủng Omicron gây ra. Dù vậy, đến nay, trên trang Facebook của bác sĩ này, những câu hỏi về hậu COVID-19 vẫn cứ lặp đi lặp lại nhiều lần.

Trên một nhóm Zalo của các phụ huynh có con từng mắc COVID-19 mà tôi tham gia, nhiều người cho rằng, bác sĩ Trương Hữu Khanh chỉ trấn an thế thôi chứ vẫn nên cho con đi khám tổng quát, chụp X-quang phổi dù hầu hết trẻ đều nhanh chóng khỏe lại và không có triệu chứng gì.

Con trai tôi chỉ nóng sốt lúc mới mắc COVID-19 nhưng đã nhanh chóng khỏi và trở lại trường. Cháu khỏe và vui vẻ như bình thường nhưng mỗi chiều đón cháu tan học về, tôi cũng gặng hỏi có mệt không, có bị ho hay khó chịu gì không. Có lần, thằng bé nổi cáu: “Con có bị sao đâu sao mà ba cứ hỏi hoài”. Phản ứng của con làm tôi sực tỉnh. Thì ra, mình cũng đang bị nỗi lo sợ mơ hồ về hậu COVID-19 chi phối.

Một người quen của tôi là giám đốc công ty chế biến thực phẩm ở TPHCM cũng than khổ vì “hậu COVID-19” khi năng suất của công nhân sụt giảm bất ngờ dù hầu hết trường hợp nhiễm bệnh đều rất nhẹ, không ai uống thuốc đặc trị. Trong số đó, có không ít trường hợp cố tình đổ thừa cho COVID-19 để xao lãng công việc. 

Khi dịch COVID-19 bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo rằng, đi cùng đại dịch này sẽ là “một đại dịch về truyền thông” và hậu quả cũng nghiêm trọng không kém. Tại Việt Nam, từ đầu mùa dịch, những thông tin đồn thổi gây hoang mang xuất hiện với tần suất dày đặc khiến công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí, nhiều người nổi tiếng cũng tung tin đồn thất thiệt, buộc cơ quan chức năng phải vào cuộc xử lý. Khi dịch lắng xuống, người dân không còn sợ COVID-19 nữa, lại xuất hiện nỗi hoang mang “hậu COVID-19”.

Ở nhiều tỉnh thành, trẻ em bị cha mẹ đưa đi khám tổng quát để “bắt bệnh” cho bằng được dù ngành y tế đã thông tin rằng, tỷ lệ trẻ bị hội chứng hậu COVID-19 không đáng kể. Ở một số làng quê, người ta còn đồn rằng, đàn ông từng mắc COVID-19 dễ bị vô sinh.

Vậy, làm cách nào để hiểu đúng về hậu COVID-19? Với câu hỏi này, bác sĩ Trương Hữu Khanh giải thích: “Những triệu chứng hậu COVID-19 cũng gần như các triệu chứng bị bệnh khác, giống như sau bị cảm cúm cũng vậy, cũng cảm thấy mệt mỏi, khó ngủ… Do đó, không có gì đáng lo lắng, nhất là khi biến chủng Omicron hầu như không gây ra tình trạng hậu COVID-19. Người khỏi bệnh COVID-19 ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý một thời gian thì sẽ khỏe lại. Sau một thời gian, nếu thấy có triệu chứng rõ rệt mới đi khám. Chỉ có những trường hợp bị COVID-19 nặng, phải nằm trong phòng hồi sức mới cần khám hậu COVID-19”.

Bác sĩ Trương Hữu  Khanh nhấn mạnh, để không bị vấn đề hậu COVID-19 tác động đến tâm lý, phải tự mình vượt qua nỗi lo sợ mơ hồ - nỗi lo sợ được hình thành từ “núi” thông tin sai lệch, bị thổi phồng quá mức mà ta tiếp nhận hằng ngày từ mạng xã hội. 

Có lẽ, sự mập mờ thông tin của chúng ta chính là cơ hội cho ai đó cố tình phao tin sai lệch, thổi phồng một cách có chủ đích về hậu COVID-19 để trục lợi. 

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI