Những tệ bạc của chồng khiến tôi quá sốc, thù ghét, và ân hận vì đã lấy anh ta

04/10/2022 - 19:00

PNO - Nếu chị nhận thấy chồng chị muốn ly hôn và đề nghị chị việc đó thì chị cũng nên có những bước chuẩn bị mạnh mẽ cho điều này

Chào chị Hạnh Dung,

Tôi là người rất ít khi đem chuyện cá nhân ra để kể, nhưng đến giờ phút này tôi không thể nào chịu đựng được nữa khi toàn bộ sự thật về chồng tôi, tính cách, mưu tính đã phơi bày. Chúng tôi quá sai lầm khi yêu thương không tìm hiểu nhau kỹ lưỡng, để giờ đây tôi vô cùng hối hận và sốc.

Tôi năm nay 29, anh ta hơn tôi 5 tuổi. Thời gian đầu chúng tôi làm ăn chung, tôi cũng nghĩ của chồng công vợ. Làm lụng cùng chồng, bao nhiêu lãi lời tôi để chồng tôi cầm hết. Cũng có cãi nhau lời qua tiếng lại, anh ta nói đây là nhà của anh ta, tiền của bố anh ta. Tôi rất tự ái, nhưng vẫn tiếp tục làm ăn chung.

Sau đó bố anh ta mua nhà, và tôi lên ký giấy từ chối nhận tài sản, căn nhà đó đứng tên chồng tôi. Tôi không sao, vì tiền mua nhà không phải tôi kiếm. Nhưng như vậy tôi đã rõ, người ta dọn sẵn đường để tôi và anh ta ly hôn.

Tôi thấy việc làm ăn chung không ổn, tiền anh ta cầm hết, nên tôi mới có suy nghĩ tách biệt ra, để nắm kinh tế riêng của mình, tránh trường hợp ra đi tay trắng. Và đúng như những gì tôi lo sợ, anh ta đuổi và đòi ly hôn với tôi không dưới 10 lần.

Tôi nghĩ quá trình đóng góp trước đó làm ăn chung, tôi cần vốn, rất biết điều, tôi đã vay người ngoài và ngỏ ý vay anh ta có năm triệu. Nhất quyết anh ta không đưa tôi vay một đồng. Từ đó tôi rất ngỡ ngàng, tình nghĩa vợ chồng của chúng tôi còn không bằng năm triệu bạc.

Cố gắng tiếp tục cuộc sống, vì khi đó đứa con thứ hai của tôi mới bảy tháng, tôi lại không có gì trong tay, chấp nhận sống tiếp. Sau một năm, tôi đã làm lên được kinh tế. Lúc đó cuộc sống vợ chồng tôi có vẻ dễ thở hơn, nên tôi cũng tin tưởng anh ta lại một chút.

Đợt vừa rồi tôi rất sốc, vì nghĩ tưởng vợ chồng anh ta luôn mở mồm giúp đỡ tôi, nhưng sự thật hàng anh ta nhập vào 1,2 triệu nhưng bán cho tôi lãi gấp đôi là 2,5 triệu, bán cho người ngoài còn rẻ hơn cho vợ.

Tôi sốc tiếp lần hai, nhiều lúc tự hỏi hết tình còn nghĩa, sao con người tôi coi là chồng lại khốn nạn đến thế? Anh ta sẵn sàng đánh bóng lô đề một ngày hết vài chục triệu, nhưng chỉ vài triệu nhỏ anh ta cũng tính với tôi. Khi khó khăn tôi vay 10 triệu và hứa hai tuần sau trả, anh ta cũng không cho tôi vay. Vậy mà ba hôm sau thì anh ta sẵn tiền đi du lịch với bạn bè.

Tôi rất muốn ly hôn con người vong ơn bội nghĩa này, anh ta chỉ muốn lợi dụng công sức của tôi, trên danh nghĩa là anh ta giúp. Các con tôi còn quá nhỏ. Một cháu bốn tuổi, một cháu hai tuổi. Tôi muốn hai con lớn lên cùng nhau, nhưng bỏ con lại thì tôi sợ hỏng con. Mà tiếp tục thì có lẽ tôi không bao giờ tha thứ được cho con người này.

Cảm ơn chị đã đọc và mong chị cho tôi lời khuyên. Nhiều lúc thật sự tôi mất hết bình tĩnh, vừa chán nản, vừa đau khổ, vừa hận thù.

Đặng Kim Phượng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chị Kim Phượng thân mến,

Nếu như người ta thường gọi đùa mối quan hệ vợ chồng là những "đối tác", thì đối tác này của chị quả là... không ổn. Khi làm chung thì giữ hết tiền lời lãi, sử dụng mặt bằng làm ăn chung thì luôn lấy quyền làm chủ mặt bằng đuổi đối tác đi, thấy đối tác khó khăn thì từ chối giúp đỡ, lại còn lừa gạt kiếm lợi từ chính đối tác của mình! Thật là... không còn gì để nói.

Đã gọi là quan hệ "đối tác" để cùng gom góp, gầy dựng một cái gì đó, thì khi thấy có gì hợp lý, cả hai phải ngồi lại cùng nhau bàn bạc từ đầu, phân chia lại cả quyền lợi và nghĩa vụ. Trong cuộc bàn bạc này, cả hai bên đều phải thẳng thắn, đàng hoàng, và đều phải hiểu quyền và nghĩa vụ của mình cùng các bên có liên quan (trong chuyện này là cha mẹ, con cái chẳng hạn) sẽ như thế nào?

Mọi sự bàn bạc chỉ có thể có được kết quả tốt, khi cả hai đều có thiện chí, có tinh thần chia sẻ, có sự hiểu biết và tôn trọng công sức của nhau. Nếu một trong hai bên không có được tinh thần đó, thì chẳng có cuộc bàn bạc thương lượng nào có kết quả cả. Và mối quan hệ làm ăn này nên được chấm dứt.

Tuy nhiên, vì những kẻ đã không có tinh thần thiện chí thì thường muốn "ăn gian", dành hết lợi thế về mình, bỏ mặc đối tác, thậm chí cả những bên liên quan, trong thiệt thòi, tức giận, đau khổ. Bên đối tác yếu thế hơn nên cần đến những sự tư vấn, bảo vệ của những người hiểu biết như luật sư, để có thể đảm bảo được quyền lợi của mình trong việc kết thúc mối quan hệ làm ăn.

Hạnh Dung nói như vậy, chắc chị cũng có thể hình dung ra được vấn đề phần nào. Trong tựa bài của chị, chị có viết rằng anh là "kẻ khốn nạn trong mắt tôi", thì trước tiên, Hạnh Dung nghĩ chị nên bình tĩnh suy xét lại hết mọi vấn đề để hiểu được chính xác anh ta là người như thế nào. Không chỉ "trong mắt chị", có nghĩa là trong cảm xúc, nhận định của chị; mà trong mọi mối quan hệ với gia đình, con cái, nghĩa vụ, trách nhiệm...

Hãy nhìn rõ ưu và khuyết của anh ta. Với chị và với tiền bạc thì như thế, còn nghĩa vụ, trách nhiệm của anh ta với con cái ra sao? Bởi vì giữa chị và anh ta còn hai con nhỏ. Thời gian qua, việc cùng đóng góp chăm sóc con cái như thế nào, Hạnh Dung không thấy chị nhắc đến? Phải chăng trong những cái dở, người đàn ông kia cũng vẫn có những điều được là cùng chị nuôi con lớn khôn? Hay anh ta còn tệ hơn là để chị chăm nuôi con một mình?

Rất mong chị bình tĩnh suy xét lại hết mọi vấn đề, để có thể có những cân nhắc, chọn lựa đúng đắn nhất. Trong những thịnh nộ của việc ấm ức cho quyền lợi riêng của mình, người ta đôi khi không sáng suốt.

Đơn cử như ví dụ của chị về việc ký giấy tờ, đó cũng là việc bình thường nếu chị hiểu rằng căn nhà đó là của bố anh ta, và đó cũng chỉ là thủ tục pháp lý cần thiết mà nhiều người rạch ròi, cẩn thận nghĩ tới và làm, chứ chưa chắc là do họ chuẩn bị cho việc ly hôn.

Nếu như chính chị nhận thấy chồng chị thật sự có ý muốn ly hôn và đề nghị chị việc đó, thì chị cũng nên có những bước chuẩn bị mạnh mẽ cho điều này. Nhất là những việc có liên quan đến quyền lợi của các con chị.

Chị nói muốn hai con được lớn lên cùng nhau, nhưng không thể bỏ con lại, như đó là một chuyện tất yếu. Tại sao chị lại không nghĩ tới việc mang hết cả hai con đi, và người bố của chúng vẫn phải có nghĩa vụ trách nhiệm với con mình, có nghĩa vụ quan tâm đến đời sống, sự học tập, phát triển của con mình?

Và để có được điều đó, nếu anh ta không tự nguyện, chị có thể tìm đến sự giúp đỡ của người thân, hay thậm chí của luật pháp.

Dù sao, trong bất cứ trường hợp nào, chị cũng hết sức cần đến sự nhìn nhận, suy nghĩ chín chắn, cẩn trọng, thấu đáo, để có thể có được những quyết định tốt nhất, trước hết là cho gia đình (nếu còn có thể gìn giữ gia đình), sau đó là cho các con, và cho chính bản thân, khi không còn có thể sửa chữa được gì.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ Nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI