Những quốc gia mua gạo nhiều nhất trong năm 2025

15/04/2025 - 06:02

PNO - Nhiều quốc gia tại châu Phi như Bờ Biển Ngà, Nigeria… được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sẽ trở thành “tâm điểm” tiêu thụ gạo trong năm 2025.

Cụ thể, báo cáo về thị trường ngũ cốc tháng 4/2025 của USDA, nhu cầu gạo tăng mạnh từ châu Phi đặc biệt là các nước cận sa mạc Sahara. Do vậy, trong năm 2025 châu Phi sẽ vượt qua khu vực Đông Nam Á để trở thành những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới.

Bảng cân đối gạo mới nhất của USDA đã nêu bật sự phụ thuộc liên tục của nhiều quốc gia ở khu vực này vào nhập khẩu do điều kiện khí hậu không phù hợp cho sản xuất lúa gạo. Những quốc gia nhập khẩu nhiều gồm Nigeria, Bờ Biển Ngà, Ghana và họ ưa chuộng các mặt hàng gạo trắng giá rẻ từ Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Việt Nam.

Trong đó, Nigeria dự báo sẽ nhập sản lượng đến 2,8 triệu tấn, tăng thêm 250.000 tấn so với dự báo trước đó. Mặc dù Nigeria không phải là khách hàng lớn của Việt Nam nhưng đây cũng là nhà mua hàng truyền thống của nước ta.

Quốc gia nhập khẩu lớn thứ 2 ở khu vực này là Bờ Biển Ngà với khoảng 1,8 triệu tấn. Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, năm 2024, Bờ Biển Ngà nhập khẩu đến 483.000 tấn gạo từ Việt Nam với giá trị đạt tới 286 triệu USD và trở thành khách mua gạo lớn thứ 5 của nước ta. Quý I/2025, Bờ Biển Ngà với thị phần 16,3% đã trở thành khách mua gạo lớn thứ 2 của Việt Nam chỉ sau Philippines 42,1%.

Giá lúa gạo trong nước đã tăng trở lại do nguồn cung hạn chế và chính sách thu mua tạm trữ được triển khai
Giá lúa gạo Việt Nam gần đây đã tăng trở lại do nguồn cung hạn chế và chính sách thu mua tạm trữ được triển khai

Bên cạnh Bờ Biển Ngà, trong năm 2024 Ghana là khách mua gạo lớn thứ 4 của Việt Nam với sản lượng 613.000 tấn, tăng 4,3% và kim ngạch đạt 424 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2025, Ghana với thị phần 10,2% tạm xếp thứ 3 sau Bờ Biển Ngà.

Ngoài châu Phi, các quốc gia tại châu Á cũng có nhu cầu nhập khẩu gạo với số lượng lớn.

Với Malaysia, theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), dự báo sản lượng lúa năm 2025/26 của Malaysia sẽ thấp hơn mức trung bình do diện tích gieo trồng giảm, chủ yếu là do mưa lớn và lũ lụt vào cuối năm 2024 làm gián đoạn việc gieo trồng ở Bán đảo Malaysia. Do đó, lượng gạo nhập khẩu của Malaysia trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng 4% so với cùng kỳ năm trước lên 1,8 triệu tấn. Còn Philippines cũng được USDA dự báo sẽ nhập khẩu khoảng 5,2 triệu tấn gạo trong năm 2025. Việt Nam và Thái Lan vẫn là 2 nước cung cấp lớn nhất gạo vào hai quốc gia này, chủ yếu nhờ quan hệ thương mại lâu đời, giá cả cạnh tranh cũng như địa lý gần kề.

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam đánh giá, việc nhiều quốc gia có nhu cầu lớn về tiêu dùng gạo đang tạo ra những cơ hội cho gạo Việt Nam gia tăng xuất khẩu. Mặc dù có thời điểm giá lúa gạo của Việt Nam sụt giảm mạnh nhưng với sự vào cuộc của Chính phủ trong việc chỉ đạo thu mua tạm trữ lúa cho nông dân, giá lúa đã tăng trở lại ngay sau đó.

Đồng thời, theo các doanh nghiệp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong tuần vừa qua, giá gạo đang tăng do nhu cầu tại thị trường châu Phi và Philippines ở mức cao. Hiện tại, gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.850 - 8.000 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 dao động ở mức 7.700 - 7.850; gạo nguyên liệu 5451 dao động ở mức 9.600 - 9.750/kg; gạo thành phẩm OM 380 dao động ở 8.800 - 9.000 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.500 - 9.700 đồng/kg.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, xuất khẩu gạo tháng 3/2025 ước đạt 950.000 tấn, trị giá khoảng 463,6 triệu USD. Lũy kế 3 tháng đầu năm, nước ta xuất khẩu 2,2 triệu tấn gạo, thu về 1,14 tỉ USD.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI