1.
Khi đưa chúng tôi tham quan những loài thực vật quý ở Thảo cầm viên, chị Trần Thị Thúy Hằng - Phó giám đốc Xí nghiệp Quản lý thực vật - Thảo cầm viên Sài Gòn - đã nhắc ngay đến cây cao su duy nhất còn sót lại. Với hơn 2.500 cây xanh (thuộc hơn 360 loài thực vật), cây cao su đứng gần khu chuồng voi hiện nay như lọt thỏm giữa “vương quốc rừng xanh”, lặng lẽ hòa mình vào mảng xanh tự nhiên.
Hơn 150 năm trước, những cây cao su đầu tiên tại Việt Nam đã được ươm trồng ở Vườn bách thảo (tên gọi thời Pháp thuộc). Những hạt giống cao su đầu tiên đã theo chân người Pháp đến xứ sở thuộc địa, rồi từ Sài Gòn về Thủ Dầu Một, ra tận Khánh Hòa đến với đồn điền Suối Dầu của bác sĩ Alexandre Yersin và tỏa đi khắp vùng Đông Nam Bộ thuở xưa. Loài cây đã làm xuất hiện một tầng lớp lao động mới: công nhân cạo mủ cao su. Hành trình của cây cao su cũng là hành trình của những dấu chân, những phận người. Suốt hàng thập niên qua, đây là loài cây mang đến niềm hy vọng, là “cây mở đường” với sứ mệnh phát triển kinh tế cho cả miền núi cao Tây Nguyên và Tây Bắc ngày nay.
 |
Hàng cây cổ thụ trên đường Trương Định (quận 3, TPHCM) - Ảnh: Phùng Huy |
Tôi chạm tay vào cây, thầm cảm ơn vì cây đã sống tốt tươi và trở thành một phần của ký ức đô thị. Tại Thảo cầm viên, dấu vết nguyên sinh của rừng mưa nhiệt đới thời hoang sơ vẫn còn được lưu lại trong hình ảnh của cây dây gùi, cây tung, cây mét… Giữa thanh âm rộn ràng vui tươi của trẻ thơ hồn nhiên nhìn ngắm muông thú là sự bình yên trao bóng mát của cây. Văng vẳng đâu đó lời truyền tụng trong dân gian rằng cổ thụ như “người già có râu”, cây lặng lẽ và vững chãi trước bao cuộc đổi dời để gìn giữ ký ức quý giá, vẹn nguyên cho đất lành...
2.
Mỗi lần đi ngang công viên 30/4, tôi đều dừng lại một chút để nhìn ngắm những hàng cây sao cao vút và hít thở không khí trong lành. Gần 150 năm, những hàng cây (được Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ cho trồng vào khoảng năm 1882) vẫn ở đó - vùng lõi của di sản đô thị và cũng là nơi ghi dấu những biến động, đổi thay của thời cuộc.
Từ hội trường Thống Nhất, nhìn về bên trái là con đường mang tên “cha đẻ” chữ Quốc ngữ: Alexandre de Rhodes; hướng mắt qua phải là con đường lưu dấu tên tuổi “ông tổ thơ Nôm”: danh nhân văn hóa Hàn Thuyên. Ở nơi này, có một hàng cây vinh dự chứng kiến ngày 2/9/1945, hàng trăm ngàn người tập trung tại quảng trường Norodom (vị trí ngay phía sau nhà thờ Đức Bà, thuộc đường Lê Duẩn ngày nay) chờ nghe tiếp sóng từ quảng trường Ba Đình - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Hàng cây này cũng là chứng nhân cho sự kiện chiếc xe tăng T-54B mang số hiệu 843 húc đổ cổng dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975, dẫn đầu đoàn quân giải phóng Sài Gòn…
Dưới những vòm cổ thụ, dường như có một mối giao hòa kỳ lạ giữa ồn ã và tĩnh lặng, giữa sinh động và chậm rãi, giữa hiện đại và cổ kính, khơi gợi ký ức xưa mà cũng lưu giữ giá trị văn hóa hôm nay…
Những hàng cây che chở.
Những hàng cây thời gian.
Dưới bóng cây, có biết bao người/thế hệ đã đến, ngồi bên nhau với những câu chuyện của một thời trẻ trung và cả một thời phai tóc. Tôi nhớ ngày chân ướt chân ráo vào đại học, đã tình cờ gặp được một người sửa xe già tốt bụng bên vỉa hè. Cô gái nhỏ ngồi bên gốc cây trăm năm, nghe những lời hỏi han từ người sửa xe già như một người ông thân tình. Dưới những hàng cây là bao dấu chân năm tháng đi về. Những đôi chân tần tảo nắng mưa là để cho những đứa con bình an bước vào đời và mơ về ngày mai tươi sáng.
“Khu rừng nhỏ” trong lòng phố còn là nơi lưu giữ ký ức về tiếng đàn violin của người nghệ sĩ già vang lên những sáng cuối tuần; hình ảnh những họa sĩ ngồi lặng lẽ vẽ Bưu điện TPHCM, nhà thờ Đức Bà; những người thợ ảnh ngày ngày chụp lại khoảnh khắc thanh xuân cho bạn trẻ, những đôi tình nhân, các cặp cô dâu chú rể… Tất cả hòa nhịp thành thanh âm của phố, rộn rã và yên vui.
Ngày rong ruổi nhìn ngắm thành phố, chợt thấy đời mình và đời người đã cùng nhau nương tựa những hàng cây, với biết bao kỷ niệm. Những hàng cây tỏa bóng che mát cho những cuộc mưu sinh, cho người lao động tựa lưng những trưa oi ả. Những hàng cây ôm vào lòng bao thăng trầm, bao vàng son quá vãng và vẫn tiếp tục kể chuyện trăm năm về phận người, phận đất.
3.
Sài Gòn có nhiều loài cây gần gũi, thân thương. Như vẻ đẹp của cây me trong bài tùy bút Tôi thương Sài Gòn vì những hàng me (1952) của nhà văn Bình Nguyên Lộc: “vỏ cây cằn cỗi gợi nhớ những cội tùng già bên chùa cổ trên một sườn non”. Ông viết: “Ôi, những hàng me Chợ Cũ, những hàng me phố Gia Long, những hàng me phố Tản Đà giao nhành rợp bóng, những hàng me bầu bạn của người đi bộ về trưa… Lòng sầu xứ quê của những kẻ lạc loài vào đô thị Sài Gòn được dịu đi vài phần khi nhìn những hàng me Nguyễn Du và Hồng Thập Tự ngả màu rồi lại thắm màu…”.
Nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam từng viết rằng, những con đường có trồng me đều là những con đường có mặt sớm nhất ở Sài Gòn. Me cũng là loài cây được người Pháp chọn trồng trước các loài cây khác như sao, dầu, xà cừ… Những “con đường có lá me bay” đã đi vào thơ ca nhạc họa, là “con đường tình yêu” cho hẹn hò và cả những lời tạ từ. Có bao con đường mang vẻ đẹp của hoa dầu xoay xoay như đường Điện Biên Phủ, rộn ràng tiếng ve như đường Nguyễn Thị Minh Khai, rợp bóng vững chãi trên đường Trương Định, Huyền Trân Công Chúa…; gợi nhớ ký ức Sài Gòn xưa như Lý Tự Trọng, Phạm Ngọc Thạch, Đồng Khởi… hay còn mãi trong nỗi nhớ của bao thế hệ sinh viên như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Chí Thanh…; và đẹp lãng mạn như những hàng cây nơi đại lộ Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ… Có những loài cây đã trở thành địa danh: bùng binh Cây Gõ (quận 11), chợ Cây Da Thằng Mọi (quận 1), chợ Cây Da Bà Bầu (quận 10, cây da là một cách gọi khác của cây đa)… Dù cây không còn nữa nhưng vẫn hiện diện trong tâm thức cộng đồng, như một di sản ký ức.
Bao thế hệ đã lớn lên, cùng vun đắp, xây dựng, kiến tạo những giá trị bền vững cho thành phố bên sông. Mường tượng trong lòng đất là những rễ cây chằng chịt quyện vào nhau, bao bọc lấy “hòn ngọc Viễn Đông” và kết nối bền chặt với dải đất phương Nam qua hàng thế kỷ, cùng bảo vệ cho đất lành. Mảng xanh của thành phố còn có cánh rừng ngập mặn ở huyện duyên hải Cần Giờ. Những hàng mắm, hàng đước hôm nay kể với đời sau những năm tháng miệt mài ngược xuôi qua những dòng sông của thế hệ cha anh để chở trái giống mắm, đước từ đất mũi Cà Mau về phố. Miền rừng hoang tàn được hồi sinh bằng những loài cây kiên cường trên đất mặn. Qua hàng thập niên, cho đến bây giờ, những thế hệ trẻ vẫn tiếp bước hành trình trồng cây, giữ rừng xanh cho đất…
Phận đất, đời người và đời cây ôm trọn thành phố, qua nửa thế kỷ bình yên trên mảnh đất này. Cây trăm năm như những bức tường thành chở che cho phố. Cây vươn mình xanh thắm cho sự phồn vinh, niềm hy vọng. Những hàng cây thời gian vẫn muôn đời kể câu chuyện trăm năm…
Bùi Tiểu Quyên