Những độc giả trung thành

19/05/2023 - 06:58

PNO - Trùng hợp là cả hai người họ cùng tên Đào, cùng sống ở TPHCM và cùng là độc giả trung thành của Báo Phụ nữ TPHCM.

Những quyển báo có tuổi đời gần 30 năm vẫn được bà Nguyễn Huỳnh Đào cất giữ ẢNH:  THU LÊ
Những quyển báo có tuổi đời gần 30 năm vẫn được bà Nguyễn Huỳnh Đào cất giữ - Ảnh: Thu Lê

Khệ nệ ôm những chồng báo cũ đến tặng tôi, nhưng có vẻ không yên tâm khi trao đi một thứ gì đó quý giá cho nên khi quay ra, đi vài bước bà quay lại dặn dò: “Cô nghĩ, con quý những tờ báo này nên mới mang tặng con. Còn cảm thấy nó không cần thiết thì nói cô biết, cô mang về, đừng bỏ lăn bỏ lóc, uổng lắm. Sau này muốn kiếm lại cũng không có đâu nghen”. Bà là Nguyễn Huỳnh Đào - ngụ tại ấp 4, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. 

Đến khi được khẳng định chắc chắn rằng những chồng báo ấy sẽ được cất giữ cẩn thận, bà Huỳnh Đào mới yên tâm. Đó là những quyển báo Phụ nữ Chủ nhật xuất bản từ năm 1995 đến nay được bà sắp xếp cẩn thận theo thứ tự số ra từng tháng, rồi cột lại bằng dây ruy băng theo từng năm. Bìa báo đã nhạt màu, giấy bên trong cũng ố vàng, nhưng những bài viết vẫn phập phồng hơi thở cuộc sống.

Bà Huỳnh Đào kể, hồi đó, bà mua không sót số báo nào vì những vấn đề báo viết “rất phụ nữ” và giúp ích bà rất nhiều trong vai trò của 1 người mẹ, 1 cô giáo. “Tôi học ở đó cách làm 1 người phụ nữ hiện đại, cách dạy con, hiểu được tâm lý của trẻ mới lớn để giáo dục học trò”. Đó là lý do, dù chuyển nhà bao nhiêu lần, phải bỏ đi bao nhiêu thứ nhưng 30 năm qua bà Huỳnh Đào vẫn giữ kỹ những tờ báo Phụ nữ.

“Báo Phụ nữ TPHCM bao nhiêu tuổi thì tôi đồng hành với tờ báo bấy nhiêu năm” - đây là câu chuyện của bà Nguyễn Thị Đào, ngụ phường 4, quận Gò Vấp. Bà Nguyễn Thị Đào cho biết, số báo đầu tiên ra đời sau ngày miền Nam giải phóng cũng là lúc bà tròn 18 tuổi. Trước đó, vì điều kiện gia đình khó khăn, bà bắt buộc phải nghỉ học trong nỗi khát chữ vô bờ. “Hồi đó, sách báo không đa dạng, phong phú như bây giờ. Do đó, khi tờ báo ra, tôi như con sâu mọt, bám theo các đoàn thể để mượn báo về xem” - bà nhớ lại. 

Bà Nguyễn Thị Đào vẫn có thói quen đọc và lưu giữ Báo Phụ nữ TPHCM suốt 48 năm qua - ẢNH: THU LÊ
Bà Nguyễn Thị Đào vẫn có thói quen đọc và lưu giữ Báo Phụ nữ TPHCM suốt 48 năm qua - Ảnh: Thu Lê

Trong ký ức của bà Đào, những năm tháng đầu tiên ấy, báo chưa có nhiều chuyên mục như bây giờ. Các phóng sự chủ yếu viết về cuộc chiến 20 năm vừa dừng lại, những hoạt động sôi nổi của các đoàn thể và khí thế hừng hực xây dựng kinh tế của người dân sau ngày thống nhất đất nước. Mỗi tuần một số báo ra, mỗi chi hội phụ nữ chỉ được phát một tờ mang về đọc xoay vòng xuống các tổ hội.

Năm ấy bà là tổ trưởng tổ hội. Để đảm bảo mỗi hội viên đều nắm thông tin, mỗi số báo nhận về bà Đào mời tất cả hội viên đến nhà mình để đọc cho chị em nghe hết các mục trong tờ báo như 1 hình thức sinh hoạt hội. “Tờ báo ít, đọc không “đã” nên lúc nào gấp tờ báo lại tôi cũng còn thèm. Lúc đó mẹ chồng tôi mắng yêu: “Con này, cứ làm như mình hay chữ lắm ấy, bắt người ta tới nghe mình đọc báo hoài”. Mặc dù tờ báo Phụ nữ những ngày sơ khai không có nhiều chuyên mục như bây giờ, nhưng đó là một sinh hoạt tinh thần to lớn đối với chị em hội viên, phụ nữ” - bà Đào kể lại. 

Theo cảm nhận của bà Đào, Báo Phụ nữ TPHCM được bạn đọc đón nhận và ngày càng lớn mạnh khi xuất bản nhiều số hơn trong tuần và có thêm nhiều chuyên mục, hình thức tờ báo cũng ngày càng chỉn chu. “Tôi đặc biệt thích đọc các bài phóng sự điều tra của báo. Qua những bài báo, tôi khâm phục những nữ phóng viên của tờ báo không ngại xông pha vào nơi nguy hiểm để phơi bày sự thật, như vụ “Đông lạnh Hùng Vương” và gần đây nhất là “Ai đứng sau đường dây hút máu người nuôi bệnh thuê?”.

Bên cạnh đó, tôi cũng rất thích mục “Nhỏ to tâm sự” giúp tháo gỡ những tâm tư của chị em để từ đó, bản thân mình cũng học được nhiều điều hay. Sau này có thêm các mục “Bác sĩ trả lời”, giúp cho nhiều chị em hiểu thêm về những căn bệnh thầm kín khó nói, mục “Đừng quên họ” để kêu gọi giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang mắc bệnh hiểm nghèo. Riêng tờ Phụ nữ Chủ nhật có thêm những mục về thời trang, danh lam thắng cảnh với lối thể hiện cuốn hút” - bà Đào nói.

Không chỉ đọc, bà Đào còn lưu giữ lại rất nhiều số báo Phụ nữ để làm tư liệu, cẩm nang cho công tác phụ nữ. Nhiều lần thấy tờ báo đã chuyển màu ố vàng, bà định bỏ đi nhưng lại tiếc vì “trong từng tờ báo có những điều rất hay”.

Giải thích lý do giữ lại từng số báo, bà nói: “Bài này nói về việc dạy cho trẻ vị thành niên nhận biết thế nào là xâm hại tình dục nhưng cách thể hiện rất hay. Tôi giữ lại để khi nào các cháu được 11-12 tuổi sẽ cho các cháu xem. Còn số mới đây có những bài viết chi tiết về những điều cần biết về hậu COVID-19.

Theo bà Đào, dù là báo cách nhật nhưng Báo Phụ nữ TPHCM luôn cập nhật những thông tin mới nhất, kịp thời. Bà khẳng định: “Điều đặc biệt tôi thích là báo luôn thể hiện cái nhìn tinh tế trước những vấn đề của xã hội, không vì cái gu của bạn đọc mà đánh mất chính mình”. 

 Thu Lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI