Những cuộc "tái sinh" ngoạn mục nhờ phục hồi chức năng

16/02/2021 - 06:38

PNO - Những bệnh nhân bị chấn thương tưởng chừng không qua khỏi, từng nằm liệt giường đã được đón tết sớm tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Chợ Rẫy.

 

Vườn xuân Tân Sửu 2021 ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Vườn xuân Tân Sửu 2021 ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Không hiếm những trường hợp bị tai nạn giao thông gãy chân, chấn thương sọ não làm ảnh hưởng thần kinh, hay đột quỵ nằm liệt giường... những tưởng cuộc đời nhiều người sẽ gắn chặt với xe lăn, chịu cảnh tàn phế. Thế nhưng, thật kỳ diệu, chỉ sau một vài tháng tập luyện, không ít bệnh nhân ở Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh  viện Chợ Rẫy đã hồi phục ngoạn mục.

Đi lại được sau tai biến

Những bài hát về mùa xuân vang lên, các cô, các bác vốn là những bệnh nhân từng bị đột quỵ, chịu di chứng liệt nửa người, miệng méo, nói ngọng, nói đớt... bỗng lộng lẫy trong bộ cánh thời trang, đi lại nhanh nhẹn, nói cười vui vẻ và cùng nhau ngân nga ca hát.

Cô Nguyễn Thị Minh Cúc (67 tuổi) rực rỡ và duyên dáng trong chiếc đầm hoa, đứng lên cầm micro khi được giới thiệu hát bài Câu chuyện đầu năm. Cô cười tươi: "Giọng tôi giờ không hay do di chứng của đặt nội khí quản nên mọi người ráng nghe nghen".

Và cô kể tiếp, cô bị nhồi máu não, bị hôn mê trên nền bị bệnh suyễn vào năm 2018. Cô may mắn được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng nửa người bên trái bị yếu. Cô đi đứng rất khó khăn, tay run rẩy, cầm nắm đồ vật không chắc, mang giày dép khó, thế nhưng sau khi tập vật lý trị liệu khoảng 1 tháng ở Bệnh viện Chợ Rẫy thì cô hồi phục ngoạn mục: chân có lực hơn và linh động hơn.

Giờ cô đã bắt tréo được chân, mang giày dễ hơn và đặc biệt là tự bước đi ở những chỗ địa hình hiểm trở. "Giờ tôi đi ngon lành, tôi còn tự đi ở Ghềnh Đá Dĩa (Phú Yên) nữa đó" - cô Cúc nói. Khi cô Cúc cất giọng lên, giọng hát ngọt ngào, truyền cảm và biểu diễn duyên dáng làm cả khán phòng vỗ tay tán thưởng.

Còn chú Hoàng Điệp (62 tuổi) thu hút mọi sự chú ý vì làm MC quá duyên dáng. Phòng tập vật lý trị liệu trở thành "sân khấu" của chú. Chú pha trò, đố vui và hát hò rộn ràng. Nhìn chú ca hát, khỏe khoắn, di chuyển nhanh nhẹn và cười nói rổn rảng không ai nghĩ đó là người từng bị đột quỵ và bị yếu liệt nửa người.

Chú khoe: "Tôi là cựu bệnh nhân ở đây. Nhờ tập vật lý trị liệu ở đây mà nay tôi đã đi đứng bình thường. Giờ mỗi ngày tôi đi bộ 7 - 8 cây số, có ngày đi tới 10 cây. Nhưng đi 2 - 3 cây số thì dừng lại nghỉ mệt chút để đảm bảo an toàn cho sức khỏe".

Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Bệnh nhân đang tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Mừng như chết đi, sống lại

Trong lúc mọi người hát hò, thì chị Hà Thị Liễu (54 tuổi, ở Bến Tre) cứ liên tục vỗ tay, rồi chị đứng lên băng qua chiếc cầu thang để trò chuyện với những "bạn đồng bệnh".

Kỹ thuật viên Võ Thị Như Ngọc giới thiệu: "Đó là bệnh nhân mà hơn 1 tháng trước vào bằng xe lăn và từng có ý định chết vì đang khỏe mạnh, là trụ cột gia đình bỗng dưng bị nằm liệt giường".

Chỉ vào cái chân phải đang giở lên cao, chị Liễu khoe: "Tôi bị té đứt dây chằng gối phải, mổ ở một bệnh viện nhỏ hai lần bị nhiễm trùng, đau nhức. Kinh khủng là cái chân không cử động được. Tôi nằm trên giường, nhúc nhích cũng đau, đầu gối không co duỗi được. Tôi nằm liệt suốt 3 tháng, tưởng đời mình tàn phế luôn rồi.

May nhờ được người quen chỉ đi tập vật lý trị liệu nửa tháng là thấy chân bớt đau và đứng lên được. Sau đó thêm một tuần thì đi lại được bằng khung. Đến giờ là tuần thứ 6 thì tôi tự đi được rồi. Tôi không dám tin mình đi lại được, mừng như chết đi sống lại". Nói xong chị Liễu cười tươi và giọt nước mắt lăn dài trên má.

Người bệnh vui mừng khi đã có thể đi lại bình thường
Người bệnh vui mừng khi được đi lại bình thường

Cùng niềm vui như chị Liễu là anh Đặng Hoàng Khanh (40 tuổi, ở Bình Chánh, TPHCM). Anh Khanh khoe: "Em vừa "tốt nghiệp" ở Khoa Phục hồi chức năng. Sau khi tập ở đây hơn 1 tháng, em đã phục hồi được hơn 80%. Nay em đi làm trở lại rồi. Mừng lắm chị ơi!".

Anh Khanh là bệnh nhân bị tai nạn giao thông, gãy xương vai, tổn thương dây thần kinh, đám rối cánh tay... Vì vậy, di chứng để lại là cánh tay bị yếu, cứng, teo cơ, không cầm nắm và di chuyển linh hoạt được. Ngày vào đây tập, anh Khanh còn không nhích được bánh xe tập vật lý trị liệu tay, còn hiện nay "em quay vù vù nè" - anh Khanh nói, và anh đưa tay cao lên xuống, qua lại như một người bình thường.

Anh chia sẻ: "Hai tháng trước, tay của em còn không cởi áo, hay cầm ly uống nước được. Bác sĩ dự đoán em sớm nhất 6 tháng mới phục hồi, vậy mà nhờ tập vật lý trị liệu, mới 2 tháng em đã hồi phục được rồi. Kỳ diệu thật!".

Một trong những người vui nhất hôm nay và mang ơn Khoa Phục hồi chức năng là bệnh nhân Lương Huy Hoàng (70 tuổi) và vợ là cô Lê Thị Thảo.

Cô Thảo tâm sự: "Ông nhà tôi từ Thanh Hóa vào đây thăm con rồi bị xuất huyết não từ tháng 9/2020. Bệnh làm ông liệt nửa người bên phải, không nói chuyện được, không ngồi dậy được, tiểu tiện không tự chủ. Vậy mà khi vào đây trị liệu, ông đã nói được, đi được và giờ nhiều việc ông tự làm được".

Bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng
Bệnh nhân đang tập phục hồi chức năng

Nhắc về bệnh nhân Huy Hoàng, thạc sĩ Vũ Vân Thanh - Kỹ thuật viên trưởng Khoa Phục hồi chức năng - nói: "Lúc chú vào đây lệ thuộc hoàn toàn vào xe lăn. Di chuyển từ xe lăn qua ghế, hay qua giường cũng không làm được. Cô Thảo, vợ chú cứ khóc hoài, cô nghĩ không còn hy vọng. Mỗi lần chú tiến bộ, đứng dậy được, nói chuyện được thì cô lại khóc vì vui mừng. Nhìn cô chú ai cũng thương và các kỹ thuật viên ở đây luôn hỗ trợ chú hết mình".

Chị Thanh chỉ cho phóng viên người phụ nữ đang đi lựng khựng, một bên tay phải buông thõng - dấu hiệu của người bị di chứng yếu liệt tay - nói: "Đó là bệnh nhân Phùng Lưu Kim Hạnh, 55 tuổi, bị đột quỵ, bị liệt nửa người bên phải. Trước đây, sinh hoạt của cô hoàn toàn lệ thuộc vào người khác.

Nhưng ở đây, chúng tôi tập cho cô các chức năng vận động gắn liền với sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi tập cho bệnh nhân sinh hoạt, làm việc thuần thục, kể cả chặt thịt bằng tay trái. Giờ, dù tay chân vẫn yếu, nhưng cô là một tay nội trợ trong gia đình".

Thấy phóng viên còn đang ngạc nhiên, chị Hạnh bập bẹ từng tiếng: "Tôi tự đi chợ, nấu ăn, lau nhà, rửa chén. Tôi nấu ăn ngon lắm đó, ông xã tôi rất thích".

Nói xong chị Hạnh cười tươi, niềm vui của một người đã mạnh mẽ vượt qua bệnh tật và kiên trì tập luyện để có thể trở về cuộc sống bình thường - dù sức khỏe không còn như xưa.

Người bệnh đón xuân 2021 ở Bệnh viện Chợ Rẫy
Người bệnh đón xuân 2021 ở Bệnh viện Chợ Rẫy

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI