Những cụ già, cựu binh trở lại chiến trường xưa: Dự đại lễ để biết ơn

30/04/2025 - 10:17

PNO - Giữa không khí tưng bừng kỷ niệm ngày hội thống nhất non sông, có một dòng chảy xúc động len lỏi trong biển người hân hoan. Đó là sự trở về của những mái đầu đã bạc, những người lính năm xưa, nay tìm về chiến trường cũ để tri ân đồng đội và sống lại ký ức hào hùng.

Bà Kim cùng bà Lan (trái) và bà Cang (phải) trong những khúc ca cách mạng - Ảnh: Thùy Dương
Bà Kim cùng bà Lan (trái) và bà Cang (phải) trong những khúc ca cách mạng - Ảnh: Thùy Dương

Bà Lê Thị Lan (73 tuổi) và vợ chồng người em gái Nguyễn Thị Cang (68 tuổi) háo hức chờ mong dự đại lễ từ nhiều tháng qua. Ngày 30/4, giữa TPHCM, bên cạnh những người trẻ nhiệt huyết, bà Lan và vợ chồng bà Cang như trẻ lại tuổi đôi mươi khi hoà nhịp, hát vang bài Mùa xuân trên TPHCM, Như có Bác trong ngày đại thắng...

Bà Lan tâm sự: "Ở tuổi này, tôi muốn hoà chung không khí của Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu không tham dự lần này thì chúng tôi khó có cơ hội được chứng kiến ngày hội non sông hào hùng đến vậy lần nữa. Chúng tôi đi dự với lòng tự hào và vô cùng biết ơn các anh hùng liệt sĩ".

Còn bà Cang nói trong niềm rưng rưng xúc động: "Tôi là con dân Việt Nam và tôi tự hào tôi là người Việt Nam". Bà Lan cũng cho biết, gia đình bà đến TPHCM từ ngày 27/4 và đã đi thăm nhiều di tích như địa đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập... "Đi tới đâu cũng tự hào, đi để nhớ ơn" - ông Tài, chồng bà Cang nói.

Bà Kim trong bộ quân phục của người chồng đã mất, xúc động dự đại lễ - Ảnh: Thùy Dương
Bà Kim trong bộ quân phục của người chồng đã mất, xúc động dự đại lễ - Ảnh: Thùy Dương

Ngồi cạnh bà Lan là bà Nguyễn Thị Kim (76 tuổi). Bà Kim thu hút sự chú ý khi khoác lên người bộ quân phục. Bà ngồi hoà nhịp hát những bài ca cách mạng với mọi người và liên tục quệt nước mắt. Bà cho biết, chồng bà là chiến sĩ của Sư đoàn 304 và là một trong những người trực tiếp tham gia giải phóng thành phố. "Ông ấy mất hôm nay là tròn 100 ngày, tôi mặc quân phục của chồng để ông được tận hưởng niềm vui của đất nước, dân tộc".

Hai dồng đội Trần Văn Dần (trái) và Tran Duy Huyền trong đại lễ kỉ niệm 50 năm giải phóng miền Nam - Ảnh: Thùy Dương
2 đồng đội cũ: Trần Văn Dần (trái) và Trần Duy Huyền (phải) trong đại lễ kỉ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - Ảnh: Thùy Dương

Trong dòng người dự đại lễ, có rất nhiều cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. 2 đồng đội Trần Duy Huyền (76 tuổi) và Trần Văn Dần (79 tuổi) từ Hà Nam trở lại chiến trường xưa sau ngày cùng quân đoàn tiến về Sài Gòn 50 năm trước. Ông Dần tâm sự: "Hôm nay trở lại TPHCM, chúng tôi vui và phấn khởi lắm. Nhưng cũng rất nhớ những đồng đội mình đã ngã xuống".

Bà Kim cùng gia đình bà Lan xúc động, vui mừng khi gặp nhau tại TPHCM trong không khí biết ơn, tự hào

Bà Kim cùng gia đình bà Lan xúc động, vui mừng khi gặp nhau tại TPHCM trong không khí biết ơn, tự hào - Ảnh: Thùy Dương

Sự hiện diện của những cụ già, những cựu chiến binh từ mọi miền đất nước tại TPHCM hôm nay không chỉ tô đậm thêm dấu ấn lịch sử của ngày đại lễ, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất và lòng biết ơn sâu sắc. Ký ức về một thời khói lửa, về những hy sinh cao cả, đã hòa quyện với niềm vui của ngày thống nhất, tạo nên một khúc ca tri ân vọng mãi trong lòng mỗi người con đất Việt.

Thuỳ Dương

 
TIN MỚI