Nhiều vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm

04/08/2013 - 23:17

PNO - PNO - Thống kê bảy tháng đầu năm của Bộ NN-PTNT cho thấy, vẫn còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thựcphẩm (VSATTP). Theo Sở NN-PTNT Đồng Nai, trong 100% mẫu thịt heo kiểm tra trên địa bàn, dù chưa phát hiện sử dụng chất...

Đây cũng là tình trạng phổ biến của nhiều địa phương. Kết quả giám sát ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm do Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, tại 31 tỉnh thành kiểm tra đánh giá, tỷ lệ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được phân loại lần đầu, xếp vào hạng mục C - không đạt chuẩn chiếm tới 44,7%, kiểm tra định kỳ xếp loại C lên tới 59,2%. Đặc biệt, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm thì con số này vẫn ở mức cao, chiếm tới gần 30%.

Nhieu vi pham ve ve sinh an toan thuc pham

Vẫn còn nhiều sai phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (ảnh minh họa, nguồn: internet)

Trong hàng loạt các chương trình giám sát VSATTP mà Bộ NN-PTNT thực hiện từ đầu năm tới nay, hầu hết các lĩnh vực đều phát hiện nguy cơ. Giám sát về ô nhiễm vi sinh vật, thuốc thú y và hóa chất trong thịt gia súc, gia cầm cho thấy, 7,7% các mẫu thịt gà kiểm tra bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh, ngoài ra 10% nhiễm các loại kháng sinh, 10% phát hiện tồn dư kháng sinh tetracycline vượt dư lượng cho phép. Kiểm tra gần bảy ngàn lượt cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm sản tại 31 tỉnh thành trên cả nước cũng phát hiện hơn 1.000 cơ sở vi phạm.

Theo đánh giá của Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, nhóm rau ăn lá có nguy cơ cao về vấn đề VSATTP hơn rau ăn quả. Trong 26 loại rau quả đã được giám sát, nho có nguy cơ cao nhất, xếp sau là dưa lê, chuối và thấp nhất là xoài và cam.

Tại Hội nghị trực tuyến về VSATTP do Bộ NN-PTNT tổ chức cuối tuần qua, Bộ trưởng Cao Đức Phát thừa nhận, VSATTP là vấn đề bức thiết mà người dân yêu cầu ngành nông nghiệp phải có sự quyết liệt hơn, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn.

Cái khó trong quản lý VSATTP mà Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng như đại diện của hầu hết các địa phương nêu ra, đó là: không có đủ nguồn nhân lực cũng như chi phí để kiểm tra tất cả các mặt hàng nông lâm thủy sản cũng như vật tư nông nghiệp trên thị trường. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong thời gian tới cần phải thực hiện tốt thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT tại các địa phương về phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh. “Đối với những cơ sở xếp loại C, cần xử lý nghiêm. Nếu vẫn vi phạm, đề nghị Sở Kế hoạch - đầu tư rút giấy phép, đình chỉ hoạt động và công bố cho người dân được biết”, Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.

Thực tế, vấn đề VSATTP hiện nay không chỉ là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp mà còn thuộc Bộ Y tế, Bộ Công thương (trực tiếp là Cục Quản lý thị trường) và Bộ Công an tham gia kiểm tra, giám sát. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trong việc giải quyết vấn đề mất VSATTP rõ ràng vẫn còn sự lỏng lẻo. Mới đây, khi hàng loạt doanh nghiệp trong nước đứng lên kêu cứu trước tình trạng cá tầm nhập lậu thì cơ quan chức năng mới vào cuộc, mặc dù trước đó, Bộ NN-PTNT đã cảnh báo về tình trạng “vượt biên trái phép” của tôm giống, cá tầm… đang nằm ngoài kiểm soát. Phải đợi tới chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, thông tin cá tầm nhập lậu mới chính thức được cơ quan công an điều tra, công bố.

Thậm chí, tại Hội nghị trực tuyến về VSATTP, lãnh đạo của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ lâu và không chỉ riêng với mặt hàng cá tầm như báo chí thông tin mà còn với nhiều mặt hàng thủy hải sản khác.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI