Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Cuộc sống ngắn ngủi mà hoài bão còn nhiều

19/01/2020 - 06:53

PNO - Trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, ta như được lây lan niềm vui từ nụ cười tươi trẻ và ánh mắt an nhiên của ông.

 

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi là một tên tuổi đầy uy tín đối với giới đấu giá tranh trong và ngoài nước. Những năm sau này, ông gần như dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu Mỹ thuật - một lĩnh vực mà ông mê đắm từ bé. May mắn được tiếp cận khá nhiều nguồn tài liệu về mỹ thuật từ các bảo tàng, gia đình và nhiều người quen… cùng thói quen làm việc tỉ mỉ đã cho ông kiến thức sâu sắc và cách trình bày khoa học về các vấn đề mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật Đông Dương.

Thế nhưng, không thể không nhắc tới thời trang - lĩnh vực đã giúp ông thành danh, được công chúng biết đến với danh nghĩa một nhà dựng mốt nổi tiếng đã làm việc cho các thương hiệu thời trang lừng danh Dior, Hermes, Givenchy… thiết kế trang phục cho ca sĩ Madonna, diễn viên Nicole Kidman, nữ hoàng Iran Soraya…

Trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, ta như được lây lan niềm vui từ nụ cười tươi trẻ và ánh mắt an nhiên của ông. Rất hiếm khi thấy người đàn ông này không cười. Dường như ông đem nụ cười ấy vào công việc của mình, thế nên xem những gì ông làm đều thấy có sự miệt mài, kỹ lưỡng nhưng không có sự hiện diện của nỗi nhọc nhằn. 

Thẩm định tranh Thiếu nữ cầm quạt của Nam Sơn, nhà đấu giá Aguttes, Paris 2018
Thẩm định tranh Thiếu nữ cầm quạt của Nam Sơn, nhà đấu giá Aguttes, Paris 2018

Thời trang Việt đang trên đường hướng đến cao cấp

Phóng viên: Ông gần như dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu mỹ thuật nhưng dường như cảm hứng về thời trang trong ông vẫn còn vì người ta vẫn thấy ông tham gia các buổi nói chuyện về thời trang?

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Như bạn biết, thời trang đã chọn tôi. Những ngày đầu sang Pháp, tôi gần như chẳng có sự lựa chọn nào khác nên theo đuổi thời trang. Cuộc sống rất ngắn ngủi mà tôi thì còn nhiều hoài bão, bây giờ đã đến lúc tôi chọn mỹ thuật - niềm đam mê của mình. Tuy vậy, khi các bạn trẻ muốn tôi nói chuyện về thời trang, tôi vẫn tham gia vì các buổi ấy nói về những thứ có sẵn trong đầu, tôi không mất thời gian để soạn giáo trình, bài viết.

Không trực tiếp làm thời trang nữa nhưng tôi vẫn muốn truyền lại cho các bạn trẻ kinh nghiệm 30 năm trong nghề. Những buổi đó, tôi rất vui vì nói được những điều tinh tế mà các bạn trẻ chưa nhận ra. Ví dụ, tôi nói về thời trang cao cấp. Đối với tôi, đó là thời trang đơn giản và thuần khiết nhất, vì càng đơn giản càng khó làm. Thời trang rườm rà có cái để che giấu, còn đơn giản nếu may không khéo sẽ thấy ngay những lỗi kỹ thuật.

Ngày tôi nói từ bỏ thời trang, bạn bè hoảng hốt, hỏi làm sao tôi có thể sống được đây. Nhưng tôi nghĩ có khi tôi chỉ còn 20 năm để sống, lại còn quá nhiều điều để làm nên phải làm từ bây giờ kẻo không kịp. Được sống gần mẹ và có nhiều thời gian để nghiên cứu, tôi cho rằng mình đang sống một quãng đời hạnh phúc nhất. 

* Ông nói gì về thời trang Việt ở cả hai mảng ứng dụng và trình diễn?

- Thật sự tôi không theo dõi nhiều về thời trang Việt Nam nhưng qua những gì tôi thấy thì ở đất nước mình, văn hóa thời trang rất ít. Cho đến khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời, ông Cát Tường, Lê Phổ cải tiến áo dài, chúng ta mới có áo dài cho đến tận nay. Thời trang của ta trước đó chỉ quanh quẩn vài kiểu cho đến khi đất nước mở cửa và internet xuất hiện, truyền thông dễ dàng hơn thì cái nhìn có thoáng hơn nhưng thiết kế Việt vẫn có gì đó quá rườm rà. So sánh thì khập khiễng vì ngành thời trang ở mình khá mới, trong khi người ta đã tồn tại hàng trăm năm. Tôi cho rằng một ngày nào đó, thời trang Việt sẽ có những cách tân để hoàn thiện hơn. 

Tôi tiếc áo dài vì người ta ít dùng hơn ngày trước, có lẽ vì sự phức tạp của nó, bên cạnh đó lại có nhiều mốt mới từ các nước du nhập vào. Hy vọng áo dài không biến mất khỏi thời trang Việt Nam. Về thời trang cao cấp của Việt Nam, tôi ít khi tiếp xúc nhưng nhìn chung, người Việt Nam rất khéo tay và bắt chước rất giỏi, chỉ tiếc là thiếu tính sáng tạo nên thời trang Việt thiếu cá tính, ngoài chiếc áo dài. Hiện giờ vẫn có một số người tìm cách sáng tạo nhưng vẫn chưa thành công, hy vọng lớp trẻ sau này sẽ có những cái mới.

* Theo ông, ở Việt Nam có thời trang cao cấp không?

- Thời trang Việt đang trên đường đi đến thời trang cao cấp. Đối với tôi, thời trang Việt hiện tại vẫn còn thiếu tính mỹ thuật và thừa tính rườm rà, phô bày… nên vẫn chưa thể gọi là cao cấp. Hiện nay, nhiều nhà thiết kế bỏ rất nhiều tiền cho công việc của mình nhưng tiếc là để PR tên tuổi nhiều hơn xây dựng chất lượng thương hiệu. Có một số tín hiệu vui là Việt Nam đã có những nhà thiết kế tạo được tiếng vang trên thế giới, dù ít như hạt cát trong đại dương thời trang nhưng để tiếp cận được các nhà mốt danh tiếng và tạo được tiếng vang như họ không phải là điều dễ dàng.

* Ngoài sự chưa mạnh về văn hóa, theo ông còn điều gì nữa khiến thời trang Việt thiếu cá tính và gu thẩm mỹ?

- Vì còn thiếu sự giáo dục về cái đẹp. Bạn thử nghĩ xem, tại sao nước Pháp được xem là kinh đô của thời trang? Tâm tình Pháp là tâm tình nghệ thuật và thơ văn nên sản sinh ra nhiều danh họa, văn hào. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên khi nước Pháp được xem là cái nôi của thời trang và nước hoa, vì sự tinh tế và nhẹ nhàng, gu thẩm mỹ của họ cũng đã có từ xa xưa. Nền văn minh lâu đời cộng với sự giáo dục được truyền bá hằng ngày đã tạo nên gu thẩm mỹ và giúp họ trở thành những người thanh lịch.

Từ khi bước chân vào mẫu giáo, học sinh đã đi bảo tàng theo chương trình học. Học sinh nhìn ngắm thật lâu một bức tượng hay bức tranh xưa là hình ảnh rất quen thuộc trên đất Pháp. Những đứa trẻ ấy được nói lên những suy nghĩ ngây thơ của mình và khi trưởng thành sẽ thật khác với những đứa trẻ không có cùng nền giáo dục. Ở Việt Nam cần những điều như vậy, tôi thấy bảo tàng ở Việt Nam có nhiều điều cần phải thay đổi và truyền bá để bảo vệ nền mỹ thuật nước ta, cũng chính là giáo dục về cái đẹp. 

Nếu không có nạn tranh giả, tranh nhái, tranh chép, giá trị của tranh Đông Dương đối với thế giới còn lớn hơn

* Về nghiên cứu mỹ thuật, có phải ông đang muốn viết sách về họa sĩ Nam Sơn, ông ngoại của ông, sau cuốn Thang Trần Phềnh đã xuất bản năm ngoái?

- Tôi viết cuốn sách về họa sĩ Thang Trần Phềnh từ một sự tình cờ. Trong thời gian nghiên cứu về ông ngoại mình, tôi đã gặp một số tài liệu về Thang Trần Phềnh, một họa sĩ bị bỏ quên rất lâu, trong khi có thể xem ông là một viên kim cương khởi đầu của mỹ thuật Việt Nam. Một người tôi muốn viết nữa là họa sĩ Lê Văn Đệ, đỗ thủ khoa khóa 1 khi thi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương, lập ra Trường Mỹ thuật Gia Định. Ông là người mà thế giới biết nhiều hơn Việt Nam và là người trang trí tòa thánh Vatican. Một người nữa tôi muốn viết là họa sĩ Nam Sơn… Đó là những kế hoạch tôi phải làm trước khi về miền miên viễn (cười). 

Bên tranh Rừng nhiệt đới của Lê Văn Đệ,  nhà đấu giá Aguttes, Paris 2019
Bên tranh Rừng nhiệt đới của Lê Văn Đệ, nhà đấu giá Aguttes, Paris 2019

* Đối với hội họa Việt Nam, ông vẫn đánh giá cao hội họa Đông Dương nhất phải không, thưa ông?

- Nếu tôi không đánh giá cao hội họa Đông Dương thì không còn gì cao hơn nữa trong hội họa Việt Nam. Khi nói đến mỹ thuật Việt Nam, mỹ thuật Đông Dương vẫn có tiếng vang nhất đối với thế giới. Mỹ thuật hiện đại Việt Nam có giá trị nhưng vẫn không được đánh giá cao bằng. Trường Mỹ thuật Đông Dương là môi trường giáo dục rất khắt khe, theo giáo trình của Trường Mỹ thuật Paris, mỗi khóa chỉ chọn đào tạo 10 người. Bạn có thể thử so sánh với những khóa đào tạo cả trăm người như hiện tại. 

Thời mỹ thuật Đông Dương, rất khó khăn mới có triển lãm và mỗi lần triển lãm đều gây được tiếng vang lớn. Giáo dục Mỹ thuật Đông Dương tạo được một nền hội họa hoàn toàn khác, vừa Đông vừa Tây mà lại rất Việt Nam. Người ta nhìn vào tranh Đông Dương biết ngay đó là tranh Việt Nam. Tôi vẫn tiếc là nếu không có nạn tranh giả, tranh nhái, tranh chép, giá trị của tranh Đông Dương đối với thế giới sẽ còn lớn hơn. 

Thời chiến tranh, những người làm mỹ thuật hơi thiếu nguyên tắc. Ví dụ, trường hợp họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, khi đó là Viện trưởng Viện Mỹ thuật Việt Nam. Vì hoàn cảnh chiến tranh nên ông cho phép chép lại tranh xưa nhưng lại không ghi tranh này là tranh chép và đánh dấu là tranh chép số mấy, nên sau này vàng thau lẫn lộn, người ta không biết đâu là tranh thật, đâu là tranh giả. Người chép tranh lại chép bừa bãi rồi bán khắp nơi. Hoặc trường hợp Bùi Xuân Phái, người ta vẫn mỉa mai rằng ông sáng tác nhiều hơn khi còn sống. 

Có buồn không khi giá tranh đồng môn của ông Nam Sơn bên Pháp là họa sĩ Foujita (Nhật Bản) và Từ Bi Hồng (Trung Hoa) đã lên đến hàng trăm đô la, còn tranh mình cán mốc 1,4 triệu đô la thì đã vui mừng lắm, trong khi tầm mức của tranh Đông Dương Việt Nam nào kém tranh của Foujita hay Từ Bi Hồng.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại buổi ra mắt sách Thang Trần Phềnh tại Hà Nội năm 2018
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại buổi ra mắt sách Thang Trần Phềnh tại Hà Nội năm 2018

* Vấn đề tranh giả như vừa nêu có thách thức ông trong việc đánh giá một bức tranh không?

- Mỗi lần đánh giá một bức tranh, tôi luôn đắn đo vì tên tuổi tôi còn đi theo bức tranh đó. Vừa rồi tôi đánh giá một bức tranh của họa sĩ Nam Sơn, người ta nói đó là tranh giả, tôi bảo rằng tôi không bao giờ đánh giá tranh một cách bâng quơ. Khi nói đó là một bức tranh thật thì tôi đều có bằng chứng, từ tư liệu, lịch sử, nét bút... Tôi không thể cộng tác với những người làm tranh giả khi đánh giá một bức tranh, dù nhiều lúc họ đưa ra một số tiền rất lớn để cám dỗ. 

* Để trở thành một chuyên gia thẩm định tranh, người ta phải làm những gì, thưa ông? 

- Thứ nhất, tham gia những lớp học hội họa, như Trường Bảo tàng Louvre (École du Louvre). Tiếp theo, học ở trường đời. Cứ đi bảo tàng xem tranh thật hoài, khi nhìn được thật nhiều tranh thật, sẽ dễ nhìn ra tranh giả. (Khi học ở Louvre, tôi bỏ ra một năm để đi xem tranh, mỗi tuần 3-4 buổi). Cuối cùng là những tinh tế, rung động của riêng mỗi người mà không ai có thể dạy được. Chúng ta chỉ học được những điều cơ bản và phải đọc sách nhiều để hiểu các tác giả. Khi bạn tạo dựng được uy tín, nhiều nhà đấu giá sẽ mời bạn đến thẩm định.

* Có bức tranh nào khiến ông chào thua, không thể thẩm định nổi?

- Nhiều bức tranh các nhà đấu giá đưa tôi không thẩm định được vì có nhiều nghi vấn, vì vậy tôi từ chối, để họ mời người khác có nhiều khả năng và kinh nghiệm hơn. Chẳng hạn, tôi không giỏi về tranh Bùi Xuân Phái nên bảo tôi thẩm định thì tôi “chịu chết”, một số người quen Bùi Xuân Phái sẽ nhìn ra được những cái riêng của ông mà tôi thì không; tôi chỉ tiếp cận ông qua sách vở, như vậy không đủ. Ngược lại, người ta thường đề nghị tôi thẩm định tranh Nam Sơn hay Thang Trần Phềnh vì tôi đọc và biết nhiều về hai họa sĩ đó. 

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi là một tên tuổi đầy uy tín đối với giới đấu giá tranh trong và ngoài nước
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi là một tên tuổi đầy uy tín đối với giới đấu giá tranh trong và ngoài nước

Danh tiếng đôi khi chỉ đem lại sự phiền phức

* Ông nói rằng mình tự học đàn, hát, vẽ… có bao giờ ông mơ ước mọi người biết đến mình là họa sĩ Ngô Kim Khôi?

- Tôi không muốn người ta gọi mình là nhà thẩm định tranh hay họa sĩ gì cả. Tôi cũng không thích mọi người gọi tôi là cháu ngoại ông Nam Sơn như một danh hiệu, mặc dù đó là sự thật không thể chối cãi (cười). Tôi chỉ muốn cống hiến những gì mình cho là thật, những gì của lịch sử thì trả lại cho lịch sử, viết cái gì người khác chưa biết và tìm kiếm lại những người bị lãng quên. Danh tiếng chẳng những không đem lại cho tôi điều gì cả mà nhiều khi còn đem lại phiền phức. 

* Vì ông thấy mình là một nhà nghiên cứu hơn là một họa sĩ giỏi?

- Sở dĩ tôi nghĩ mình nghiên cứu tốt hơn vẽ vì cơ duyên đưa tôi đến với rất nhiều nguồn tài liệu. Càng nhiều tài liệu, sự đánh giá của tôi càng sắc bén, giúp lời nói của tôi được tôn trọng. Tôi chỉ vẽ chơi chứ có phải họa sĩ đâu. Tôi cũng nghiên cứu một số thôi, nói tôi là nhà nghiên cứu thì người ta cười cho. Sở dĩ những điều tôi viết làm người ta ngạc nhiên là vì thấy nhiều chi tiết trong sách, cũng nhờ tôi có nhiều tài liệu nên viết có bằng cớ.

Nguồn tài liệu tôi có nhờ sự lưu trữ rất tốt ở Pháp, từ ông Nam Sơn, từ gia đình ông Victor Tardieu nên tôi có nhiều tài liệu về mỹ thuật Đông Dương. 

* Từng đậu y khoa rồi bỏ để bước chân vào thời trang, khi đó ông có tiếc nuối không?

- Có chứ, nhưng cuộc đời là một chuỗi dài định mệnh, đôi khi mình không chọn được con đường mình đi. Ngày tôi rời Việt Nam đi Pháp năm 1984 là khoảng thời gian rất khó khăn của đất nước mình. Khi đó, tôi như một cái cây yếu đuối bị bứng từ vùng đất nhiệt đới để trồng ở vùng đất ôn đới lạnh lẽo. Tôi phải cố gắng bám rễ mà sống. Tôi không có sự chọn lựa mà chỉ có một con đường duy nhất là đi làm kiếm tiền.

Khi đó, mẹ tôi vẫn sống ở Việt Nam, tôi phải giúp đỡ gia đình. Nghề may chọn tôi trong khoảng thời gian này. Tôi được một người ở Pháp dạy may, vừa làm vừa học. Cuộc đời tôi chủ yếu là tự học. Những thiếu thốn buộc tôi phải cố gắng. Nếu định mệnh đưa đẩy vào con đường đó thì tôi phải làm sao để con đường đi của mình được nở hoa thay vì than thở. Tôi nhất quyết phải thành công. Tôi đi làm và vẫn dõi theo đam mê của mình là nghiên cứu hội họa. Tôi đọc tài liệu và viết bài, nhờ vậy không nhàm chán và cũng bớt tiếc nuối. Tôi chỉ tiếc một điều là không được đi học một cách chính quy nhưng suy nghĩ lại điều đó cũng không tệ. 

“Bảo tàng, các hội mỹ thuật và các nhà nghiên cứu phải đồng lòng trong việc giữ gìn tranh Đông Dương. Một số tranh đã bị chép nhưng vẫn biết lịch sử của nó, thời gian trôi qua quá lâu không còn phân định được thật giả, thì cần phải được đánh số, ghi chú người sưu tập và lưu giữ ở đâu… Những gì có thể loại thì phải loại, phạt nặng người làm tranh giả. 

Về bảo quản, như sự cố tranh Nguyễn Gia Trí, Bảo tàng TP.HCM vừa lúng túng vừa thiếu kinh phí trong việc khắc phục. Tôi nghĩ cần bỏ kinh phí mời chuyên gia từ các nước về bàn cách khắc phục chứ làm bừa thì càng hỏng thêm”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi


Lam Hạnh  (thực hiện) 
Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI