Nhà đài, nhà sản xuất “cổ xúy” thói quen chửi bới?

27/05/2020 - 07:26

PNO - Qua việc lý giải của Trang Trần về thói quen chửi bới trong chương trình Giải mã kỳ tài, liệu nhà đài, nhà sản xuất muốn truyền tải thông điệp gì từ hành vi thiếu văn hóa đó?

Trang Trần là một cựu người mẫu, cũng từng lấn sân diễn xuất. Nhưng điều công chúng nhớ về cô không phải là những thành tựu trong hai lĩnh vực này, mà chủ yếu là thói quen chửi bới trên mạng xã hội, cùng những hành xử thiếu tế nhị. Đúng - sai trong mỗi câu chuyện của Trang Trần chưa bàn đến, nhưng có thể thấy đây là ví dụ điển hình cho cách ứng xử thiếu văn hóa, đặc biệt với người nổi tiếng.

Nhà đài “tiếp tay”

Hai ngày qua, cái tên Trang Trần lại gây xôn xao khi khi cô xuất hiện trong chương trình Giải mã kỳ tài do MCV sản xuất, phát sóng trên HTV7, phát lại trên kênh YouTube HTV Entertainment. Thói quen chửi bới - vốn được xem là biểu hiện của sự thiếu văn hóa - của cựu người mẫu, lại trở thành đề tài để chương trình đi tìm lời giải, thậm chí được biện hộ bằng sự mạnh mẽ, thẳng thắn. 

Trang Trần, MC Quyền Linh, tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chương trình Giải mã kỳ tài
Trang Trần, MC Quyền Linh, tiến sĩ Lê Thẩm Dương trong chương trình Giải mã kỳ tài

Trang Trần không ngần ngại thừa nhận: “Ai cũng nghĩ rằng Trang quen chửi, nhưng thực tế Trang thích và cố tình chửi như vậy”. Thói quen chửi bới cũng được lý giải là chìa khóa giúp cô tăng lượng theo dõi, tương tác trên mạng xã hội, tìm khách hàng tiềm năng và hỗ trợ cho công việc buôn bán, thậm chí chỉ để giết thời gian trống. 

Cô còn đưa ra những lời lẽ như: “lành với người cần lành”, “không có thói quen nhịn”… như để bào chữa cho việc chửi bới. Những lời giải được Trang Trần đưa ra không chút ngại ngần, trước sự e dè của MC Quyền Linh và cả tiến sĩ Lê Thẩm Dương. Trong khi đó, khán giả xem đài không khỏi băn khoăn về những điều họ đang tiếp nhận. 

Việc chửi bới được “tiếp tay” trên sóng truyền hình, liệu có bình thường? Ấy vậy mà, HTV, đơn vị gác cửa cho những sản phẩm văn hóa, lại cho phép số ghi hình này lọt cửa kiểm duyệt, phát khung giờ vàng 20g30. Khác nào, đơn vị phát sóng đang tiếp tay “đầu độc” khán giả. Trong khi đó, “sức đề kháng” của họ với những sản phẩm văn hóa độc hại vẫn là câu chuyện trầm kha trong nhiều năm qua. 

Có bao nhiêu trẻ em, thanh thiếu niên đã xem chương trình này và lấy đó làm tiêu chuẩn hành xử? Có bao nhiêu người bán hàng áp dụng chiêu thức của Trang Trần để mong làm ăn phát đạt? Trang Trần có thể thành công (theo thước đo riêng của cô) từ thói quen, sở thích chửi bới. Nhưng điều đó không phải, lại càng không nên trở thành hình mẫu - để được tung hô, quảng bá trên phương tiện truyền thông đại chúng. 

Sở thích chưi bới của một cá nhân không nên trở thành hình mẫu - để được tung hô, quảng bá
Sở thích chửi bới của một cá nhân không nên trở thành hình mẫu - để được tung hô, quảng bá

Đáng nói hơn, chương trình này đã được HTV tiếp tục phát lại trên kênh YouTube HTV Entertainment. Người làm văn hóa, tiếp tay cho sản phẩm, hành vi thiếu văn hóa, liệu có bình thường?

Nhà sản xuất lại càng có lỗi

Kỳ tài được hiểu là tài năng vượt xa mức bình thường. Vậy, cần nhắc cho nhà sản xuất (NSX) rằng, chửi bới là hành vi thiếu văn hóa, chứ không phải tài năng. Việc chọn Trang Trần gắn vào hai chữ “kỳ tài”, NSX đang muốn cổ xúy cho những giá trị lệch lạc, hay để câu khách, hoặc là biểu hiện cho trình độ nhận thức kém cỏi của ê-kíp sản xuất? Là gì trong ba lý do này, cũng đều không thể chấp nhận, trong môi trường văn hóa hiện tại, luôn cần sự tiến bộ, văn minh. 

Đáng nói hơn, MCV đã chia sẻ trên kênh YouTube bản ghi hình số phát sóng này dài đến 37 phút, trong khi đó, bản của HTV chỉ dài 26 phút. Trong đó, Trang Trần có cuộc đấu khẩu nảy lửa với tiến sĩ Lê Thẩm Dương, được cho là thiếu lễ độ. Ngoài ra, cô còn dùng một số từ ngữ, tiếng lóng thiếu văn hóa để trò chuyện. Những chi tiết này đều được cắt khỏi bản phát sóng của HTV.

NSX hiện đã khóa tính năng bình luận trên video này, trong khi ba số phát sóng trước đó, tính năng bình luận vẫn còn. Giải mã kỳ tài không phải là chương trình duy nhất MCV sản xuất, bên cạnh đó còn có: Vợ chồng son, Bạn muốn hẹn hò… Vì thế, NSX hoàn toàn có thể đoán được phản ứng của khán giả khi phát video trên. Việc khóa bình luận, phải chăng là động thái tự tạo “bảo hiểm” của MCV trước phản ứng của dư luận, dành cho một sản phẩm thiếu văn hóa nhưng NSX vẫn cố tình sản xuất và cho lên sóng? 

MCV khoá bình luận trên video của Trang Trần
MCV khoá bình luận trên video của Trang Trần

Cách đây vài ngày, tình huống tương tự cũng xảy ra với chương trình Vợ chồng son. Trong bản phát sóng của HTV đã được cắt bỏ bớt những chi tiết thô tục, nhưng khi MCV đăng tải trên YouTube lại giữ nguyên. Ngoài ra, NSX này còn đặt tít cho video khá nhạy cảm. Điều đó càng khiến dư luận tin rằng sự việc của Trang Trần không phải là sự vô tình của NSX. 

Khi chương trình truyền hình mọc lên như nấm sau mưa, NSX buộc phải dùng nhiều chiêu thức để tăng sự cạnh tranh. Nhưng việc cố tình hút dư luận bằng những câu chuyện khiếm nhã, thiếu văn hóa không nên được tồn tại. Khán giả, bằng quyền lực mềm, hoàn toàn có thể chi phối điều đó. 

Thành Lâm

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI