Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được quyền bầu cử trong nước?

01/03/2013 - 14:22

PNO - PN - Tại khoản 1, điều 34 (sửa đổi, bổ sung điều 57) có nội dung “mọi người có quyền tự do kinh doanh”, tôi cho rằng ý này thiếu chặt chẽ và chung chung, bởi thực tế, ngoài những người kinh doanh các mặt hàng được Nhà nước...

Khi đọc ý này, mọi người có thể hiểu là có quyền tự do kinh doanh mọi mặt hàng. Do đó, ý này cần thêm nội dung “Mọi người có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”. Khoản 2, điều 18 (sửa đổi, bổ sung điều 49) có ghi “Công dân Việt Nam không thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước CHXHCN Việt Nam, giao nộp cho nhà nước khác”. Theo tôi, ghi như thế chỉ đúng khi người đó có một quốc tịch. Trong trường hợp công dân có hai quốc tịch thì sao? Nếu không giao nộp công dân VN cho nước đề nghị dẫn độ (mà người đó có quốc tịch của nước đề nghị dẫn độ) thì không đúng với thông lệ quốc tế. Do đó, cần phải quy định rõ ý này.

Nguoi Viet Nam dinh cu o nuoc ngoai co duoc quyen bau cu trong nuoc?

Tại điều 19 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung điều 75 nêu: “Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Nội dung này khẳng định thể chế nhà nước ta bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, thể hiện tính cộng đồng và đoàn kết của dân tộc Việt Nam đối với mọi người Việt Nam dù định cư ở đâu. Tuy nhiên, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được quyền tham gia bỏ phiếu bầu cử tại các cơ quan dân cử (đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) hay không cũng cần nêu rõ để tránh sự hiểu lầm về các quyền của người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Ngoài ra, điều 67 (sửa đổi, bổ sung điều 37, điều 38) có ghi:

1. Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt, là động lực thúc đẩy phát triển đất nước. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm nâng cao trình độ quản lý, phát triển văn hóa, kinh tế tri thức, thúc đẩy tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường và sức khỏe của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

2. Nhà nước thúc đẩy phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học và công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại trên thế giới; khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; bảo đảm quyền tự do nghiên cứu và sáng tạo khoa học, công nghệ.

3. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và được hưởng thụ lợi ích từ các hoạt động khoa học, công nghệ.

Tôi cho rằng cần bổ sung ý: “Nhà nước tạo điều kiện về cơ sở vật chất và đãi ngộ để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến…”. Vì thực tế, những năm qua, chúng ta đang phải đối mặt với sự chảy máu chất xám, đối mặt với tình trạng bỏ phí nhiều công trình sáng tạo có ý nghĩa thực tiễn rất cao của nhiều tập thể và cá nhân, do họ không đủ điều kiện triển khai. Sự khẳng định của Hiến pháp sẽ là cơ sở cho việc hoạch định các chính sách, thu hút và sử dụng hiệu quả nhân tài của đất nước.

Lê Tuấn (P.10, Q.Gò Vấp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI