Người tiêu dùng cần hiểu đúng về chất cấm, phụ gia... để tự bảo vệ sức khỏe

31/08/2021 - 06:44

PNO - Theo nhiều chuyên gia, trước những vụ việc như mì Hảo Hảo, miến Good (Acecook Việt Nam), mì khô vị bò gà (Công ty Thực phẩm Thiên Hương) phải thu hồi tại châu Âu vì chứa ethylene oxide, loại chất cấm dùng trong thực phẩm… người tiêu dùng cần bình tĩnh tìm hiểu sự việc, theo dõi kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, trang bị kiến thức về các chất cấm, phụ gia trong thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình.

Ethylene oxide là chất gì?

Ở cùng thời điểm các nước châu Âu thông báo thu hồi thực phẩm chế biến Việt Nam còn có các sản phẩm mì hải sản Yato của Trung Quốc, mì ăn liền của Hàn Quốc cũng bị thu hồi. 

Theo tiến sĩ Phan Thế Đồng - giảng viên bộ môn công nghệ thực phẩm và dinh dưỡng, Đại học Hoa Sen (TPHCM) - ethylene oxide là một chất khí không màu và dễ cháy, thường được sử dụng trong sản xuất chất chống đông như ethylene glycol, chất tẩy rửa dùng để sát khuẩn bề mặt, chất kết dính cho sản xuất nhựa PET, hàng dệt may, các chất ổn định cấu trúc cho 
thực phẩm... 

Do ethylene oxide có khả năng gây đột biến, ung thư và là chất khí gây mê nên chúng không được phép sử dụng trực tiếp vào thực phẩm. Tuy nhiên, ở nhiều nước, chất này được sử dụng trong việc khử khuẩn bề mặt các loại nông sản, thảo mộc, các loại hạt khô và gia vị phơi khô như ớt bột, tiêu, quế... chống côn trùng, mối mọt. Tại châu Âu, quy định về dư lượng của ethylene oxide trong trà, hạt ca cao và gia vị là 0,1mg/kg; đối với các loại hạt là 0,05mg/kg sản phẩm.

Vụ việc mì Hảo Hảo phải thu hồi tại châu Âu vì chứa chất cẩm gây chú ý dư luận tại Việt Nam vì đây là một trong những sản phẩm được tiêu thụ nhiều. -Ảnh: FSAI
Vụ việc mì Hảo Hảo phải thu hồi tại châu Âu vì chứa chất cẩm gây chú ý dư luận tại Việt Nam vì đây là một trong những sản phẩm được tiêu thụ nhiều. Ảnh: FSAI

Tuy nhiên, các chuyên gia về an toàn thực phẩm đều loại trừ khả năng các nhà sản xuất dùng ethylene oxide dùng như một loại phụ gia. Tiến sĩ Phan Thế Đồng cho rằng, ethylene oxide trong mì ăn liền hay miến, phở… có thể bị lây nhiễm từ chất tẩy rửa dụng cụ, thiết bị trong dây chuyền sản xuất, nhưng cũng có thể từ dư lượng trong các thành phần gia vị hoặc chất phụ gia dùng làm chất ổn định cấu trúc.Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) - ethylene oxide có khả năng gây ung thư nếu tồn đọng trong cơ thể trong thời gian dài. 

Không nên sử dụng quá nhiều thực phẩm chế biến sẵn

Theo giới chuyên môn, các nhà sản xuất thường dùng các chất bảo quản, chất chống ô-xy hóa… để bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, còn dùng thêm các chất phụ gia về màu, mùi, vị, chất ổn định cấu trúc... Các chất phụ gia này đã được nghiên cứu và xác định hàm lượng cho phép sử dụng trong từng loại thực phẩm.

Tuy nhiên, người tiêu dùng (NTD) cần đọc kỹ nhãn sản phẩm, nhất là bảng “thành phần” để biết sản phẩm có dùng các chất phụ gia hay không. Thông thường, các phụ gia được kê khai dưới dạng các chất có kèm theo mã số E. Một khi NSX đã kê khai tức là chịu trách nhiệm về mặt an toàn thực phẩm. NTD nên cẩn trọng với những sản phẩm không có nhãn rõ ràng vì không thể biết được các loại phụ gia trong đó có được phép sử dụng hay không. Ngoài chỉ tiêu hàm lượng tối đa hóa chất, phụ gia dùng trong thực phẩm, còn một chỉ tiêu rất quan trọng là hàm lượng được phép dùng trong một ngày/đêm. Nếu sử dụng một loại thực phẩm chế biến quá nhiều trong một ngày/đêm hay trong một thời gian dài thì nguy cơ hóa chất độc hại tích tụ trong cơ thể vượt quá hàm lượng cho phép. Chẳng hạn sản phẩm bia, rượu thì nồng độ cồn không quan trọng bằng lượng bia, rượu nạp vào cơ thể/ngày. 

“NTD cần biết tự cân đối lượng thực phẩm và loại sản phẩm dùng mỗi ngày, nên thay đổi luân phiên nhiều loại chứ không nên ăn một sản phẩm liên tục trong thời gian dài sẽ có nguy cơ độc hại cho cơ thể”, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị. 

Tại buổi họp báo chiều 28/8, ông Kajiwara Junichi, Tổng giám đốc Acecook Việt Nam, cho biết hai sản phẩm bị Ireland thông báo thu hồi là sản phẩm xuất khẩu dành riêng cho thị trường châu Âu, không phải sản phẩm tiêu thụ nội địa. Acecook Việt Nam không sử dụng ethylene oxide trong bất kỳ khâu sản xuất, lưu thông nào. Hiện công ty đang kiểm tra trên diện rộng để tìm nguyên nhân và có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo chất lượng sản phẩm và sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp rà soát toàn bộ danh mục sản phẩm Acecook Việt Nam, Công ty Thực phẩm Thiên Hương đang phân phối trong nước; kiểm tra xác minh quy trình sản xuất và xác định các vi phạm nếu có để bảo vệ quyền lợi NTD.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI