Người tâm thần liên tục gây án, làm sao để chung sống an toàn?

12/05/2022 - 19:14

PNO - Tại Nghệ An, đã có không ít vụ án mạng xảy ra mà nạn nhân chính là người thân của bệnh nhân tâm thần.

Người thân gánh hậu quả

Nhiều ngày trôi qua, người dân vùng quê nghèo xã Trung Thành (huyện Yên Thành, Nghệ An) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhắc lại vụ án con trai đoạt mạng mẹ già 94 tuổi chỉ vì một điều rất vụn vặt trong cuộc sống. 

Ông Trần Thượng Hoàn - Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết nghi phạm Nguyễn Hữu Toàn bị bệnh tâm thần từ nhiều năm qua. 

Trước tết, bệnh tình của Toàn thuyên giảm nên được xuất viện, hàng tháng đều uống thuốc trợ cấp. “Bình thường thì cũng không sao, những mỗi lúc lên cơn người này thường quậy phá, chửi bới khiến nhiều người dân cũng e ngại”, ông Hoàn nói.

Bà Thường dựng cũi nuôi con trai tâm thần
Bà Thường dựng cũi nuôi con trai tâm thần

Trưa 4 ngày trước, Toàn qua nhà mẹ ruột là bà Trần Thị H. (94 tuổi) kế bên cạnh chơi. Một lúc sau, bà H. thấy tiền trong túi áo mất nên gặng hỏi. Toàn bực tức chửi bới rồi bất ngờ dùng dao gọt trái cây đâm nhiều nhát khiến bà H. tử vong ngay tại chỗ.

Theo Chủ tịch UBND xã Trung Thành, gần nhà của Toàn cũng có một hoàn cảnh tương tự. Mỗi lần phát bệnh, người này thường chửi bới, đập phá đồ đạc, thậm chí dùng dao đe dọa nhiều người. Người thân phải nhờ công an can thiệp để đưa đi bệnh viện điều trị. Quá chán nản, vợ con người này đã phải bỏ về nhà ngoại sinh sống.

Cuối tháng 3/2022, bà Lê Thị H. (64 tuổi, trú xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) được người thân phát hiện tử vong trong nhà với nhiều vết chém trên cơ thể. Không lâu sau đó, kẻ gây án được xác định chính là con gái ruột đang điều trị bệnh tâm thần của bà H. Theo chính quyền địa phương, bà H. thường bị con gái đánh mỗi lúc lên cơn. 

Bà Lương Thị Thường (trú xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An) cũng khổ tâm không kém. Do không chịu nổi những lần người con trai 33 tuổi đập phá đồ đạc, bỏ nhà đi khiến cả gia đình mất cả tháng trời ròng rã đi tìm, bà Lương Thị Thường bấm bụng nhốt con trong cũi gỗ. Nhìn con cứ gào thét trong chiếc cũi mỗi đêm, bà lại ứa nước mắt, song với bà đây là cách để chăm sóc con tốt nhất hiện tại.

Hơn chục năm chăm con trong cũi, nước mắt của bà Thường dường như cũng đã cạn. Sức khỏe ngày một kém, bệnh tình của con trai cũng ngày một nặng, bà buộc phải gửi con vào bệnh viện tâm thần để điều trị lâu dài. “Trước đây tôi thường cho con điều trị một thời gian, bệnh giảm thì về nhà. Nhưng được một thời gian thì lại như cũ. Nay chắc phải cho con ở trong đó lâu dài thôi”, bà Thường xót xa nói.

Khó quản lý bệnh nhân tâm thần điều trị tại nhà

Lãnh đạo UBND xã Hoa Sơn cho biết ở xã hiện có 6 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại nhà. Những bệnh nhân này đều được trạm y tế xã phát thuốc để uống đều đặn hàng tháng. Tuy nhiên, việc giám sát những bệnh nhân này rất khó khăn. Nhiều gia đình buộc phải dùng xích sắt xích các bệnh nhân lại mỗi lúc họ lên cơn, tránh đập phá, xảy ra sự việc đáng tiếc.

Để tránh bệnh nhân tâm thần đập phá mỗi lúc phát bệnh, nhiều người buộc phải xích chân, xích tay bệnh nhân lại
Để tránh bệnh nhân tâm thần đập phá mỗi lúc phát bệnh, nhiều người buộc phải xích chân, xích tay bệnh nhân lại

Ông Nguyễn Cảnh Hùng - Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Nghệ An thông tin, tỉnh này đang có hơn 9.000 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh được quản lý, điều trị tại nhà. Bệnh nhân tâm thần sau khi nhập viện, điều trị ổn định sẽ được đưa về gia đình chăm sóc và điều trị theo chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

“Phần lớn bệnh nhân này khó để hết bệnh, mà chỉ có thể thuyên giảm, ổn định hơn. Bệnh nhân tâm thần điều trị tại nhà sẽ do trạm y tế xã giám sát, phát thuốc hàng tháng”, ông Nguyễn Cảnh Hùng nói. Ông cũng cho hay việc giám sát này thực chất chỉ trên sổ sách, xem bệnh nhân có nhận và uống thuốc đều đặn không, còn mọi việc phần lớn phụ thuộc vào người nhà bệnh nhân.

Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, người thân của những bệnh nhân này cần đặc biệt quan tâm, động viên họ mỗi ngày, đặc biệt tránh kích động để bệnh không tái phát quá nặng. “Thực tế nhân viên y tế cũng chỉ quản lý trên mặt hành chính, phát thuốc mà thôi. Người thân bên cạnh cần phải quan tâm, xem bệnh nhân có uống thuốc và uống có đủ liều không... Khi bệnh nhân có biểu hiện rối loạn hành vi, biểu hiện nguy hiểm thì phải đưa vào bệnh viện để theo dõi”, Phó giám đốc bệnh viện Tâm thần Nghệ An đề nghị.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI