“Người môi giới”: Những nỗi buồn thật đẹp

23/06/2022 - 19:42

PNO - Tất cả những nhân vật xuất hiện trong câu chuyện của “Người môi giới” đều bất hạnh. Họ khổ theo những cách khác nhau. Có người vừa là nạn nhân nhưng cũng là sát nhân.

Khi kẻ ác không ác

Sau thời gian bám đuôi đối tượng tình nghi buôn bán trẻ em, cảnh sát Soo-jin (Doona Bae thủ vai) và thanh tra Lee (Lee Joo Young) bật cười chua chát khi kẻ ác không ác, còn người muốn bán đứa trẻ nhất lại là họ, chỉ để vụ án được kết thúc nhanh chóng.

Đó là một trong số những nghịch lý xuất hiện trong Người môi giới (Broker) – phim thắng giải Cannes 2022 ở hạng mục Nam chính xuất sắc nhất (dành cho Song Kang Ho) và giải Ecumenical Jury Award cho phim hay nhất. Đây là giải thưởng nhằm tôn vinh những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật và chạm tới cảm xúc sâu thẳm nơi người xem. Nhưng điều đáng nói ở đây, là nghịch lý ấy không khiến người xem khó chịu mà ngược lại, các tình tiết chỉ xoáy thêm vào nỗi đau số phận của con người, cho thấy thiên lương tồn tại trong nhân dáng kẻ sát nhân, buôn người.

Trailer Người môi giới:

Trên phim, Sang-hyun (Song Kang Ho) – ông chủ của một tiệm giặt ủi nợ nần và Dong-soo (Gang Dong Won) làm việc cho dự án “chiếc hộp em bé” của một nhà thờ, nơi nhận những đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi. Điều gây sốc là không phải đứa trẻ nào trong hộp em bé cũng được nhà thờ nuôi dưỡng bởi Sang-hyun và Dong-soo chính là kẻ chủ mưu đường dây buôn bán trẻ em. Họ tiếp nhận trẻ nhưng âm thầm mang đi thương lượng, bán cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và xoá mọi dấu tích từ camera.

Hành động sai trái này đã lọt vào tầm ngắm của cảnh sát và rắc rối bắt đầu khi người mẹ trẻ So-young (Lee Ji Eun) xuất hiện. Cô nhẫn tâm bỏ rơi con nhưng sau đó nhanh chóng quay lại tìm bé. Hành động của So-young được xem là trường hợp hiếm bởi chỉ có khoảng 1/40 người mẹ quay lại tìm con như thế. Là gái điếm, sớm nếm trải mùi đời, So-young nhanh chóng phát hiện mánh khoé của 2 kẻ xấu nhưng sau khi nói chuyện, cô quyết định cùng họ bán con.

Các nhân vật trên phim đều gặp nhiều tổn thương trong cuộc sống.
Các nhân vật trên phim đều gặp nhiều tổn thương trong cuộc sống. Họ gặp nhau và đồng cảm lập tức với người chung số phận 

Việc làm của cả 3 là sai trái, bất nhẫn nhưng người xem không tức giận, cũng không dễ đưa ra kết luận họ là kẻ ác bởi tất cả đều có những đớn đau trong quá khứ. Sang-hyun là ông bố tồi, thất bại khi không lo được cho vợ con, dù yêu thương nhưng hễ có men say lại thành người khác. Dong-soo từng là đứa trẻ bị bỏ rơi trước cô nhi viện, cậu tin vào lời hứa của mẹ sẽ quay lại đón con nhưng bà không thực hiện. So-young lớn lên trong sự thiếu vắng tình thương từ mẹ, cô bị mẹ xem như món hàng, vì nghèo khó nên mới đi làm gái điếm.

Quá khứ của họ nhơ nhớp, thấp kém nhưng khi ở cạnh nhau, họ yêu thương và gần như đồng cảm cho nỗi đau của người còn lại. Phim kể câu chuyện buồn nhưng nỗi buồn ấy thật đẹp bởi ngay cả khi tham tiền, họ cũng không muốn bán đứa trẻ cho những bố mẹ thiếu sự quan tâm. Họ mong em bé ấy được yêu thương, lớn lên trong sự đủ đầy vật chất và có một tương lai khác họ.

“Cảm ơn vì đã sinh ra đời”

Trong đêm tối trước ngày em bé được chính thức bán đi, So-young được yêu cầu nói một điều gì đó với con mình vì có lẽ, từ khi con chào đời, cô chưa trò chuyện câu nào. So-young xua đi vì ngại nhưng sau cùng, cô quyết định sẽ nói một câu với mọi người khi đèn đã tắt để không ai nhìn thấy nhau. So-young lặp lại liên tục: “Cảm ơn vì đã sinh ra đời”.

Diễn viên
Diễn viên Song Kang Ho thắng giải Nam chính xuất sắc nhờ vai diễn ông chủ tiệm giặt đồ

Giây phút đó “cứa” lòng người xem vì như thể cuộc sống này có đau khổ đến cùng cực, bất hạnh đến thế nào đi chăng nữa thì cảm ơn vì có sự hiện diện của bạn trên cõi đời này. Sự sống là quý giá và khi còn sống, nghĩa là bạn còn cơ hội để sửa sai, để bắt đầu lại một cuộc đời dẫu chúng vá víu và rách tươm như đôi giày cũ muốn vứt đi cho khuất mắt.

Phim cho khán giả thấy được sự hi vọng, niềm tin của những kẻ bất hạnh. Như cách mà Sang-hyun nói sau mỗi lần thương lượng thất bại, anh nhấn mạnh: “Nếu tiếp tục tìm, hẳn sẽ gặp người có điều kiện tốt hơn thôi”. Niềm tin là thứ gì đó mông lung, mờ mịt với họ nhưng họ vẫn tin bởi ngoài sự mơ mộng, tin vào tương lai, họ chẳng còn động lực nào để tiếp tục sống.

Mỗi số phận
Mỗi người trong câu chuyện đều vừa đáng thương, vừa đáng trách

Người môi giới không phải là tác phẩm hào nhoáng, đồ sộ về nội dung nhưng chỉn chu, đẹp và đọng lại trong người xem những dư vị. Cách làm phim của đạo diễn Kore-eda Hirokazu bấy lâu là thế. Ông không khai thác câu chuyện vĩ mô mà đa phần đi sâu hơn vào thế giới nội tâm con người, khi họ phải đối mặt với những vấn đề cuộc sống.

Trước giải Cannes 2022, ở giải Cannes 2018, Shoplifters (Kẻ trộm siêu thị) của đạo diễn Kore-eda Hirokazu từng thắng Cành cọ vàng. Shoplifters khai thác câu chuyện của gia đình nghèo khổ tại Nhật. Họ túng quẫn đến mức phải đi ăn cắp nhưng vẫn nhận nuôi một bé gái vô gia cư vì thương xót hoàn cảnh.

Phim của Kore-eda Hirokazu đề cao tình thương con người, ngợi ca sự thiện lương mà ông trời ban sẵn cho mỗi cá nhân. Dù cuộc đời nhân vật có bị vùi dập thì trong phim của Kore-eda, tình thương giữa người với người là bất diệt.

Phim khởi chiếu tại rạp từ 24/6.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI