Người làm đẹp cho người trước cổng thiên đường

18/09/2019 - 06:54

PNO - Nghe điện thoại báo tin, bà Thường lật đật vào phòng lấy hộp dụng cụ y tế và nói vọng ra: 'Ông à, ông ăn cơm một mình nhé, tôi chạy sang tắm cho bà ấy cái!'.

Nghe điện thoại báo tin, bà Thường lật đật vào phòng lấy hộp dụng cụ y tế và nói vọng ra: “Ông à, ông ăn cơm một mình nhé, tôi chạy sang tắm cho bà ấy cái!”. Nghe bà nói, ông Tân xua tay: “Ừ, đi đi”. Bà Thường hôm ấy đi tắm gội và làm đẹp cho một người sắp qua đời. 

Nghĩa tử là nghĩa tận 

Rồi ông Tân lẩm bẩm: “Không cản bà ấy được, mình chưa nói gì bà ấy đã kêu “nghĩa tử là nghĩa tận”, không giúp được người ta, bà lại mất ăn mất ngủ”. 

Ông Tân chồng bà Thường kể, từ hồi còn làm việc tại Khoa Ngoại - Bệnh viện Việt Tiệp, TP.Hải Phòng, người nữ y sĩ này đã nhiều lần “làm đẹp” cho người sắp khuất. 

Nguoi lam dep cho nguoi truoc cong thien duong
Bà Bích Thường đo huyết áp cho một tình nguyện viên tham gia hiến máu ở P.Phú Thuận, Q.7

Bà Thường nói: “Bây giờ chỉ là chăm vài người cô đơn, già yếu, chứ ngày xưa ở Hải Phòng mới là tấp nập. Thời ấy, cả khu chung cư A8 Vạn Lý chỉ có vài người làm nghề y. Biết tôi là y sĩ, nên ai sinh đẻ họ cũng gọi mình, bất kể ngày đêm. Cứ nghe gọi cửa “Thường ơi, cứu với” là tôi ôm hộp dụng cụ y tế chạy theo. Những hôm chồng đi dạy thì tôi phải gửi con sang nhà bên cạnh. Có những ca, làm xong mệt rũ cả chân tay, nhưng tôi chưa bao giờ từ chối ai cả. Công việc tắm rửa, thay áo quần, chải tóc, làm đẹp cho người sắp mất làm rồi cũng quen. Mình lo cho người ta lần cuối thì có là gì…”.

Bà tên đầy đủ là Phạm Thị Bích Thường, 78 tuổi, ngụ tại tổ 11, khu phố 1, P.Phú Thuận, Q.7, TP.HCM. Bà Thường sinh ra ở Hải Phòng. Sau khi tốt nghiệp y sĩ bà lập gia đình với ông Nguyễn Văn Tân là giáo viên dạy toán trường Thái Phiên, TP.Hải Phòng. Cũng như bao gia đình viên chức trí thức thời ấy, ông bà từng trải qua một cuộc sống vô cùng khó khăn, chật vật. Ngoài nghề nghiệp, ông bà phải làm thêm đủ thứ công việc để kiếm sống nên chỉ dám sinh một người con. Không phụ lòng cha mẹ, anh con trai đã học hành thành tài, lập gia đình và vào Nam tạo dựng sự nghiệp. Năm 2001, khi cha mẹ đều đã về hưu, anh rước ông bà vào TP.HCM sinh sống. Từ đó đến nay, ở khu phố 1, P.Phú Thuận, Q.7 có một đôi vợ chồng hưu trí lặng thầm đóng góp cho các công việc xã hội từ thiện. 

Cả đời chỉ biết cho đi

Ông Tân nói về vợ mình: “Suốt ngày cứ xăng xái giúp người, hưu mà chưa nghỉ ngày nào”. 

Quả thật, bà Thường là người say mê công việc xã hội. Dù đã 78 tuổi, lại là cán bộ hưu trí nhưng lịch làm việc hằng ngày của bà hầu như kín mít. Sáng dậy sau khi tập thể dục, ông bà cùng nhau lo bữa sáng rồi bắt tay vào đan áo ấm tặng trẻ con vùng khó khăn. Chiều, bà đạp xe đi thăm khám, đo huyết áp, tư vấn về sức khỏe cho những người bạn già. Buổi tối bà tham gia họp tổ dân phố, sinh hoạt các câu lạc bộ (CLB) hội nhóm hoặc cùng làm việc thiện. Ngoài ra, mỗi tháng 3 ngày, bà còn theo bếp ăn từ thiện nấu 200 phần cơm chay cho người nghèo, người già neo đơn, khuyết tật… Con cháu lo lắng, nhắc nhở bà phải nghỉ ngơi dưỡng sức, bà chỉ cười: “Niềm vui và hạnh phúc của mẹ là được giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, bất hạnh”. 

Nguoi lam dep cho nguoi truoc cong thien duong
Bà Bích Thường đo huyết áp cho một tình nguyện viên tham gia hiến máu ở P.Phú Thuận, Q.7

Chúng tôi đến nhà lúc ông bà đang ngồi đan áo ấm chuẩn bị gửi về miền Bắc tặng trẻ nhỏ những vùng khó khăn. Ngồi kéo sợi cho vợ đan áo, ông Tân tủm tỉm cười nghe bà Thường kể chuyện xưa. Bà Thường nói: “Suốt mấy mươi năm thời bao cấp, đan len chính là nghề kiếm cơm và nuôi con ăn học của vợ chồng tôi. Ông ấy làm giỏi hơn cả thợ. Xưa đan kiếm cơm thì thấy nó vất vả. Nhưng bây giờ làm tặng trẻ nghèo thì thấy vui”. 

Bà cho biết, len do một cô giáo tài trợ, ráp áo đã có chị Nguyễn Thị Luyện bên tổ 9 phụ lo, còn ông bà chỉ hoàn tất công đoạn đan.

Nhìn những chồng áo len chất đầy phòng khách mới biết ông bà đã bỏ bao thời gian và công sức. Bà nói, “góp được chút gì cho đời vui chút ấy và hạnh phúc là hai tiếng: cho đi”. 

Tham gia nhiều hoạt động thiện nguyện, nhưng bà Thường tâm đắc nhất với việc vận động mọi người đi hiến máu tình nguyện. Bà nói, từng theo những ca mổ cấp cứu ở bệnh viện nên bà hiểu rõ giọt máu quý đến chừng nào. Vì vậy mà người nữ y sĩ về hưu đã lặn lội gõ cửa từng nhà để vận động mọi người tham gia hiến máu. Mỗi lần địa phương tổ chức hiến máu, bà lại dậy thật sớm, chuẩn bị đồ nghề và ra tận nơi để đo huyết áp và tư vấn cho từng người. Khi đoàn y bác sĩ của Trung tâm Hiến máu nhân đạo đến nơi là các tình nguyện viên đã sẵn sàng. 18 năm qua, những hình ảnh ấy như gắn bó thân thiết với người dân P.Phú Thuận, nhất là tại các trường học và cơ sở y tế… 

Chị Nguyễn Thị Tiền Giang - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Phú Thuận - cho biết: “Cô Thường là một trong những trụ cột quan trọng của Hội ở khu phố, là thành viên nòng cốt của nhiều CLB như CLB Từ thiện, CLB Nữ chủ nhà trọ, CLB Dưỡng sinh, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc… Dù ở vị trí, vai trò nào, cô cũng là nhân tố tích cực. Nể phục nhất là cô không nề hà khi chăm sóc cho người nghèo, cô đơn, bệnh tật dù họ chẳng máu mủ ruột rà gì với cô. Cứ như cô sinh ra là để cứu giúp những con người sắp rơi xuống vực… Cả những người sắp qua đời, cô cũng không từ chối giúp họ thì còn nói gì”. 

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI