Người Đà Lạt hiền như nước suối

24/03/2019 - 06:00

PNO - Đà Lạt đổi thay từng ngày, nhưng những con người sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt bao năm nay vẫn an phận, hiền lành đến mức khó tin.

Nhung nhớ phố bên đồi

Chưa khi nào những người yêu Đà Lạt lại lo lắng và nhớ Đà Lạt nhiều như lúc này. Xa Đà Lạt cũng nhớ, ở ngay giữa Đà Lạt cũng nhớ. Bởi Đà Lạt đang mỗi ngày đổi khác, bị phá nát bởi những chắp ghép về kiến trúc, xây dựng, bởi sự ô tạp của nhu cầu kinh doanh, cơm áo gạo tiền, của khách du lịch tứ xứ…

Thế hệ 6X, đầu 7X sinh ra và lớn lên ở Đà Lạt vẫn được “trang bị” nếp nghĩ không bao giờ mặc đồ bộ ra đường, dù chỉ là bước ra khu chợ nhỏ ở gần nhà. Con gái, dù là con gia đình viên chức hay buôn bán vẫn được cha mẹ, ông bà dặn dò ra đường không được chạy nhảy, không được vừa đi vừa ăn, không được cười lớn, cười phải che miệng… 

Nhiều cư dân lớn tuổi của Đà Lạt vẫn tiếc nuối một Đà Lạt rất “phong lưu” với những tà áo dài, những bộ complet… trên phố hay giữa chợ. Thời chợ cũ Đà Lạt (sau được sửa chữa, tu bổ thành rạp hát Hòa Bình) hay đã chuyển sang khu chợ mới (chợ Đà Lạt hiện nay), thì những tà áo dài của người bán, người mua vẫn cứ tấp nập trong nhà lồng. Có chị gánh tàu hũ bán rong vẫn nhẹ nhàng trong tà áo dài, bên ngoài khoác thêm chiếc áo len được đan tay theo kiểu tổ ong hoặc bện thừng - kiểu áo len phổ biến của cư dân Đà Lạt đến tận giữa thập niên 1990. 

Nguoi Da Lat hien nhu nuoc suoi
Hội trường Hòa Bình và chợ Đà Lạt năm 1968 - Ảnh: Bill Robie

Tập sách Đà Lạt ngày tháng cũ của luật sư Ngô Tằng Giao đã ghi chép lại một ý kiến nhận xét: “Điều chắc chắn phải nói là người Đà Lạt hiền. Hiền như nước mưa, nước suối. Hiền như cây trái tốt tươi. Hiền như hoa như gió. Như tiếng chuông reo bốn mùa. Hiền như bãi xe lam dăm ba chiếc im lìm nơi bến đậu. Hiền như những cơn mưa bất ngờ bay nghiêng qua thành phố, không hề làm rối chân khách bộ hành”. 

Hai mươi năm trước, dân du lịch ngạc nhiên nhìn các tiểu thương chợ Đà Lạt dùng những tấm ni-lông, bao bố che phủ gian hàng, cột sơ sài rồi cứ vậy ra về. Cho đến bây giờ, cái sự ngạc nhiên ấy vẫn chưa dứt hẳn. Những tháng không phải mùa cao điểm của du lịch, người ta vẫn cứ nhìn thấy những chiếc xe máy vứt chỏng chơ bên vệ đường.

Người Đà Lạt thiệt thà, hiếu khách. Cho đến bây giờ nhiều quán ăn hoặc gánh hàng rong vỉa hè vẫn không bận tâm khách đã ăn bao nhiêu cái bánh xèo, cặp bánh căn, uống bao nhiêu ly sữa đậu nành… Khách tự ăn, tự nhớ mà tính tiền. Ở bên hông khu Hòa Bình, phía đối diện chợ Đà Lạt, có lẽ khách du lịch ít chú ý một ki-ốt sửa chữa, mua bán đồng hồ, nhưng đó lại là ký ức dịu dàng nhất của người Đà Lạt và gần như không đổi thay sau gần nửa thế kỷ. Chia nhau mỗi người một khoảnh đủ để chiếc tủ nhỏ, họ ngồi san sát nhau nhưng không bao giờ chèo kéo khách mà cứ để “tùy duyên”. 

Đà Lạt ngày trước dân số không đông, khách du lịch cũng chỉ lên hai đợt trong năm là hè và tết. Ngành dịch vụ kinh doanh gần như không bận tâm đến chuyện cạnh tranh. Có những quán ăn lớn, chủ quán đứng tròn mắt nghe khách kêu món rồi ra sức cản: “Kêu chi nhiều dữ vậy, ăn không hết đâu”. Nếu khách cứ nằng nặc muốn gọi món, chủ quán sẽ điều đình: “Thôi cứ kêu tạm chừng này món, ăn hết kêu thêm”… 

Nguoi Da Lat hien nhu nuoc suoi
 

Nói vậy, không có nghĩa Đà Lạt như một thiên đường. Khách du lịch từng than phiền việc một vài chủ quán cà phê, nhà hàng ngó biển số xe, nghe giọng nói… mà tính hóa đơn. Những năm gần đây, Đà Lạt lại được xuất hiện trên các phương tiện thông tin với nhiều hình ảnh không mấy đẹp đẽ về rác thải, nạn chặt chém, mất vệ sinh ở khu chợ đêm, giao thông quá tải dịp lễ, tết… 

Những mảng xanh của Đà Lạt đang được thay thế dần bằng những mảng bê tông thô cứng, ngột ngạt. Nhiều người từ nơi khác đến Đà Lạt mua đất, mua nhà, việc đầu tiên họ làm là tìm cách đốn bỏ, đổ thuốc cho chết cây xanh để tận dụng tối đa diện tích vì “tấc đất tấc vàng” mà. 

Đà Lạt phát triển rất nhanh, những ngôi nhà gỗ ít dần, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang và… chói chang nắng vì không còn mảng xanh. Khoảng sân rộng được tráng bê tông hoặc lát gạch, đôi khi làm nhiều người ngạc nhiên “không hiểu chủ nhà sử dụng gì cho hết khoảng sân đó?”. 

Một Đà Lạt lãng mạn của mấy chục năm trước đã khuất xa đâu đó, nhưng cũng không thể nói Đà Lạt không còn chút gì của ngày xưa. Chỉ có người Đà Lạt mới biết mà tìm về nơi yên bình. Những nơi đó không nằm ở khu trung tâm, không gần những điểm du lịch tấp nập du khách… Người Đà Lạt vẫn sống rất chậm, vẫn đón khách như người thân lâu ngày gặp lại…

Gia Minh 
(khu dân cư Cao Thắng, P.7, TP.Đà Lạt)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI