Ngủ nhiều... cũng là bệnh!

27/02/2017 - 16:47

PNO - Bác sĩ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Đại học Y Dược TP.HCM cảnh tỉnh, người ngủ nhiều cũng có thể đang mắc bệnh, chứ không phải "ăn được, ngủ được là tiên" như người xưa hay nói.

Sau một kỳ nghỉ tết dài, nhiều người trở lại với guồng quay công việc trong tình trạng khá mệt mỏi và thèm ngủ. Hầu hết những lý giải của người trong cuộc là do tết đi chơi nhiều lại thức khuya thiếu ngủ, nên thèm ngủ và ngủ nhiều được xem là đương nhiên, ít ai nghĩ đó có thể là bệnh lý. Báo Phụ Nữ nhận được khá nhiều thư của bạn đọc thắc mắc về việc mình bỗng trở nên ngủ nhiều.

Như trường hợp của em Phạm Mỹ N. (13 tuổi, học lớp 8 một trường THCS tại Q.4, TP.HCM): “Trước đây, việc  sinh hoạt ngủ nghỉ của con bình thường, nhưng dạo gần đây con ngáp và ngủ rất nhiều. Vừa ăn cơm xong hay vừa đi học về là con buồn ngủ. Hôm nào không đi học, con ngủ trưa đến 5 tiếng, rồi cộng thêm 8-10 tiếng ngủ tối thành ra con ngủ đến mười mấy tiếng một ngày. Ngủ nhiều vậy, nhưng con vẫn thèm ngủ, cứ ngáp liên tục. Sáng nào mẹ con cũng phải đánh thức con dậy đi học, con nghe mẹ gọi, biết hết, nhưng không dậy nổi (trước đây con không có bị vậy) và khi dậy thì người mệt mỏi, chỉ muốn được ngủ tiếp. Con có bị sao không bác sĩ?”.

Ngu nhieu... cung la benh!
 

Không chỉ tuổi dậy thì - tuổi nhiều người cho là tuổi ăn, tuổi ngủ nên ngủ nhiều, mà cả ở chị em tuổi tiền mãn kinh cũng gặp tình trạng ngủ mê mệt này. Chị Nguyễn Quỳnh C. (nhân viên văn phòng), ba tháng nay lúc nào cũng có cảm giác thiếu ngủ, thèm ngủ - dù làm việc, sinh hoạt bình thường.

Chị C. kể: “Không hiểu sao lúc nào mình cũng thấy buồn ngủ. Ðêm đã ngủ đủ 8 tiếng, vậy mà sáng vừa dậy đã muốn ngả lưng, ngồi họp chỉ muốn ngủ. Làm việc cũng muốn ngủ. Chạy xe cũng muốn ngủ... Nói chung tôi chẳng muốn làm gì ngoài ngủ cả. Sợ nhất là buồn ngủ những khi chạy xe ngoài đường. Tôi bị quẹt xe, đâm xe vô vỉa hè mấy lần rồi. Khổ nhất là vừa quẹt xe, hoảng hồn tỉnh như sáo. Vậy mà chỉ 5 phút sau thì cơn buồn ngủ lại ập đến. Giờ tôi sợ quá, phải đi làm bằng xe ôm”. 

Theo BS Hoàng Ðình Hữu Hạnh, cấu trúc giấc ngủ có bốn giai đoạn: giai đoạn 1-2 ngủ lơ mơ kiểu “con mèo nhảy qua cũng biết”, còn giai đoạn 3-4 là ngủ sâu, ngủ phục hồi. Về thời gian ngủ thì một người trưởng thành sẽ ngủ khoảng 6-8 tiếng/ngày (trẻ sơ sinh ngủ 16-18 tiếng/ngày; trẻ em đến dưới 18 tuổi  ngủ 10 tiếng/ngày; người lớn tuổi (sau 60 tuổi) ngủ 6 tiếng/ngày). Vì vậy, nếu ngủ ít hơn thời gian trên là mất ngủ, còn ngủ nhiều hơn thì được xem là ngủ nhiều.

Ngủ nhiều cũng có nhiều dạng. Nếu ngủ quá thời gian trên khoảng 1-2 tiếng và khi thức dậy vẫn có sự sảng khoái, khỏe khoắn là bình thường. Còn ngủ nhiều, như ngủ suốt đêm đến 9-10g sáng hoặc tận trưa, nhưng vẫn giữ được sự tỉnh thức lúc ban ngày thì có thể bị hội chứng hybersomnia. Ðây là một dạng rối loạn giấc ngủ (RLGN) thường xuất hiện sau một bệnh lý nào đó. Với hội chứng ngủ nhiều hybersomnia có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý:

- Ngày nay, thiếu máu là căn bệnh khá phổ biến do chế độ dinh dưỡng và cách sơ chế, chế biến thức ăn chưa hợp lý. Khi thiếu máu, sự vận chuyển ôxy đến các mô cơ thể sẽ giảm sút, nhất là ở não, làm cho cơ thể mau mệt mỏi, dẫn đến hiện tượng hay buồn ngủ.

- Tuyến giáp có vai trò quan trọng trong điều hòa hoạt động của một số cơ quan trong cơ thể như hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa… Khi chức năng của tuyến giáp suy giảm sẽ làm cơ thể uể oải và lúc nào cũng buồn ngủ.

Ngu nhieu... cung la benh!
 

- Bệnh tiểu đường thường làm cho não thiếu ôxy, khiến người mệt mỏi hay ngáp và buồn ngủ. Bên cạnh đó, bệnh tiểu đường còn có thể gây ra một loạt những tác động tiêu cực về thể chất, khiến người bệnh cảm thấy một khi đặt lưng nằm ngủ là không muốn tỉnh dậy trong thời gian ngắn. Trong thực tế, bệnh nhân tiểu đường thường có thời gian ngủ vào ban ngày gấp đôi những người khác.

- Căng thẳng và stress kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng buồn ngủ - dù ngủ đủ giấc, vì nó sẽ làm chất lượng giấc ngủ giảm sút và sức khỏe ngày càng yếu đi, nên bạn luôn trong trạng thái thiếu ngủ, buồn ngủ.

Cũng có biểu hiện là ngủ nhiều hơn so với bình thường, nhưng có tính chất khác nhau là hội chứng ngủ rũ. Ðây là một RLGN mạn tính, là bệnh lý do gen quy định mang tính bẩm sinh, nhưng có thể đến lớn mới xuất hiện. Nhiều trường hợp bị hội chứng ngủ rũ trước, nhưng không nhận ra, nhưng khi bị stress sẽ làm thúc đẩy tình trạng này, khiến họ ngủ mê mệt.

Người mắc chứng ngủ rũ rất khó khăn thức dậy vào buổi sáng, hay không có được tình trạng tỉnh thức lúc ban ngày. Bởi cơn buồn ngủ có thể ập đến bất cứ lúc nào và ở đâu: đang ngồi học, đang họp, đang lái xe, xem ti vi, đang ngồi ăn… Do đó, chứng ngủ rũ gây xáo trộn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, chất lượng sống của người bệnh. Ðã có những trường hợp, người bệnh một ngày ngủ đến 14-16 giờ nên không thể học tập hay làm việc được. Như trường hợp của em Thạch Chí K. (11 tuổi, học lớp 6, ở Q.5, TP.HCM).

K. bị chứng ngủ rũ “hành” nên sáng thì không dậy nổi, mà vừa dậy đã buồn ngủ và vào lớp cũng ngủ mê mệt, không thể học và càng ngủ càng thấy mệt nên gia đình đã cho em nghỉ học và đưa đến Ðơn vị rối loạn giấc ngủ BV ÐH Y Dược để chữa bệnh. Phải mất đến sáu tháng cậu bé mới kiểm soát được giấc ngủ và phải tiếp tục điều trị, uống thuốc trong ba năm thì nay K. đã dừng thuốc và đã có cuộc sống bình thường.

Ngu nhieu... cung la benh!
 

Bên cạnh đó, hội chứng ngủ rũ nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể ảnh hưởng đến cộng đồng, xã hội, nhất là với những người điều khiển phương tiện, hành nghề tài xế… Bởi cơn buồn ngủ ập đến bất ngờ, không kiểm soát có thể dẫn đến tai nạn giao thông. Tác hại của chứng ngủ nhiều, ngủ rũ khá nặng nề, thế nhưng theo BS Hữu Hạnh, bệnh này thường bị bỏ sót (trung bình một tháng có khoảng hai-ba ca bệnh ngủ nhiều đến khám), nhiều người chỉ nghĩ “do mình dễ ngủ” chứ không nghĩ đó là bệnh lý cần phải đi điều trị - trong khi mất ngủ thì lại làm mọi người bận tâm và lo lắng hơn.

Căn cứ để biết mình có ngủ nhiều (bệnh lý) hay không, có thể dựa trên nguyên tắc: ngủ nhiều nhưng ngủ dậy phải sảng khoái, khỏe khoắn. Còn càng ngủ càng mệt thì phải đi kiểm tra, khám bệnh. Ðể biết chính xác nhất thì phải làm đa ký giấc ngủ (đo giấc ngủ) ngủ ban đêm và ngủ ngày sẽ cho kết quả chính xác.

Ðể phòng ngừa và hạn chế tình trạng ngủ nhiều bệnh lý, nên xây dựng lối sống lành mạnh, ăn uống, ngủ điều độ, đúng giờ và tập luyện thể thao. Bên cạnh đó, cần tránh các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá làm tình trạng sức khỏe xấu hơn, cũng như hạn chế làm việc khuya, làm việc xuyên đêm… Ngay khi thấy mình có dấu hiệu ngủ quá nhiều hơn so với bình thường, ngủ không thể dậy nổi, càng ngủ càng mệt thì nên đến bệnh viện có chuyên khoa về giấc ngủ để khám và điều trị.

Thùy Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI