Nghệ sĩ quảng cáo bát nháo: Đồng tiền đi trước, công chúng đi sau

17/05/2021 - 06:55

PNO - Dư luận đang dậy sóng với việc quảng cáo tiền ảo từ hàng loạt người nổi tiếng như: người mẫu N.T., diễn viên L.D.B.L., K.M.T., N.T., K.N...

Dư luận đang dậy sóng với việc quảng cáo tiền ảo từ hàng loạt người nổi tiếng như: người mẫu N.T., diễn viên L.D.B.L., K.M.T., N.T., K.N... Văn phong, cú pháp đều tương tự nhau, nhằm làm mồi nhử để người tiêu dùng tham gia đầu tư. Hiện tại, những bài đăng này đã “bốc hơi” sau khi dư luận lên tiếng. Nghệ sĩ quảng cáo quá sự thật, đang liên tiếp gây bức xúc.

Coi chừng tiền mất tật mang

Điều đáng lo ngại là trong danh sách các đồng tiền ảo được các nghệ sĩ này đăng tải có cả đồng FXT đang bị cơ quan chức năng cảnh báo khả năng lừa đảo và cả các đồng tiền ảo bị xem là "rác" như shiba, Dogecoin...

Hàng loạt trang cá nhân của nghệ sĩ đăng bài quảng bá cho tiền ảo, trong đó có một cái tên đứng sau một thương hiệu được cảnh báo đánh bạc trá hình, đa cấp
Hàng loạt trang cá nhân của nghệ sĩ đăng bài quảng bá cho tiền ảo, trong đó có một cái tên đứng sau một thương hiệu được cảnh báo đánh bạc trá hình, đa cấp

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu (thành viên thường trực và độc lập của hội đồng quản trị ngân hàng TMCP An Bình, có gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính) cho biết: “Giá trị của tiền ảo dao động rất mạnh, rủi ro rất lớn cho người đầu tư vào nó. Tiền ảo không được quốc gia nào thừa nhận, vì thế, khi xảy ra rủi ro, người đầu tư sẽ không được pháp luật bảo vệ”.

Việc người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho tiền ảo càng khiến giá trị của chúng bị thổi phồng quá mức. Chưa kể, đằng sau một số thương hiệu là hoạt động đa cấp. Vì thế, rủi ro lại tăng lên rất nhiều lần. Không chỉ tiền ảo, thời gian qua, nhiều nghệ sĩ còn thổi phồng sự thật, nói quá lên khi quảng cáo sản phẩm hoặc giới thiệu sản phẩm kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng.

Cụ thể, nghệ sĩ Q.T. giới thiệu về một loại thực phẩm chức năng với những từ ngữ: “100% thảo dược nên không lo tác dụng phụ”, “uống một liệu trình thấy bệnh thuyên giảm hẳn”... Nghệ sĩ Q.L. khẳng định một sản phẩm là thuốc, trị được vết thương trong bao tử… Nam ca sĩ V.H. nói kết hợp sản phẩm xịt và viên sủi sẽ hết nhanh bệnh viêm xoang. Nam diễn viên B.L. quảng cáo về một loại viên sủi giảm cân với những lời có cánh như đào thải mỡ thừa, biến tất cả thành năng lượng… Trong khi đó, thực chất đây chỉ là các sản phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh.

Riêng nghệ sĩ T.D. khiến công chúng giật mình khi nói về một viên sủi như thần dược trị viêm gan, đồng thời đưa ra phiếu xét nghiệm để tăng sự tin tưởng. Nhưng thực tế, phiếu xét nghiệm này là giả, và nội dung quảng cáo cũng được bày vẽ ra.

Ca sĩ S.T., diễn viên H.A., người mẫu H.Y., hoa hậu K.D… cũng từng bị tố khi quảng bá cho những thương hiệu mỹ phẩm kém uy tín, trôi nổi.

Cần xử lý để làm gương

Tiền chảy vào túi nghệ sĩ từ những quảng cáo này. Ứng dụng tiền ảo bị sập, có khả năng nhiều người bị mất trắng hoặc rơi vào cảnh nợ nần, nếu nhẹ dạ cả tin vào quảng cáo. Sản phẩm kém chất lượng, không đúng như quảng bá cũng chỉ người dùng lãnh hậu quả. Việc công chúng tiền mất tật mang, ai chịu 
trách nhiệm?

Ngoài hoạt động nghệ thuật, thì quảng cáo là một trong những nguồn thu rất tốt của nghệ sĩ, người nổi tiếng. Điều này có được nhờ danh tiếng, do sự yêu mến của khán giả tạo nên. Với những trường hợp kể trên, có phải nghệ sĩ đang vô hình trung lừa phỉnh chính khán giả của mình?

Giấy xét nghiệm trong quảng cáo của nghệ sĩ T.D. là giả mạo

Giấy xét nghiệm trong quảng cáo của nghệ sĩ T.D. là giả mạo

Không dừng lại ở đó, văn hóa ứng xử của một bộ phận nghệ sĩ còn tệ hơn thế nữa. Sau ồn ào, chỉ có nghệ sĩ T.D. là người hiếm hoi lên tiếng nhận trách nhiệm, còn đa phần chọn cách im lặng. Vụ quảng bá tiền ảo bị bóc mẽ, chưa một ai lên tiếng xin lỗi công chúng. Việc kiếm tiền bất chấp, thiếu hiểu biết, thiếu trách nhiệm là điều khó thể chấp nhận.

Với quá nhiều việc đã xảy ra, trách nhiệm của một bộ phận nghệ sĩ là điều khó thể mong cầu, khi đồng tiền đã đi trước, còn công chúng bị xếp phía sau. 
Thạc sĩ xã hội học Trần Nam (trưởng phòng truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM) cảnh báo: “Trong trường hợp quảng cáo các sản phẩm thương mại thì các nghệ sĩ cần cân nhắc rất kỹ. Danh tiếng, thu nhập của nghệ sĩ có được là nhờ vào sự ủng hộ của đông đảo công chúng. Vì thế, khi danh tiếng càng cao thì trách nhiệm với công chúng càng phải được coi trọng. Nghệ sĩ nổi tiếng là những người có sức ảnh hưởng lớn, những định hướng của họ rất dễ khiến công chúng suy nghĩ, hành động theo. Vì thế, nếu có hậu quả xấu, thì sẽ diễn ra trên phạm vi lớn và như chuỗi domino vậy”.

Khoản 5, điều 34, Nghị định 38/2021/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn chất lượng… của hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc được công bố. Nếu vi phạm nghiêm trọng cũng có thể bị xử lý hình sự.

Luật sư Nguyễn Quốc Cường (đoàn luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: “Luật đã tương đối chặt, cụ thể, nhưng cơ quan thực thi pháp luật chưa làm việc nghiêm minh. Điều đó khiến nghệ sĩ không sợ nên biết sai vẫn làm. Việc quảng cáo của nghệ sĩ cũng liên quan đến cơ quan thuế. Khi các bên cùng vào cuộc, phải có trường hợp bị xử lý làm gương mới có thể chấn chỉnh được”.

Đã đến lúc cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn. Trong khi chờ đợi những biện pháp xử lý những sai phạm trong quảng cáo, hơn ai hết, công chúng phải tỉnh táo trước những lời “có cánh”, tìm hiểu kỹ để tự bảo vệ mình.

Trung Sơn

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI