Ngành giải trí Nhật - Hàn và thập kỷ phủ sóng thế giới

31/12/2019 - 06:30

PNO - Sự trỗi dậy của ngành giải trí Đông Á tại thị trường Âu – Mỹ đã được dự đoán trong những năm đầu của thập kỷ. Cho đến những ngày cuối cùng, điều này càng được khẳng định.

Năm 2009, gần như khán giả toàn thế giới lắc lư với Bad Romance của Lady Gaga, đổ xô đi xem Avatar, vui vẻ với chương trình truyền hình Jersey Shore. Mười năm sau, những quốc gia nói tiếng Anh vẫn bị chi phối bởi các sản phẩm nghệ thuật do người Mỹ sản xuất. Tuy nhiên, trong thời gian này, các sản phẩm âm nhạc từ Hàn Quốc và Nhật Bản đi ngược sang Mỹ ngày càng nhiều.

Sự trỗi dậy của văn hóa Đông Á

Trên CNN, tác giả một bài báo viết về sự bùng nổ của ngành giải trí Đông Á: “Trong năm 2019, bà mẹ 2 con người Nhật - Marie Kondo với series trên Netflix - Tidying Up with Marie Kondo đã dạy chúng tôi cách sắp xếp cuộc sống. Nhóm nhạc BTS, Black Pink đã cho chúng tôi xem những sản phẩm âm nhạc sôi động, ngân sách đầu tư lớn – phá vỡ các kỷ lục trên YouTube.

Parasite (tựa Việt: Ký sinh trùng) là bộ phim Hàn đầu tiên nhận Cành cọ vàng. Sau đó, đạo diễn của phim, Bong Joon-ho xuất hiện trên The Tonight Show Starring Jimmy Fallon và nói chủ yếu bằng tiếng Hàn”.

Trước đó, ca khúc Gangnam Style (năm 2012) của ca sĩ PSY đã giúp âm nhạc Hàn Quốc có một năm bùng nổ, chương trình thực tế của Nhật - Terrace House (năm 2015, chiếu trên Netflix) cũng được thế giới chú ý.

Nganh giai tri Nhat - Han va thap ky phu song the gioi
Hình ảnh trong Tidying Up with Marie Kondo, series chiếu trên Netflix của người mẹ 2 con nổi tiếng với biệt danh "thánh nữ dọn nhà"

“Trái ngược với quá khứ khi là khu vực chủ yếu tiếp nhận văn hóa phương Tây, là khách hàng thân thiết của phim Hollywood hay mê mẩn nhạc pop của Anh... dòng chảy văn hoá hiện tại đang đi theo 2 hướng, tác động qua lại” - trích từ báo cáo trong năm 2019 của Công ty Tư vấn toàn cầu McKinsey.

Một thập kỷ trước, Pokemon và Digimon trong truyện tranh Nhật Bản đã trở thành nhân vật phổ biến ở phương Tây. Các nhà phân tích cũng bắt đầu sử dụng cụm từ “Hallyu” hay “làn sóng Hàn Quốc” để nói về sự lan tỏa của thời trang, sản phẩm làm đẹp, điện ảnh, âm nhạc của quốc gia này đến một số nước, đặc biệt trong khu vực châu Á.

Lý giải về sự trỗi dậy của văn hoá Nhật – Hàn nói chung và K-pop nói riêng, giáo sư Jung-Sun Park của Đại học California cho rằng các phương tiện truyền thông xã hội và internet đã “thay đổi hoàn toàn dòng chảy văn hoá”.

Vị giáo sư khẳng định mạng xã hội là nơi giúp nghệ sĩ – khán giả gặp gỡ và tiêu thụ văn hoá, có thể gọi đó là cuộc cách mạng vì trong quá khứ, các đài truyền hình, đài phát thanh kiểm soát tất cả những sản phẩm nghe – nhìn.

Nganh giai tri Nhat - Han va thap ky phu song the gioi
Đạo diễn Bong Joon-ho tại LHP Cannes 2019 với giải thưởng Cành cọ vàng cho phim Ký sinh trùng

Giáo sư nghiên cứu văn hoá châu Á tại Đại học Oregon, Susanna Lim cũng cho biết âm nhạc K-pop sở dĩ đến được Mỹ là bởi sự đa dạng. “Người hâm mộ phương Tây đang đòi hỏi sự đa dạng nhiều hơn so với trước đây, họ cảm thấy thiệt thòi nếu chỉ tiếp xúc với văn hoá Mỹ. Và K-pop, thứ âm nhạc bị ảnh hưởng của văn hoá phương Tây nhưng đồng thời giữ được văn hoá châu Á đã tạo cảm giác vừa quen vừa lạ với khán giả Mỹ”, giáo sư Susanna Lim nói.

Trong các lý do giúp ngành công nghiệp giải trí vươn tới các quốc gia khác, theo CNN, sự đầu tư từ chính phủ chiếm phần quan trọng. Với dân số hơn 51 triệu người, Hàn Quốc không có thị trường đủ lớn để “nuôi” ngành công nghiệp giải trí, vì vậy cần phải ra nước ngoài. Chính phủ Hàn Quốc ủng hộ việc mở rộng văn hóa của đất nước, coi ngành công nghiệp giải trí là cách thức nâng cao danh tiếng của quốc gia.

Năm 2010, Nhật Bản tuyên bố sẽ rót 19 tỉ yên (tương đương với 237 triệu USD) vào lĩnh vực văn hoá trong năm 2011, để đẩy mạnh ngành công nghiệp sáng tạo như truyện tranh, thiết kế đồ họa, phim và thời trang.

Sức ảnh hưởng của văn hóa Đông Á

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại Hoa Kỳ, trong giai đoạn từ năm 2013 – 2016, khi số lượng sinh viên ghi danh học các ngôn ngữ khác tiếng mẹ đẻ liên tục giảm, thì với tiếng Hàn và Nhật, tăng ổn định. Thậm chí, số lượng đăng ký học tiếng Hàn tăng 13,7%, mức tăng cao nhất trong lịch sử các ngoại ngữ được dạy tại Mỹ.

Nganh giai tri Nhat - Han va thap ky phu song the gioi
Nhóm nhạc BTS mang về cho Hàn Quốc khoản lợi khổng lồ

Sự ảnh hưởng của văn hóa 2 quốc gia Hàn - Nhật còn được đo đếm ở nhiều lĩnh vực khác, trong đó có du lịch. Theo thống kê của Tổ chức nghiên cứu Hyundai, Hàn Quốc vào năm 2017, trong 13 khách du lịch đến với quốc gia này, có 1 người đến vì nhóm nhạc BTS. Một báo cáo khác cho thấy nếu BTS duy trì được sự nổi tiếng cho đến năm 2023, họ sẽ đóng góp khoảng 48 tỉ USD cho nền kinh tế Hàn Quốc.

Hàn Quốc cũng đang tận dụng sức ảnh hưởng của K-pop để tiếp thị cho du lịch. Hãng hàng không lớn nhất Hàn Quốc, Korean Air, mời nhóm SuperM xuất hiện trong video mới nhất giới thiệu về hãng. Trong khi, Công ty du lịch Visit Seoul hợp tác với BTS để đẩy mạnh thương hiệu.

Và, có những tác động rộng lớn hơn không liên quan đến tiền, đó là sự phủ sóng của văn hoá Hàn Quốc nói riêng và châu Á nói chung. Giáo sư Elfving-Hwang của Đại học Western Australia cho biết người Úc gốc Hàn không quan tâm đến K-pop bằng những người không mang dòng máu Hàn. Vị giáo sư khẳng định đây là một ví dụ thú vị về việc văn hoá quốc gia đã được phổ biến toàn cầu nhưng với cộng đồng người địa phương thì không mạnh mẽ bằng.

Nganh giai tri Nhat - Han va thap ky phu song the gioi
Âm nhạc Hàn Quốc nói riêng và những hình thức giải trí khác được dự đoán tiếp tục khuynh đảo làng giải trí thế giới trong thập kỷ tiếp theo.

Giáo sư Elfving-Hwang cũng cho biết nhờ sự nổi lên của K-pop mà hình ảnh của nghệ sĩ gốc Á xuất hiện trên màn ảnh ngày càng nhiều, vai diễn cũng không còn xoay quanh các nhân vật phản diện mà đa dạng hơn.

Các chuyên gia nhận định trong thập kỷ tới, xuất khẩu văn hoá Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tiếp tục gia tăng. Có nhiều lý do để khẳng định điều này, giáo sư Elfving Hwang nói: “Nếu K-pop thực sự có thể khiến mọi người đủ tò mò để đăng ký học một ngôn ngữ thì sau đó, thông qua việc tìm hiểu văn hoá, tôi nghĩ điều này sẽ tác động đáng kể đến sự trao đổi văn hoá trong tương lai”.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI