Ngân hàng vẫn tìm cách "ép" người vay mua bảo hiểm

03/05/2024 - 06:40

PNO - Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023, các ngân hàng không được tư vấn, chào bán sản phẩm liên kết đầu tư khi giải ngân khoản vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo các ngân hàng về vấn đề này nhưng trên thực tế, người làm hồ sơ vay vốn hoặc chuyển nợ các khoản vay vẫn bị nhân viên ngân hàng buộc mua bảo hiểm nhân thọ.

Không mua bảo hiểm, khó vay được tiền

Vừa hoàn thiện hồ sơ chuyển nợ cho khoản vay từ ngân hàng P. sang ngân hàng V., chị Kim Chi (quận 3, TPHCM) được nhân viên ngân hàng mời “mua ủng hộ” gói bảo hiểm nhân thọ (BHNT) hỗn hợp trị giá 15 triệu đồng. Nếu chấp nhận mua, chị cần ký vào bản cam kết tham gia tự nguyện và đã đọc kỹ hợp đồng.

Chị Kim Chi cho biết, trước khi được mời mua BHNT, nhân viên ngân hàng thông báo chị được tặng bảo hiểm khoản vay trị giá 5,6 triệu đồng trong 2 năm, được ân hạn gốc trong 3 năm. Trước đây đi vay, nhân viên ngân hàng gần như nói thẳng với chị rằng, muốn được giải ngân nhanh thì phải mua BHNT. Nay, do đã có quy định cấm ngân hàng ép khách hàng mua BHNT, các ngân hàng lách luật bằng cách yêu cầu ký cam kết mua tự nguyện.

Nhân viên một công ty bảo hiểm đang tư vấn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng
Nhân viên một công ty bảo hiểm đang tư vấn các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng

Chị Quỳnh Như (TP Thủ Đức, TPHCM) vừa làm thủ tục vay 1,5 tỉ đồng ở ngân hàng A. Nhân viên ngân hàng cũng yêu cầu mua BHNT dạng liên kết đầu tư với giá 40 triệu đồng/năm. Nhân viên này giải thích, do hồ sơ vay của chị được ngân hàng áp dụng lãi suất ưu đãi cố định trong 2 năm nên chị cần mua BHNT để ủng hộ ngân hàng. Để lách luật, người này đề nghị chị Như để người quen, người nhà đứng tên trên hồ sơ mua BHNT. Theo chị, nếu không mua BHNT thì khoản vay khó được giải ngân, còn nếu để người khác đứng tên mua BHNT thì mình không được hưởng quyền lợi bảo hiểm. Tham khảo một số ngân hàng khác, chị được biết, nếu không mua BHNT thì hạn mức cho vay rất thấp so với giá trị tài sản đảm bảo.

Khi làm hồ sơ vay tiền, anh Quốc An (TP Thủ Đức, TPHCM) cũng được nhân viên ngân hàng S. tư vấn, lãi suất vay mua nhà chỉ 7,5%/năm nhưng anh phải mua BHNT trị giá 2,5% giá trị khoản vay; nhân viên ngân hàng V. tư vấn, lãi suất vay mua nhà trong năm đầu tiên chỉ 6,8%/năm nhưng anh phải mua BHNT trị giá 1,5% giá trị khoản vay.

Khó xử phạt ngân hàng

Luật Kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 46/2023 của Chính phủ và Thông tư số 67/2023 của Bộ Tài chính quy định, các ngân hàng không được bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay. Nhưng trên thực tế, nhân viên các ngân hàng vẫn tìm đủ cách để ép khách hàng mua BHNT.

Ông Ngô Trung Dũng - Phó tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam - cho biết ngành bảo hiểm không có chủ trương “ép” khách mua BHNT. Để khôi phục niềm tin của khách hàng về BHNT, ngay từ đầu năm 2024, một số doanh nghiệp bảo hiểm đã bổ sung các quy trình xác thực thông tin khách hàng và giám sát phát hành hợp đồng.

Cụ thể là sau khi khách hàng cung cấp thông tin để mua hợp đồng BHNT, các công ty sẽ gửi một đường dẫn (link) gồm các nội dung về quyền lợi sản phẩm, lưu ý về rủi ro đầu tư, trách nhiệm đóng phí qua email hoặc tin nhắn đến điện thoại để khách hàng xác nhận. Trong vòng 5 ngày, nếu khách hàng không hoàn thành các bước xác nhận này, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không cung cấp hợp đồng.

Ông phân tích: “Khi ký hợp đồng độc quyền khai thác bảo hiểm, phía công ty bảo hiểm đều giao chỉ tiêu cho các ngân hàng. Sau đó, các ngân hàng giao chỉ tiêu cho các nhân viên tín dụng nên có thể xảy ra việc nhân viên mời hoặc “ép” khách mua. Hành vi này sẽ ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của cả ngân hàng lẫn công ty bảo hiểm”.

Ông Trần Nguyên Đán - giảng viên bộ môn bảo hiểm và quản trị rủi ro tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM - cho biết: các nhân viên ngân hàng đang chuyển hướng sang gợi ý thân nhân của người vay tiền đứng tên trên hợp đồng mua BHNT để vừa đảm bảo doanh số bán BHNT, vừa không bị mang tiếng “ép” khách vay.

Các ngân hàng vẫn cương quyết lách luật để bán BHNT là vì đã ký hợp đồng độc quyền với các công ty bảo hiểm và nhận được một phần phí trả trước rất lớn mà nếu không có được doanh số như đã cam kết thì phải hoàn lại khoản phí này. Nhưng thay vì tìm cách tận dụng lợi thế của mình để tiếp cận được khách hàng có thu nhập cao hoặc đào tạo nhân viên về kiến thức tài chính, ngân hàng để có thể thuyết phục khách hàng thì phía ngân hàng vẫn làm theo cách đơn giản nhất là “ép” khách vay tiền mua BHNT.

Ông cho rằng, các ngân hàng vẫn công khai “ép” khách vay mua BHNT là do chưa có ngân hàng nào bị xử phạt; phía cơ quan quản lý nhà nước cũng không định nghĩa được thế nào là “ép”, cũng không đưa ra hướng dẫn những hành vi nào bị cho là “ép”. Để ngăn chặn việc ngân hàng “ép” khách mua BHNT, cơ quan quản lý cần có hướng dẫn rõ ràng, giúp khách hàng có cơ sở để tố cáo. Phải có nơi tiếp nhận thông tin phản ánh của khách hàng và kiểm tra, giải quyết rốt ráo các phản ánh này.

“Phải nâng mức xử phạt lên thật cao, vì nếu chỉ phạt từ 100-200 triệu đồng/lần thì vẫn không đủ răn đe bởi lợi nhuận từ việc bán BHNT có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm” - ông Trần Nguyên Đán nói.

“Trước đây, tôi đã mua BHNT rồi nên nay không có nhu cầu mua nữa, nhưng cuối cùng vẫn phải mua vì lo hồ sơ không được duyệt, trong khi tôi đã tốn khá nhiều chi phí để tất toán khoản vay ở ngân hàng cũ và làm hồ sơ vay mới ở ngân hàng này” - chị Kim Chi nói.

Nên cấm tổ chức tín dụng tư vấn và bán bảo hiểm

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023, Nghị định 46/2023 của Chính phủ và Thông tư số 67/2023 của Bộ Tài chính có quy định “cấm các ngân hàng bán bảo hiểm liên kết đầu tư kèm khoản vay trong thời hạn trước và sau 60 ngày kể từ ngày giải ngân toàn bộ khoản vay”. Việc các ngân hàng thương mại đề nghị để thân nhân của người vay đứng tên trên hợp đồng mua BHNT là yêu cầu trái pháp luật, vi phạm khoản 5, điều 9 của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Hành vi để người thân đứng tên trên hợp đồng BHNT sẽ mang lại nhiều rủi ro: khách hàng chỉ duy trì việc đóng phí trong năm đầu rồi bỏ hợp đồng, làm tốn kém chi phí đi vay; người thân đứng tên trên hợp đồng sẽ phải bất đắc dĩ tiếp nhận các thông báo nhắc nợ, nhắc phí, bị kéo vào các rắc rối không mong muốn.

Việc các phòng giao dịch của ngân hàng thương mại vừa thực hiện chức năng nhận tiền gửi, cấp tín dụng, cho vay, vừa thực hiện chức năng kinh doanh bảo hiểm là trái quy định Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Do đó, để thuận lợi cho việc quản lý, giám sát, cần tách bạch ngay 2 hoạt động này. Điều đáng mừng là Thông tư 67/2023 của Bộ Tài chính đã có quy định “Tại mỗi chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, phải thiết lập quầy giao dịch riêng (hoặc bàn giao dịch riêng) để tư vấn, bán bảo hiểm”.

Chúng ta đang mở cửa để ngân hàng kiếm lợi nhuận siêu lớn từ mảng bảo hiểm nhưng họ lại hoạt động không lành mạnh, đẩy hết rủi ro cho người đi vay. Để quản lý tốt ngân hàng, cần có giải pháp tức thì như lập đường dây nóng, email tiếp nhận phản ánh; bắt buộc đặt camera ghi hình kèm tiếng ở quầy tư vấn và lưu trữ trong 6 tháng để tiện kiểm tra. Khi người dân thấy mình được bảo vệ, họ mới mạnh dạn lên tiếng. Nhất thiết phải tách nơi tư vấn và bán bảo hiểm ra khỏi địa điểm giao dịch của các ngân hàng.

Về lâu dài, tôi vẫn giữ nguyên quan điểm cấm tổ chức tín dụng là bên tư vấn, đại lý bảo hiểm bởi bán bảo hiểm không phải và không nên là hoạt động mang lại doanh thu, lợi nhuận chính của ngân hàng. Thay vào đó, các tổ chức tín dụng có thể góp vốn, mua cổ phần các công ty bảo hiểm để tìm kiếm lợi nhuận.

Luật sư Trương Hồng Điền -
Trưởng văn phòng luật sư Xuân Phú, TPHCM

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEanlanhsongmanhvi /strCate=anlanhsongmanh
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEthitruongvi /strCate=thitruong