Ngân hàng ra thẻ tín dụng dùng riêng cho mua hàng online

28/06/2021 - 10:28

PNO - Để tăng lượng thanh toán trực tuyến trong bối cảnh dịch COVID-19 hoành hành, nhiều ngân hàng đã phát hành thẻ tín dụng dành riêng cho sàn thương mại điện tử.

Nhiều ưu đãi khi mở thẻ, mua sắm

Ông Phùng Duy Khương - Phó Tổng giám đốc, phụ trách khối khách hàng cá nhân của Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) - cho biết, thời gian gần đây, nhu cầu mua hàng online và thanh toán không dùng tiền mặt gia tăng đáng kể. Ngân hàng đã chủ động phối hợp với sàn thương mại điện tử Shopee ra mắt thẻ tín dụng VPBank Shopee. Quy trình mở thẻ được số hóa 100%. Người dùng có thể đăng ký mở thẻ trên website hoặc ứng dụng của Shopee, VPBank sẽ xét duyệt trước một hạn mức tín dụng và cấp một thẻ ảo để khách kích hoạt, chi tiêu nhanh chỉ sau 1-2 giờ. 

Dịch bệnh khiến lượng giao dịch trực tuyến (online) và thanh toán không dùng tiền mặt tăng
Dịch bệnh khiến lượng giao dịch trực tuyến (online) và thanh toán không dùng tiền mặt tăng

“Hiện nay tăng trưởng thẻ tín dụng Shopee đang khá tốt so với mục tiêu chúng tôi đặt ra vì nhu cầu mua hàng hóa trực tuyến, mua hàng trước trả tiền sau ngày một gia tăng” - ông Phùng Duy Khương thông tin. 
Vào đầu tháng 6/2021, sàn thương mại điện tử Shopee cũng phối hợp với ví điện tử AirPay, ra mắt ví điện tử riêng của sàn có tên ShopeePay. Ví này được liên kết với nhiều ngân hàng, giúp cho việc chuyển tiền và thanh toán trên sàn tiện lợi, nhanh chóng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng liên kết với sàn thương mại điện tử Tiki ra mắt thẻ tín dụng Sacombank Tiki Platinum. Khách có thể đăng ký mở thẻ trên website hoặc ứng dụng Tiki, có thể kích hoạt và mua sắm trên trang này trước khi ngân hàng cấp thẻ vật lý, thời gian phê duyệt từ 12-24 giờ, khách không cần nhập thông tin thẻ trong những lần mua sắm tiếp theo nhưng vẫn được bảo mật an toàn nhờ công nghệ Tokenization. “Sau năm tháng phát hành, đã có gần 26.000 khách hàng đăng ký mở thẻ Sacombank Tiki Platinum” - ông Phạm Đức Duy, Giám đốc Trung tâm Thẻ Sacombank, cho hay. 

Khi truy cập vào trang thương mại điện tử Lazada, giao diện trang sẽ hiện lên lời mời chào mở thẻ tín dụng Lazada Citi Platinum (Lazada liên kết với Ngân hàng Citibank) hoặc mở thẻ HSBC trực tuyến trên trang này. Các thẻ liên kết này khác với các thẻ tín dụng thông thường ở chỗ, khách sẽ được ưu đãi khi mua sắm trên các sàn mà ngân hàng liên kết. Thẻ VPBank Shopee hoàn tiền từ 6-10% khi mua sắm; thẻ Sacombank Tiki Platinum hoàn tiền 15% trong sáu tháng đầu và 10% trong các tháng tiếp theo; thẻ Lazada Citi Platinum giảm 30% khi mua sắm vào cuối tuần, miễn phí thường niên ba năm. Tất cả thẻ đều cho trả góp 0% lãi suất kỳ hạn dài, miễn phí vận chuyển, tặng voucher mua sắm khi mở thẻ… Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIBbank) cũng hợp tác với sàn Sendo, Tiki, giảm giá 10 - 20% đơn hàng, trả góp 0% khi mua sắm bằng thẻ tín dụng VIB Cash Back. 

Giao dịch không tiếp xúc tăng mạnh

Theo công bố của tổ chức Visanet (mạng lưới thanh toán điện tử lớn nhất thế giới), trong quý I/2021, tổng giá trị giao dịch trên thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ Visa tăng 34% so với quý I/2020. Khoảng một nửa số người được hỏi cho biết, đang sử dụng các phương thức thanh toán gián tiếp, trong đó 55% thanh toán bằng mã QR, 51% thanh toán qua ví điện tử, 50% giao dịch qua điện thoại di động.

Lãnh đạo các trang thương mại điện tử thừa nhận, dịch COVID-19 khiến việc thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví điện tử ngày càng gia tăng tại các sàn. Ông Trần Tuấn Anh - Giám đốc điều hành Shopee Việt Nam - cho hay, hiện có đến 80% giao dịch mua sắm tại Shopee sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đối tượng sử dụng từ 18-34 tuổi. 

Còn theo đại diện ví điện tử ShopeePay, trong năm 2020, tổng số đơn hàng thanh toán qua ví ShopeePay tăng gấp bốn lần so với năm 2019, tăng mạnh nhất là ở nhóm người dùng trên 50 tuổi, cho thấy tính dễ tiếp cận của ví. Trong năm 2021, việc thanh toán trực tuyến tiếp tục tăng mạnh. 

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - nhận định, việc thanh toán online có nhiều ưu điểm như nhanh chóng, tiện lợi đối với những giao dịch lớn, giao dịch từ xa, an toàn, tránh sự nhầm lẫn như khi đếm tiền mặt, nhận được nhiều khuyến mãi từ ngân hàng… Xu hướng này sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của VECOM, trong quý I/2021, doanh số thanh toán chi tiêu online trên sàn thương mại điện tử tăng 81%. 

Thực tế, vẫn còn khá nhiều người thích thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng do ngại công nghệ, không yên tâm về vấn đề bảo mật thông tin khi dùng thẻ. Do vậy, để “phủ sóng” việc thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của chính phủ, các ngân hàng và các sàn thương mại điện tử cần nhiều nỗ lực hơn để có thể sớm “phổ thông hóa” thẻ, giúp việc mở thẻ, dùng thẻ tiện lợi cho mọi đối tượng, đồng thời áp dụng tiêu chuẩn bảo mật tốt nhất để tạo niềm tin cho khách hàng. 

Theo Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), trong năm tháng đầu năm 2021, hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử Napas đã xử lý hơn 800 triệu giao dịch, tương ứng với hơn 8 triệu tỷ đồng, tăng 113% về số lượng và 169% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2020. Tổng giá trị giao dịch thanh toán thẻ tại các điểm bán hàng (POS) và tổng giá trị thanh toán thẻ, ví điện tử qua cổng thanh toán trực tuyến Napas tăng trưởng tương ứng là 50% và 125% so với cùng kỳ năm 2020.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI