Ngân hàng mở rộng cửa đón nguồn kiều hối

11/01/2020 - 07:13

PNO - Kiều hối về Việt Nam tăng mạnh thời điểm giáp tết, các ngân hàng đưa ra hàng loạt ưu đãi để đón luồng tiền này.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong năm 2019, lượng kiều hối về Việt Nam đạt khoảng 13-14 tỷ USD, tăng 6-8% so với năm 2018. Riêng tại TP.HCM, lượng kiều hối đổ về cao nhất cả nước, đạt khoảng 5,6 tỷ USD, tăng 10%. 

Hiện nay có nhiều kênh nhận kiều hối như ngân hàng, tổ chức kinh tế, hải quan, bưu điện. Để cạnh tranh với các dịch vụ bên ngoài, các ngân hàng thương mại tăng cường cung cấp dịch vụ nhận và chuyển tiền kiều hối, tung nhiều chương trình khuyến mãi. BIDV tặng 50.000 đồng cho mỗi giao dịch kiều hối qua kênh ngân hàng (Swift) và kênh đối tác (Western Union, Koronal Pay, BIDC). Agribank áp dụng hình thức rút thăm cho khách hàng nhận tiền qua kênh Western Union; Vietinbank cũng có các chương trình tặng quà, rút thăm riêng. Một số ngân hàng thông báo, nhận kiều hối xuyên suốt dịp tết, không hạn chế thời gian, mở rộng các tiện ích.

Các ngân hàng tăng ưu đãi để thu hút dòng kiều hối, cạnh tranh với các dịch vụ chuyển tiền
Các ngân hàng tăng ưu đãi để thu hút dòng kiều hối, cạnh tranh với các dịch vụ chuyển tiền. Ảnh: Internet

Hiện nay, tỷ giá hoán đổi ngoại tệ trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do đã bằng nhau; có lúc, tỷ giá trong ngân hàng còn cao hơn thị trường tự do. Đại diện ngân hàng BIDV cho biết, những năm trước, khách hàng nhận kiều hối có xu hướng giữ ngoại tệ hoặc đem bán ngoài thị trường tự do, nhưng hai năm trở lại đây, nhờ NHNN điều chỉnh tỷ giá ổn định, khách nhận kiều hối có xu hướng đổi ngoại tệ trực tiếp tại ngân hàng để lấy tiền đồng, giúp ngành ngân hàng tăng lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ và gia tăng dự trữ ngoại hối. 

Lượng kiều hối về Việt Nam nhiều nhất là từ Mỹ (chiếm 55%), tiếp đến là Úc, Canada, Pháp, Đức. Vài năm trở lại đây, có thêm nguồn kiều hối từ Malaysia, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin, Việt Nam là quốc gia nhận lượng kiều hối lớn thứ chín thế giới. 

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính ngân hàng - lượng kiều hối về Việt Nam ngày càng nhiều là do số lượng doanh nhân, trí thức, lao động Việt Nam ở nước ngoài ngày càng tăng. Một phần lượng kiều hối của người lao động đưa về là để trả nợ, xây nhà; một số kiều bào gửi về đầu tư vào việc sản xuất, kinh doanh và mua bất động sản. Họ thấy được ở Việt Nam có nhiều tiềm năng để đầu tư, phát triển, mở rộng sản xuất hơn so với trước đây. Kiều hối được xem là điểm sáng của nền kinh tế, là một nguồn lực quan trọng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của một bộ phận người dân. Dòng chảy này là vô điều kiện, không lo rút vốn như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Có ý kiến cho rằng, để tăng lượng kiều hối về Việt Nam, nên cho phép doanh nghiệp, người dân trong nước có thể vay từ kiều bào nước ngoài thay vì cho, cho mượn như hiện nay. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, cho vay thì phải trả gốc và lãi, việc cho vay từ kiều bào nước ngoài sẽ khó kiểm soát vì có thể dẫn đến tình trạng rửa tiền.

Trước đây, NHNN cho phép huy động ngoại tệ với lãi suất 4%, khá nhiều kiều bào chuyển tiền về Việt Nam gửi để hưởng lãi suất. Nhưng do đồng nội tệ mất giá nên người dân mất niềm tin với thị trường, chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, vàng, gây ra tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Để ngăn chặn tình trạng này, NHNN đã giảm trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ về 0%/năm vào nửa cuối năm 2015. Lúc này, một số ngân hàng lớn thiếu hụt ngoại tệ, buộc phải phát hành trái phiếu ra nước ngoài với lãi suất 8%. 

“Thay vì cho ngân hàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao để thu hút ngoại tệ, NHNN nên cho phép ngân hàng huy động tiền gửi ngoại tệ từ kiều bào với lãi suất 3-4%, sau đó cho các doanh nghiệp vay lại với lãi suất 5% chẳng hạn, vừa thu được kiều hối, vừa không sợ người dân găm giữ ngoại tệ” - tiến sĩ Đinh Thế Hiển nêu ý kiến. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI